Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới

Minh Anh - 07:03 24/02/2022 GMT+7
Sau 10 năm triển khai thực hiện đào tạo nghề cho nông thôn theo Đề án 1956, giờ đây bên cạnh những kết quả đạt được công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục trong giai đoạn tới. Bộ LĐTBXH đang chuẩn bị các phương án nhằm tăng quy mô, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Dạy nghề sản xuất rau nông nghiệp công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt

Đào tạo nghề để ổn định thị trường lao động

Thị trường lao động thời gian qua đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cách mạng công nghệ 4.0. Để duy trì được tính ổn định, linh hoạt của thị trường lao động, nhất là thị trường lao động ở khu vực nông thôn thì vấn đề cốt yếu là phải tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó tạo bước đột phá trong chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay, công tác đào tạo cho lao động nông thôn dù đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp. Vì thế ngoài việc tăng quy mô đào tạo còn cần phải nâng chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp. 

Để làm được điều này, cần tăng cường đào tạo nhân lực lao động nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa thay vì chỉ tập trung đào tạo cho lao động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Từ đó tăng năng lực để nông dân theo kịp cuộc cách mạng công nghệ thông tin lần thứ 4. 

Vừa qua, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%...

Định hướng đến năm 2030, chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40% vào năm 2030; chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% năm 2030. Từ năm 2026, đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động vào quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông giữa các vùng trên toàn quốc và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt tại một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam vào năm 2030.

Tìm hướng đào tạo mới 

Nhằm đánh giá, xác định các vấn đề trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời xác định các vấn đề cần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới, ngày 11/2/2022 vừa qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo tham vấn về định hướng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2030.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Các đại biểu, chuyên gia, đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT; Hội Nông dân Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Tại hội thảo, các đại biểu xác định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Giải quyết các vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn là cơ sở quyết định việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân xứng tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.   

Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2030. Theo đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề lớn và có ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện hiệu quả công tác này, việc tổ chức tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 05/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch, định hướng triển khai các hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nông thôn góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó cần xác định rõ những kinh nghiệm của giai đoạn trước, những vấn đề cần đổi mới, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.  

Tổng kết Hội thảo, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia; đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức các hội thảo chuyên sâu để phục vụ việc tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chỉ thị số 19-CT/TU và  triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới. 

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững (tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm) đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách nhân lực qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt là, mở rộng hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn và các vùng, miền, các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.