Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kể câu chuyện nước Việt ngàn năm qua sơn son thếp vàng

08:18 20/07/2017 GMT+7

Gần 100 hiện vật sơn son thếp vàng không chỉ là 100 câu chuyện lịch sử mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của nghệ nhân, chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng… của người Việt.

Nét cổ xưa trong hiện vật hôm nay

Nghề chạm khắc gỗ, làm đồ sơn là một ngành nghề có truyền thống lâu đời của người Việt. Trong chiều dài lịch sử phát triển, đồ gỗ sơn thếp đã kế thừa, phát triển mạnh mẽ suốt thời kỳ phong kiến, tuy nhiên, rực rỡ nhất là thời Lê, Nguyễn (thế kỷ XVII – XIX). Với nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng lấp lánh vàng quỳ cùng những đề tài trang trí phong phú mang ý nghĩa tốt lành, cao quý đã đưa đồ gỗ sơn thếp gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những vật quý giá, linh thiêng. Những tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của nghệ nhân mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng…

Triển lãm thu hút đông đảo khách thăm quan.

Cùng với lịch sử các triều đại phong kiến, sự phát triển của các tôn giáo, tín ngưỡng, nghề làm đồ sơn – sơn son thếp vàng ngày càng trở nên phát triển, hưng thịnh. Tuy có những lúc thăng trầm, có lúc tưởng chừng đã mai một, nhưng ngày nay nghề sơn thếp đã được hồi phục và ngày càng phát triển. Ngoài làm nông nghiệp, nhiều vùng miền ở nước ta đều có nghề phụ là nghề mộc để phục vụ việc xây dựng nhà cửa, đình chùa, đóng bàn ghế, giường tủ, làm tượng hay đồ trang trí. Những sản phẩm sơn thếp được tạo tác từ nhiều công đoạn tỷ mỷ, chi tiết có tính mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc. Các nghệ nhân dân gian trên cơ sở những tinh hoa truyền thống tạo nên những sản phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và tôn giáo, tín ngưỡng.

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Trưng bày cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các hiện vật với cuộc sống đương đại. Nhiều hiện vật lần đầu tiên trưng bày, giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận với nghề thủ công mỹ nghệ được trao truyền, tiếp nối hơn 2000 năm qua, bây giờ vẫn tiếp tục phát triển, kết nối quá khứ đến hiện tại. Những hiện vật được trưng bày theo nhóm mang đến cho công chúng cảm nhận vừa cao quý, vừa thân quen”.Cùng với lịch sử các triều đại phong kiến, sự phát triển của các tôn giáo, tín ngưỡng, nghề làm đồ sơn – sơn son thếp vàng ngày càng trở nên phát triển, hưng thịnh. Tuy có những lúc thăng trầm, có lúc tưởng chừng đã mai một, nhưng ngày nay nghề sơn thếp đã được hồi phục và ngày càng phát triển. Ngoài làm nông nghiệp, nhiều vùng miền ở nước ta đều có nghề phụ là nghề mộc để phục vụ việc xây dựng nhà cửa, đình chùa, đóng bàn ghế, giường tủ, làm tượng hay đồ trang trí. Những sản phẩm sơn thếp được tạo tác từ nhiều công đoạn tỷ mỷ, chi tiết có tính mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc. Các nghệ nhân dân gian trên cơ sở những tinh hoa truyền thống tạo nên những sản phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và tôn giáo, tín ngưỡng.

Tượng Bồ Tát Quan âm (Gỗ sơn thếp, thế kỷ XVII – XVIII.

Ông Nguyễn Quốc Bình, cán bộ Phòng Trưng bày cho biết: Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một sưu tập đồ gỗ sơn thếp phong phú về số lượng, loại hình và niên đại. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu về các vấn đề lịch sử mỹ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc học, làng nghề truyền thống… Chúng tôi triển lãm theo tổ hợp, nhóm hiện vật theo chủ đề và các hiện vật liên quan, trung tâm phòng trưng bày là tổ hợp hiện vật như một ngôi chùa truyền thống của miền Bắc, phía ngoài thể hiện ban thờ thần gần gũi với đình, đền miếu mà bất cứ ngôi làng miền Bắc nào cũng có, phía bên trái là ban thờ tổ tiên trong các gia đình tạo không gian và sự gần gũi với khách tham quan.

Tượng Nghê gỗ sơn thếp (TK XIX).

Tự hào quá khứ, tự tin bước vào tương lai

Để truyền lửa tự hào về lịch sử qua những hiện vật mang giá trị văn hóa, truyền thống, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nỗ lực sưu tầm, lưu giữ, bảo quản những di vật đồ gỗ sơn thếp và cũng đã bước đầu tổ chức một số cuộc triển lãm ngắn hạn tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Bảo tàng tỉnh Hà Nam…

Trưng bày “Nét vàng son” lần này giới thiệu hiện vật đồ gỗ sơn thếp có niên đại thời Lê – Nguyễn gồm các loại hình hiện vật: đồ thờ, tượng thờ, chi tiết trang trí kiến trúc và đề tài trang trí phong phú: tứ linh, tứ quý, thư pháp, linh vật, hoa lá, chim muông… Trong đó có những hiện vật độc đáo, quý hiếm lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng. Nét vàng song được chia thành các nhóm hiện vật: hiện vật Phật giáo, hiện vật ban thờ thần, hiện vật ban thờ gia tiên, hiện vật khác giới và một số hình ảnh và công cụ, dụng cụ, các công đoạn của nghề làm vàng quỳ, nghề làm đồ sơn thếp: chàng, đục, giấy bản, búa, sơn, chổi…

Đồ gỗ sơn thếp không chỉ thể hiện triết lý nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng. Sơn son thếp vàng của người Việt đa số dùng sơn ta, đó là sơn đỏ, có độ sâu, chỗ nào dùng son, chỗ nào dùng vàng, tạo cảm giác ấm cúng, yên ấm, nhưng vẫn có những khoảng cách không xâm phạm được.

GS. Trần Lâm Biền chia sẻ: “Trưng bày gửi đến thông điệp giàu ý nghĩa, giúp công chúng hiểu sâu sắc và trân trọng những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, ý nghĩa của đồ gỗ sơn thếp trong đời sống người Việt. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, tinh hoa văn hóa dân tộc. Các cổ vật cũng như các kiến trúc của người xưa gửi đến vấn đề lịch sử, xã hội, đặc biệt là văn hóa, nghệ thuật, từ đó là ước vọng của tổ tiên. Ước vọng đó nói lên một điều, dân ta luôn nghĩ đến hiện tại quá khứ, và tương lai. Có tôn trọng quá khứ mới biết bước vào tương lai”.

Từ 20/6 đến hết tháng 11/2017, công chúng có dịp được tìm hiểu những câu chuyện lịch sử ẩn trong hàng trăm hiện vật sơn son thếp vàng được trưng bày tại Triển lãm “Nét vàng son”, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Hạ Vy