Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hậu cách ly vì COVID -19: Nông dân cần thêm “lực đẩy”

08:05 07/09/2020 GMT+7
Trong dòng diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, không ít khu xóm nông dân, những thôn nhỏ sát đô thị lớn chịu tác động trầm trọng từ những đợt cách ly địa bàn. Mọi hoạt động đình trệ khiến cuộc sống người dân nghèo bám ruộng, vườn càng khó khăn hơn, bởi “đầu

Trong dòng diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, không ít khu xóm nông dân, những thôn nhỏ sát đô thị lớn chịu tác động trầm trọng từ những đợt cách ly địa bàn. Mọi hoạt động đình trệ khiến cuộc sống người dân nghèo bám ruộng, vườn càng khó khăn hơn, bởi “đầu ra không có, đầu vào không xong”. Nhưng không mấy ai hiểu được, khó khăn ấy hóa ra lại tăng lên gấp bội, ngay sau khi những lệnh cách ly được dỡ bỏ.

“Du lịch khổ một, người dân liên quan khổ mười”

Ông Trần Viết Phương, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chia sẻ, từ 6 giờ sáng 22/8/2020 chấm dứt cách ly trên địa bàn. Chuyện này như giúp gỡ bỏ tảng đá đè trĩu trên ngực ông cùng cộng sự trong những ngày qua, với câu hỏi làm sao giúp các hội viên nông dân khó khăn ở trong tâm dịch Covid-19.

Hơn 20 ngày qua, các cán bộ Hội ND tại đây phải đôn đáo chạy vạy, để huy động mọi nguồn khoản cứu trợ, giúp từng hộ gia đình đang gặp bế tắc về thu nhập có bữa cơm. Ai cũng nghĩ ND có ruộng vườn, mươi ngày ở trong nhà hái rau, ăn củ là ổn, nhưng không hẳn vậy. Bà con nơi đây vốn có nguồn cung sản phẩm liên quan các mảng dịch vụ xã hội như du lịch, ẩm thực, thì khi có lệnh cách ly coi như đói. Ông Phương nhấn mạnh: “Không thiếu thốn sao được khi mọi khoản chi tiêu, thu nhập đong đếm hàng ngày qua từng lô bánh tráng, mì Quảng thành phẩm được đưa đi, nay dừng lại hết vì không có lối tiêu thụ. Những phố lớn, nhà hàng, chợ đầu mối ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh bị gián đoạn khi du lịch đình trệ, thì sản phẩm của ND cũng điêu đứng theo mà thôi!”.

Du lịch đình trệ, xã hội cách ly, đầu ra nông sản gặp khó khiến nông dân càng điêu đứng.

Có điều, khi chặng khó ấy đi qua rồi, đến nay lệnh cách ly được dỡ bỏ, địa phương chỉ còn áp dụng mức nhẹ hơn – giãn cách xã hội – áp lực lo toan hóa ra lại càng lớn hơn. Đơn giản vì sau nhiều ngày tắt lửa, các lò gia công bánh trái, mảnh ruộng không chăm sóc, rau lá mọc đầy phải cắt đổ đống, rất nhiều ND không còn giữ được vốn lưu động nữa. Cả một chuỗi quy trình kết nối tạm dừng, như đoàn tàu kẹt bánh, giờ muốn khởi động lại, không kém phần gian nan.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thổ lộ: “Dịch bệnh làm toàn ngành điêu đứng, nhưng xem ra giới du lịch khổ một thì người dân liên quan khổ mười. Với những vùng ND đầu tư chuyên môn hóa tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm cung ứng cho du lịch như: Làng bánh tráng Đại Lộc, làng rau Trà Quế (Hội An)…, tác động đình trệ gây ách tắc đời sống ghê gớm. Than vãn của bà con ND trong dịch đã nhiều, thì với những điểm đã bị cách ly, thoát ra được lại càng nặng nhọc hơn. Như đến nay, hầu như các Chi hội ND ở Hội An đều lúng túng, sau cách ly sẽ làm gì để giúp nông dân khôi phục lại sản xuất, khi thiếu hụt giống, không còn vốn đầu tư hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Đầu ra sản phẩm vẫn tê liệt bởi xung quanh chưa có dịch chuyển gì”.

