Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hữu Kiệm thực hiện “5 cùng” để giữ và nâng cao tiêu chí nông thôn mới

Bùi Ánh - 07:16 25/11/2021 GMT+7
Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hiện tại, đời sống nhân dân đã đổi mới rõ rệt, đời sống của người dân được nâng lên từ phát triển và nhân rộng mô hình kinh tế; hệ thống cơ sở hạ tầng ngày một khang trang…
Một góc bản Huồi Thợ hôm nay.

Phát triển mô hình tạo sinh kế cho dân bản

Xã Hữu Kiệm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn khoảng 8km, có địa giới hành chính nằm dọc trục đường Quốc lộ 7A nên rất có lợi thế trong vấn đề giao thương hàng hóa. Qua quá trình triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay xã Hữu Kiệm tự đánh giá đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt 100% theo quy định Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.

Việc tập trung phát triển kinh tế thông qua các Chương trình, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn NTM, Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ… hỗ trợ cây giống, con giống xây dựng các mô hình đã mang lại nhiều thuận lợi cho các bản trong xã.

Từ đó, các mô hình sản xuất trang trại, gia trại ngày một phát triển và nhân rộng như: Mô hình trồng rau sạch tại Khe Nhinh - bản Na Lượng 1 với sự tham gia của 12 hộ gia đình; Mô hình nuôi bò lai sind; Mô hình kinh tế gia trại tại các bản Khe Tỳ, Na Lượng 1, Na Lượng 2, Bản Hòm, bản Bà, Đỉnh Sơn 1... Bên cạnh đó, việc khai thác hiệu quả diện tích 23,11ha ruộng lúa nước bằng cách áp dụng máy móc nông nghiệp và sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng mang lại giá trị của đất trồng và kinh tế cho các bản.

Đồng thời với việc đưa giống mới, xã còn đẩy mạnh chuyển đổi trồng các loại rau màu trên diện tích 6ha. Cùng với 160ha lúa rẫy luân canh trên địa bàn cũng đã góp phần không nhỏ vào thu nhập cho người dân 9 bản của Hữu Kiệm. Việc sử dụng các loại giống cây trồng mới có chất lượng này đã mang lại năng suất cao, thích hợp với điều kiện môi trường sinh thái của địa phương. 

Anh Lô Hồng Thắng thực hiện trồng rau trên diện tích 1200m2 ở bản Na Lượng 1. Nhờ nắm bắt đặc tính sinh trưởng phát tiển của từng loại cây trồng đã xây dựng quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp từng loại cây. Trong đó chú trọng đến việc lựa chọn giống, bón phân, phòng trừ dịch bệnh cho cây. Các loại rau ngắn ngày được anh lựa chọn như bắp cải, xu hào, dưa leo… đã mang lại giá trị kinh tế cho gia đình.

Cùng với quá trình chuyển đổi cây trồng theo hướng chuyên canh, Hữu Kiệm cũng chú trọng phát triển đàn gia súc cả về số lượng và chất lượng, xây dựng một số mô hình chăn nuôi theo hộ gia đình. Phát triển đàn trâu, đàn bò theo hướng chăn nuôi hàng hoá; Đầu tư phát triển đàn bò lai sind; Chăn nuôi bò vỗ béo, dê và gia cầm...

Nhờ thế, phát triển nền sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hoá, chuyển đổi theo hướng cây trồng chủ lực, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng vật nuôi, ổn định đời sống cho nhân dân. 

“Năm 2010, toàn xã có 9 bản với tỷ lệ hộ nghèo 72,8%, đến đầu năm 2020 giảm xuống còn 4,66%. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ 8 triệu đồng/người/năm thì đến tháng 3/2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/người/năm. Trong những năm tiếp theo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hữu Kiệm tiếp tục phấn đấu chỉ đạo sản xuất, phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Hữu Lượng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Sản xuất rau ngắn ngày theo hướng liên kết nhiều hộ gia đình trong bản mang lại giá trị kinh tế cao.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường 

Hữu Kiệm là xã có tổng diện tích tự nhiên là 7.578,86ha, chiếm 3,6% so với diện tích tự nhiên toàn huyện, chủ yếu là đồi núi. Dân số khoảng 1072 hộ với 4.893 người. Có 4 dân tộc anh em sống trên địa bàn, cụ thể: Dân tộc Khơ Mú chiếm 45,06%; Dân tộc Mông 0,3%; Dân tộc Thái chiếm 43,26% và dân tộc Kinh  11,3%.

Để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cả trong sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng, hàng năm UBND xã tổ chức phát động Tết trồng cây bóng mát tại các đơn vị trường học, trạm Y tế, trụ sở UBND xã và nhà văn hóa của một số thôn bản. Những năm vừa qua, xã kết hợp với chương trình NTM về xây dựng hành lang đường điện tại tuyến đường QL7A, các tổ chức chính trị xã hội đã vận động hội viên trồng được 108 cây săng lẻ 2 bên đường để tạo cảnh quan và bóng mát. 

Từ năm 2016 cho đến nay, UBND xã đã tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng hố rác tại hộ gia đình. Hiện nay xã đã quy hoạch xây dựng hố xử lý chôn lấp chất thải rắn tại bản Bà. Các bản đều đã thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường để hướng dẫn nhân dân phân loại rác và tiêu hủy rác đúng quy định. Định kỳ vào ngày chủ nhật hàng tuần ban quản lý 9 bản huy động nhân dân ra quân dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh nhằm tạo môi trường khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Một trong những giải pháp của xã nhằm bảo vệ môi trường cảnh quan trở nên sạch đẹp là thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân không chăn nuôi gia súc theo hình thức thả rông, nhốt dưới gầm nhà. Việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi riêng biệt và cách xa nơi sinh hoạt của gia đình cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó là nghĩa trang được quy hoạch theo phong tục tập quán phù hợp với nét văn hóa lâu nay ở địa phương. Các nghĩa trang được bố trí hợp lý, cách xa nguồn nước, xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian dài tuyên truyền đến nay trên địa bàn xã 9/9 bản đều có nghĩa trang riêng.

“Hầu hết người dân trong bản đều tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường do bản phát động như ngày chủ nhật hoạt động trồng cây xanh, vệ sinh đường quang bản… Đặc biệt, phong trào xây dựng mô hình nhà sạch, đường sạch, không vứt rác bừa bãi được người dân trong bản hưởng ứng cao, thực hiện có hiệu quả”, ông Kha Văn Mát bản Na Lượng 1 cho biết.

Đến thời điểm hiện tại Hữu Kiệm là xã duy nhất ở huyện miền núi Kỳ Sơn đạt chuẩn NTM. Khi các nguồn lực bên ngoài sẽ cắt giảm dần, nguồn lực tại chỗ còn nhiều hạn chế thì việc giữ vững và nâng cao các tiêu chí đòi hỏi phải nỗ lực trên tinh thần “5 cùng” của chính quyền và người dân. 

Năm 2010, toàn xã có 9 bản với tỷ lệ hộ nghèo 72,8%, đến đầu năm 2020 giảm xuống còn 4,66%. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ 8 triệu đồng/người/năm thì đến tháng 3/2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/người/năm.