Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khi ngành sản xuất chế biến nông lâm thủy sản thiếu nguyên liệu

09:43 27/02/2018 GMT+7

Một nghịch lý triền miên trong xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản của Việt Nam là phía doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu khá nhiều loại nguyên liệu do nguồn cung trong nước không đảm bảo hoặc không đáp ứng đủ. Diện tích vùng chuyên canh nguyên liệu nhỏ, manh mún, thiếu tính liên kết vẫn đang là rào cản với những DN nội đang hướng đến sản xuất lớn.

Dù đóng quân ở “thủ phủ dừa” Bến Tre nhưng một DN XK dừa hàng đầu là công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đôi lúc lại gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dừa làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng các đơn hàng.

Điều này khiến ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc kinh doanh của công ty, đưa ra so sánh như ở Thái Lan có nguyên liệu dừa ngang ngửa với Việt Nam nhưng kim ngạch XK sản phẩm chế biến từ quả dừa của họ gấp đôi, gấp ba lần.

Đến trái dừa còn lo nhập

Nói về tính cạnh tranh, ông Thịnh cho biết nguồn nguyên liệu dừa của Thái Lan nếu có thiếu hụt thì họ nhập từ Indonesia và một phần khi giá dừa ở Việt Nam xuống thấp thì họ cũng nhập về thông qua đường biên mậu từ Hà Tiên (Kiên Giang) qua Campuchia rồi sang Thái Lan. Để bảo vệ sản xuất dừa trong nước, Chính phủ Thái Lan có động thái là khi vào mùa vụ dừa của họ thì đánh phí mùa vụ đến 54% nhằm tránh xuất nguyên liệu thô.

Thiếu tính liên kết trong ngành nông sản vẫn đang là rào cản với những DN hướng đến sản xuất lớn

Không phải DN nào ở Thái cũng được phép nhập nguyên liệu. Trong khi đó, thời gian vừa qua ở Bến Tre thiếu nguồn nguyên liệu dừa, hầu hết nhà máy chế biến sản phẩm dừa buộc phải ngưng hoặc sản xuất cầm chừng. Điều này buộc công ty Lương Quới phải sang các quốc gia trong khu vực chật vật tìm nguồn cung dừa trái.

Đây là một trong những trường hợp điển hình về việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong hoạt động XK sản phẩm nông lâm thủy sản chế biến hiện nay, dù Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, nhất là với các DN sản xuất lớn đang cần vùng nguyên liệu lớn.

Trường hợp công ty Lương Quới đang cho thấy một phần thực tế hoạt động sản xuất nguyên liệu nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre còn thiếu ổn định. Điều này đã làm cho chuỗi sản phẩm nông sản thường không liên tục, có sự thay đổi rất nhanh về số lượng, chất lượng khi cung ứng.

Hoặc như trong chế biến thủy sản, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một chủ DN chế biến tôm XK cho biết chỉ chủ động được khoảng 60% nguồn nguyên liệu cần cho sản xuất. Hiện tại, công ty đang cố khắc phục tính bấp bênh của khoảng 40% nguyên liệu còn lại. Việc tạo vùng nguyên liệu lớn và ổn định lâu dài ở trong nước đang là ưu tiên hàng đầu của DN này.

Hay như công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) với dự kiến xây dựng nhà máy chế biến thủy hải sản và nông sản đạt 7.000 tấn trong năm 2018 và 8.000 tấn trong năm 2019, đang chú trọng tìm kiếm, liên kết với các hợp tác xã, các công ty nông nghiệp có diện tích canh tác lớn hoặc các hộ nông dân có diện tích canh tác, nuôi trồng từ 1ha trở lên.

Tích tụ ruộng đất, tăng liên kết

Trong việc thiếu hụt vùng nguyên liệu chế biến nông sản có thể lấy ngành điều làm ví dụ. Dù là nước XK nhân điều lớn nhất thế giới, nhưng hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn trong tổng số 1,4 triệu tấn điều thô dùng để chế biến. Năm 2017 vừa qua, giá trị nhập khẩu nguyên liệu điều đã trên 2,5 tỷ USD trong khi kim ngạch XK điều chỉ là trên 3,5 tỷ USD.

Do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập nên thặng dư thương mại trong ngành điều không lớn, giá trị lợi nhuận mang lại cho DN cũng không cao. Nhất là khi thị trường nguyên liệu xảy ra biến động, các DN phải gánh chịu những phát sinh như bị hủy hợp đồng, giao hàng không đúng hẹn, chất lượng nguyên liệu không đảm bảo…

Có thể nói, việc các DN vẫn phải gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và chế biến XK nông lâm thủy sản sẽ dẫn đến tình trạng giảm sút năng lực cạnh tranh về giá. Điều đáng chú ý, có nhiều nguyên liệu trong nước giá cao hơn so với các nước khác, nguồn cung lại hạn chế. Cho nên, các DN buộc phải nhập nguyên liệu ngoại để duy trì tốc độ XK và tăng khả năng cạnh tranh.

Trong vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến nông sản hiện nay, để phát triển vùng nguyên liệu lớn, theo khuyến nghị từ giới chuyên gia, cần mở đường cho tích tụ ruộng đất.

Như lưu ý của Ngân hàng Thế giới (WB), các nông trường quốc doanh quản lý khoảng 7,5 triệu hécta đất, bằng 23% diện tích tự nhiên của cả nước, đây là lợi thế rất lớn nếu phân bổ nguồn lực này một cách hợp lý.

Giới chuyên gia cho rằng nên tạo điều kiện cho các DN thuê đất hoặc kêu gọi nông dân góp vốn bằng đất để phát triển vùng nguyên liệu, và tham gia làm việc trong DN.

Như trường hợp một công ty sữa đầu tư ở Nghệ An, ngoài việc DN tự thỏa thuận với công nhân nông trường để thuê đất, về phía địa phương và DN còn hỗ trợ chia đất (bằng diện tích trung bình các hộ ở địa phương) cho các hộ nhận khoán trước đây để họ có đất tiếp tục canh tác.

Có rất nhiều cách, có thể là nhà đầu tư, DN từ nơi khác đến mua đất, thuê đất, có thể là người giỏi ở địa phương đứng ra gom đất để sản xuất lớn, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, miễn là quá trình mua bán, sang nhượng, góp cổ phần diễn ra thuận lợi và được pháp luật công nhận. Trên cơ sở đó mới có thể tiến hành cơ giới hóa, thủy lợi hóa… vùng nguyên liệu lớn được tập trung và phát huy hiệu quả cao hơn.

Hơn nữa, cần phải tăng tính liên kết, chẳng hạn trong lĩnh vực rau củ quả, nên khuyến khích ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ rau quả giữa ba bên (người sản xuất, hợp tác xã và DN chế biến) nhằm tranh thủ sự đầu tư của DN về vốn, giống, kỹ thuật cho người sản xuất tập trung vào vùng nguyên liệu và đặc biệt là giải quyết khâu đầu ra cho nông dân.

Thế Vinh