Trao đổi thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội ND TP. Đà Nẵng tâm tư: “Với những địa phương phát triển ngành Du lịch như Đà Nẵng, nhiều năm qua, hoạt động sản xuất của nhiều hội viên ND đã cố gắng chuyển hướng phục vụ các hoạt động kinh tế mũi nhọn địa phương, đặc biệt về du lịch. Các xóm trồng hoa, chế biến thực phẩm, chuyên canh rau sạch… cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, cơ quan thương mại… có được thu nhập ổn định, thật sự rất mừng. Nhưng dịch bệnh đến, toa tàu cuối của chuỗi cung ứng ấy, chính là ND, lại phải dừng đầu tiên mà chạy lại cuối cùng. Áp lực cuộc sống với họ vì thế không đơn giản là chỉ còn tưới vồng rau sau nhà, chăm con gà trong ổ là đủ! Câu chuyện này không riêng gì với ND Đà Nẵng, mà ít nhiều xảy ra ở những vùng tâm dịch mà Covid-19 lướt qua”.
Thực sự cần nhiều “lực đẩy”

Vì vậy, trong khi người dân vỗ tay mừng thoát cách ly, thì người ND đón tin này vừa mừng kèm theo nỗi lo nặng trĩu. Lời động viên với họ rất cần thiết, nhưng thực sự cần rất nhiều lực đẩy như hỗ trợ thêm nguồn vốn vay… để ND đứng lên lại được sau dịch bệnh, nhất là ở những vùng cách ly! Trong giai đoạn cách ly vì dịch bệnh, nhà nhà đóng cửa, xóm xóm phong tỏa, tất cả đình trệ là phải chấp nhận rồi. Nhưng sau cách ly, thì giãn cách xã hội vẫn buộc mọi người tuân thủ những yêu cầu vệ sinh dịch tễ, lo ngừa dịch bệnh. Từ cái khẩu trang, chai nước xịt khuẩn, cho đến vật tư sản xuất rồi hạt rau con giống, đều cần có vốn, có điều kiện mới gieo trồng lại.

Không dễ để có lại vườn rau chuyên canh xanh mướt ngày ngày, một vườn hoa đẹp nở thắm từng buổi chỉ sau vài tuần khôi phục. Công dồn góp, chăm sóc của nông dân ở đó phải bền bỉ hàng tháng trời. Vậy nhưng chỉ sau mươi ngày dừng cắt hoa chăm cành, là cây lá tả tơi, tàn lụi, mọi cái coi như phải làm lại từ đầu.

Sau cách ly dịch bệnh Covid-19, sức sản xuất của dân tại làng bánh tráng Đại Lộc (Quảng Nam) suy giảm trầm trọng.

Nông dân trước tiên cần có tinh thần tự lực, dựa vào chính mình và các mối quan hệ liên kết đã được xây dựng để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, khi họ gặp khó khăn, thì một bộ phận lớn của cộng đồng xã hội liên quan cũng chịu ảnh hưởng xấu như gián đoạn nguồn cung thực phẩm, dịch vụ, giá nông sản cao hơn… Trong khi đó, hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước thường đến khá trễ và đối tượng thụ hưởng, mức độ hỗ trợ chỉ có giới hạn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp, tổ chức Hội Nông dân và chính quyền các cấp cần nghiên cứu những giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho ND?

Dịch bệnh làm toàn ngành điêu đứng, nhưng xem ra giới du lịch khổ một thì những người dân liên quan khổ mười. Với những vùng nông dân đầu tư chuyên môn hóa tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm… cung ứng cho du lịch, như làng bánh tráng Đại Lộc, làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam)… tác động của dịch gây ách tắc đời sống ghê gớm.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

Bài, ảnh: Nguyên Đông