Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội ND Hoà Bình phối hợp hỗ trợ ND phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2022-2025

Nghiệp Hải - 13:15 14/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 13.4.2022, Hội ND tỉnh Hoà Bình đã ký kết Chương trình phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh nhằm mục tiêu tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2022-2025.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hoà Bình ký kết chương trình phối hợp. 

Nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng và khẳng định thương hiệu nông sản của tỉnh Hòa Bình

Trong giai đoạn 2022-2025, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Công Thương thực hiện những nội dung chủ yếu như: Phối hợp trao đổi thông tin và thống nhất tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác xây dựng kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025 và hàng năm; đề xuất để bố trí các nguồn lực, đặc biệt là nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình Khuyến công Quốc gia, ngân sách của tỉnh, nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp/HTX và người dân đóng góp để phục vụ công tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Phối hợp thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm tình hình nông dân, nông thôn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ: Hội Nông dân tỉnh phối hợp chỉ đạo, định hướng sản xuất các mặt hàng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng; chú trọng hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các vùng trồng cây chủ lực, lợi thế của tỉnh, đảm bảo các điều kiện phục vụ tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu; định kỳ cung cấp thông tin tới Sở Công Thương về danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; sản lượng, chủng loại, mùa vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sở Công Thương cung cấp thông tin về định hướng mở rộng thị trường và dự báo về nhu cầu thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh gửi cho Hội Nông dân tỉnh phục vụ công tác phối hợp chỉ đạo điều hành sản xuất nông sản gắn với thị trường. Chủ trì phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý và tập huấn các kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp, kỹ năng kinh doanh cho các Hợp tác xã, chủ trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản.

Phối hợp trong thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường nội tỉnh, cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (gạo, thịt, cá, rau, củ, quả, đường, muối, và vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi ..v.v...) đảm bảo phục vụ tiêu dùng, sản xuất trong nội tỉnh và ứng phó với tình hình thiên tai, dịch bệnh.

Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản: Hội Nông dân tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiếp tục vận động các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thẩm định sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh về bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; quảng bá sản phẩm nông sản...

Sở Công Thương chủ trì phối hợp đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 3034/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình.

Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh trình UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm cho các ngành hàng nông, lâm, thủy sản; Thường xuyên trao đổi với Hội Nông dân tỉnh về kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm chuyên ngành nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tuần lễ giới thiệu nông sản chủ lực của tỉnh tại các thành phố lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...; hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh tham dự hoặc giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại hội chợ quốc tế về nông sản tổ chức tại Việt Nam; đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; giới thiệu để tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng... trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.

Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển nông sản; nội dung về các Hiệp định Thương mại tự do mà Chính phủ đã ký kết với các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới, đặc biệt nhấn mạnh các hàng rào thuế quan và các công cụ chính sách thương mại phi thuế quan ngày càng được nhiều nước trên thế giới sử dụng, đặc biệt là các nước phát triển, trong đó có nhiều nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam để cán bộ, hội viên và người dân hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình xuất khẩu hàng hóa cũng như hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực Quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản: Hai cơ quan tăng cường phối hợp triển khai các đề án, dự án về sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản tỉnh Hòa Bình. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tổ chức, cá nhân chế biến, kinh doanh nông sản tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản.

Phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân

Giai đoạn 2022-2025, Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hoà Bình tiếp tục tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về khoa học và công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân thông qua nhiều hình thức như: hội nghị, hội thảo, hội thi, bản tin, trang Web… về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kết quả các mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ thành công, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất; quy trình công nghệ có khả năng ứng dụng trong thực tế sản xuất phù hợp với từng địa phương; quy trình quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, hàng hóa có mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; các chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và giá trị của sản phẩm có chứng nhận trong việc nâng cao giá trị kinh tế, tính bền vững cho các sản phẩm nông sản; các tiến bộ kỹ thuật, các thành tựu về khoa học và công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thuỷ sản.

Phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân về ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, ưu tiên nội dung về sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh gắn với bảo vệ môi trường. Dự kiến mỗi năm tập huấn khoảng 100 lượt người.  

Phối hợp hỗ trợ hội viên nông dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ; đưa sáng kiến, sáng chế, sáng tạo có hữu ích của nông dân nhanh được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ tổ chức các cuộc “Thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”; tham gia chương trình “Tôn vinh Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”...

Phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng phát triển và sử dụng mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống thông tin kết nối cung cầu sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, hiệu quả tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ.

Các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các dân tộc tỉnh Hòa Bình tại các Hội chợ nông sản luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Ảnh Phạm Duy

Phối hợp xây dựng các mô hình điểm ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, VietGap… quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp nhằm triệt để các phế phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để làm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi… tạo ra những sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Phối hợp hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình khởi nghiệp, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0.

Phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong triển khai, thực hiện đề tài, dự án về ứng dụng công nghệ và công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường; đề tài khoa học xã hội nhân văn liên quan đến xây dựng Hội Nông dân vững mạnh.