Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ký một thỏa thuận phục hồi các vùng đất khô hạn ở châu Á

22:09 22/10/2020 GMT+7
Ngày 22/10, tại Seoul (Hàn Quốc) lãnh đạo cấp cao đến từ Tổ chức Hợp tác Lâm nghiệp châu Á (AFoCO), Tổ chức Nghiên cứu Nông-Lâm Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR-ICRAF), Liên minh Toàn cầu EverGreening (Alliance) đã ký một thỏa thuận đối tác mang tính đột phá

Ngày 22/10, tại Seoul (Hàn Quốc) lãnh đạo cấp cao đến từ Tổ chức Hợp tác Lâm nghiệp châu Á (AFoCO), Tổ chức Nghiên cứu Nông-Lâm Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR-ICRAF), Liên minh Toàn cầu EverGreening (Alliance) đã ký một thỏa thuận đối tác mang tính đột phá nhằm phục hồi các vùng đất khô hạn và dễ bị hạn hán ở châu Á.

Đại diện của Liên minh Toàn cầu EverGreening phát động chiến dịch “Green Up to Cool Down” tại Tuần lễ Khí hậu New York 2019. Ảnh: Global EverGreening Alliance.

Quan hệ Đối tác Cảnh quan châu Á sẽ đóng góp vào nỗ lực phục hồi các chức năng kinh tế và môi trường cho các vùng đất khô hạn và các khu vực dễ bị hạn hán để đạt được các mục tiêu quốc gia và toàn cầu về an ninh lương thực, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, công bằng xã hội, năng lượng sinh học, quản trị và tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là các nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái đất, gia tăng hấp thụ các-bon cũng như tăng đa dạng sinh học.

Quan hệ Đối tác này sẽ triển khai các giải pháp hiệu quả, có cơ sở thực tế để có thể nhân rộng ra quy mô lớn. Các giải pháp này bao gồm tái sinh tự nhiên do nông dân hỗ trợ và quản lý; nông lâm kết hợp; quản lý rừng, đất, bãi chăn thả, và nước bền vững; sản xuất năng lượng sinh học; các công cụ tài chính; và phát triển chuỗi giá trị cùng với xây dựng năng lực thể chế và công bằng xã hội. Những giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu khủng hoảng khí hậu, tạo khả năng chống chịu cho nông nghiệp và môi trường, và cải thiện sinh kế thông qua phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chuỗi giá trị sản phẩm.

“Vì những lý do này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác giữa cộng đồng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các bên chính trị liên quan, đồng thời tăng cường năng lực quản trị và thể chế để phục hồi rừng và đất” – Chencho Norbu, giám đốc điều hành của AFoCO, cơ quan thường trực của ban thư ký Đối tác, nhấn mạnh.

“Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất nhằm nỗ lực phục hồi đất trên thế giới. Với hơn 14 quốc gia đã đăng ký hoặc quan tâm, từ Kazakhstan, Mông Cổ đến Indonesia, nơi có hàng triệu héc ta rừng và đất nông nghiệp bị suy thoái. Việc ký kết thỏa thuận này là một thời khắc lịch sử góp phần thực hiện ‘Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái’ của Liên Hợp quốc’’ – Ông Tony Simons, đồng giám đốc chấp hành của CIFOR-ICRAF chia sẻ.

Ông Robert Nasi, đồng giám đốc điều hành của CIFOR-ICRAF, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ đạt được tham vọng thông qua một nhóm các đối tác từ chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân, qua đó một mạng lưới các ‘cảnh quan có sự tham gia’ được thiết lập. Mạng lưới ‘cảnh quan có sự tham gia’ này cho phép tập trung vào các khu vực địa lý cụ thể với cách tiếp cận chuyên sâu, có hệ thống để phối hợp nghiên cứu dài hạn.’’

Toàn cảnh Biển Aral nhìn từ rìa Cao nguyên Ustyurt, Uzbekistan. Ảnh: Sergey.

“Quan hệ Đối tác này sẽ xây dựng kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và các kết nối với các nhóm mục tiêu quan trọng. Điều này sẽ trao quyền cho họ tiếp tục quản lý và phục hồi cảnh quan bền vững sau khi kết thúc Quan hệ đối tác vào năm 2032.” Ông Christopher Armitage, giám đốc điều hành của Alliance nhấn mạnh.

Đối tác này sẽ bao gồm chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, khối tư nhân, các diễn đàn đa ngành, các mạng lưới xã hội dân sự và các hiệp hội dựa vào cộng đồng – những người sẽ thực hiện các khoản đầu tư dựa trên hiệu quả, nhằm phục hồi các vùng đất khô hạn và các vùng dễ bị hạn hán châu Á, dựa trên những thành công đã đạt được.

Quan hệ Đối tác sẽ triển khai các kỹ thuật hiệu quả đã được minh chứng từ các kinh nghiệm thành công, trong phục hồi đất khô hạn trên các cảnh quan tự nhiên và kinh tế – xã hội khác nhau ở quy mô rộng để tăng tốc độ phủ xanh cũng như cải thiện sinh kế.

Kiến thức sẽ được chia sẻ khắp châu Á, cùng với đó là mời các chuyên gia đến từ châu Phi và các vùng đất khô hạn khác, để thiết lập một khối thống nhất về kiến thức và thành công về ‘phát triển kết hợp, xanh’ trên thực tiễn, từ đó có thể mở rộng quy mô lớn hơn nữa.

Quan hệ Đối tác cũng sẽ triển khai một hệ thống giám sát và đánh giá xuyên Châu Á để hỗ trợ chính phủ các quốc gia đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhằm đưa những thành tựu này vào các cam kết quốc tế, liên kết với các sáng kiến phục hồi khác như Thách thức Bonn (Bonn Challenge), Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (Decade of Ecosystems Restoration ) và chương trình Phục hồi Cảnh quan Rừng (Forest Landscape Restoration programme) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Hà Trần