Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Lai Châu hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, gìn giữ môi trường

Bùi Toán - Thế Công - 07:06 11/08/2022 GMT+7
Những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo vệ môi trường luôn được các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền, vận động rộng rãi để cán bộ, hội viên và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.

Hướng dẫn thực hành sử dụng ống đo mực nước trên ruộng mô hình điểm 

Mới đây, Ban Quản lý Dự án Lúa - Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Hội Nông dân 2 huyện Phong Thổ và Tam Đường tổ chức hội nghị tập huấn về kỹ thuật tưới nước trong canh tác lúa thân thiện với môi trường tại 04 xã Dự án (xã Mường So, xã Nậm Xe của huyện Phong Thổ; xã Bản Bo, xã Bình Lư của huyện Tam Đường). 

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Ban Quản lý Dự án Lúa và lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phong Thổ và Tam Đường cùng đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể của 04 xã Dự án đã trực tiếp chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền cho học viên tham gia tập huấn là các trưởng bản, Chi hội trưởng nông dân và các hộ nông dân tham gia áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại 04 xã Dự án.

Các đại biểu đã được truyền tải về các nội dung như: Giới thiệu về nhu cầu nước của cây lúa; tác hại của việc tưới nước cho lúa không đúng cách; các nguyên nhân gây nên nước trong ruộng lúa bị thất thoát và biện pháp hạn chế; nguyên tắc và các phương pháp tưới nước cho lúa thân thiện với môi trường.

Hướng dẫn thực hành sử dụng ống đo mực nước trên ruộng mô hình điểm tại bản Mấn I, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ

Sau khi kết thúc phần lý thuyết, học viên được các chuyên gia hướng dẫn trực tiếp thực hành làm ống đo mực nước, quan sát mực nước và thực hiện các biện pháp tưới nước phù hợp trong canh tác lúa thân thiện với môi trường trên ruộng mô hình điểm của dự án; trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng (tưới và tiêu) gắn với cải tạo mặt bằng đồng ruộng tại địa phương.

Qua các buổi tập huấn, đại biểu tham dự đều nắm được mục đích, ý nghĩa và những lợi ích thiết thực của việc đưa kỹ thuật tưới nước trong canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất. Trong thời gian tới, các hộ nhất trí tham gia áp dụng, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, họ hàng và bà con lối xóm đưa phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất lúa tại gia đình và địa phương.

Hội hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

Xã Mường So (huyện Phong Thổ) được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đã đạt, cấp ủy chính quyền địa phương luôn chủ động và sát sao trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân tích cực chung tay xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chất thải từ chăn nuôi của một số hộ nông dân trên địa bàn còn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, việc lựa chọn mô hình điểm xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường tại bản Vàng Pheo (xã Mường So) của Hội Nông dân tỉnh đã giúp phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ, đồng thời tạo được sự đồng thuận, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Mô hình được triển khai vào đầu tháng 8 năm 2020, với tổng kinh phí triển khai thực hiện dự án là trên 300 triệu đồng (trong đó: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ là 150 triệu đồng, còn lại là nguồn đối ứng, đóng góp của các hộ dân tham gia mô hình).

Quá trình triển khai mô hình, từng khâu, từng bước triển khai đều được tiến hành dân chủ, công khai. Việc bình xét, lựa chọn hộ tham gia mô hình được thực hiện thông qua họp bản với các nội dung như: Tiêu chuẩn hộ tham gia mô hình; quyền lợi và trách nhiệm của các hộ tham gia mô hình; tầm quan trọng của mô hình trong việc góp phần thực hiện Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025”... Để giúp các hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo đúng quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn xã Mường So. Phối hợp với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc từng hộ dân thực hiện từng hạng mục của mô hình, nắm tình hình, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan.

Kết quả, có 25 hộ nông dân tham gia mô hình đã xây dựng được 25 công trình chuồng trại (mỗi hộ 01 công trình) có diện tích từ 25 m2 trở lên, đồng thời có hố chứa chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Mô hình đã giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng thời giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, sinh hoạt, nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, kết hợp với nguồn lực đầu tư hỗ trợ của tỉnh đã góp phần tạo cảnh quan môi trường của bản Vàng Pheo sạch đẹp hơn và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khám phá trong thời gian tới. Mô hình đã nhận được sự đánh giá rất cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Phong Thổ. Tại hội nghị tổng kết mô hình, ông Vương Thế Mẫn – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ ghi nhận sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ mô hìnhcho nhân dân bản Vàng Pheo, đồng thời đánh giá đây là mô hình rất phù hợp và nên áp dụng rộng rãi tại các địa phương trong huyện, tỉnh.

Ông Mùa A Trừ (áo đỏ), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cùng lãnh đạo HND huyện Phong Thổ, UBND xã Mường So thăm quan các hộ có chuồng trại chăn nuôi của mô hình

Hướng dẫn hội viên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Kiểm định và phát triển KHCN – Sở KH&CN tổ chức nhiều buổi hướng dẫn người dân ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ tiêu chí nông thôn mới, giảm ô nhiễm môi trường. Tại xã Sơn Bình (huyện Tam Đường), hội viên nông dân được giới thiệu về chế phẩm Hatimic, quy cách đóng gói, quy trình kỹ thuật xử lý mùi hôi chuồng trại, rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh Hatimic như: Chuẩn bị dụng cụ và nguyên liệu; cách phun chế phẩm; kỹ thuật xử lý  phế phụ phẩm nông nghiệp, làm phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm Hatibio xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình; chuẩn bị các dụng cụ; tiến hành ủ, theo dõi, kiểm tra rác ủ và lấy rác thải đã hoai mục ra ngoài… Hội viên nông dân được tham gia thực hành sử dụng chế phẩm Hatimic tại bản Tân Hợp – xã Sơn Bình.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Kiểm định và Phát triển KHCN đang hướng dẫn hội viên sử dụng chế phẩm sinh học

Thông qua sự hướng dẫn của các chuyên gia đã giúp hội viên nông dân hiểu được thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và những lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp, xử lý chất thải trong chăn nuôi và trong sinh hoạt. Giúp nông dân tận dụng tốt các phế phụ phẩm trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi làm phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng, giảm bớt chi phí cho trồng trọt và chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất và cộng đồng dân cư.

Từ những hiệu quả của các mô hình cho thấy vai trò chủ động tham gia của cấp Hội Nông dân trong tỉnh và sự đồng tình ủng hộ, sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hơn nữa là sự đồng lòng, ý thức tự giác của hội viên nông dân. Từ đó tạo thành một nếp sống văn minh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất và sinh hoạt của hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân. Và thông qua mô hình cũng góp phần giúp nông dân phấn khởi, tin tưởng vào các chỉ thị, nghị quyết của Hội, hoạt động tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thuận lợi hơn; cán bộ Hội có sự trưởng thành hơn, có thể tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, từ đó khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân dân trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở.

Hội ND xã Gio Quang vận động hội viên ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động gìn giữ môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn, vận động hội viên ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, chăn nuôi bảo vệ môi trường.