Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu từ mô hình nuôi tôm - cua kết hợp

Ái Vân - 07:40 18/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Là một trong những hộ gắn bó nhiều năm với mô hình nuôi tôm - cua kết hợp, gia đình ông Huỳnh Thanh Sự, xã Tân Thành, TP. Cà Mau (Cà Mau) luôn chú trọng khâu chọn con giống và thả xen canh theo đúng khung lịch thời vụ để tôm, cua phát triển tốt. Hiện gia đình ông Sự mỗi năm có doanh thu khoảng hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán cua và tôm thương phẩm.
Ông Huỳnh Thanh Sự thành công với mô hình nuôi tôm - cua kết hợp.

Thường xuyên cập nhật kiến thức mới về nuôi thủy sản

Cà Mau là tỉnh có chiều dài bờ biển dài, gần 80.000ha đất rừng ngập mặn thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm, cua. Những năm qua, tận dụng lợi thế của vùng đất nhiều hộ nông dân đã phát triển mô hình nuôi tôm - cua kết hợp, góp phần giảm rủi ro do dịch bệnh và nâng cao giá trị kinh tế, hướng đến sản xuất bền vững. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hoá chất, ít chi phí sản xuất nên chất lượng tôm, cua luôn được đánh giá cao, bán được giá tốt hơn so với mô hình nuôi truyền thống, mang về nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Chia sẻ về mô hình, ông Sự cho hay: Gia đình ông có 3,45ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản với 1ha nuôi tôm công nghiệp, 2,45ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp nuôi cua thịt. Ông thường xuyên cập nhật kinh nghiệm sản xuất, tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mạnh dạn đầu tư vốn trồng trọt, chăn nuôi, nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định và phát triển. 

“Hiệu quả mang lại từ các mô hình nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm QCCT kết hợp nuôi cua thịt là 1,3 tỷ đồng/năm. Tôm và cua có tính cộng sinh nên khi nuôi chung đều phát triển rất tốt, thích nghi tốt với môi trường ao nuôi, cho năng suất cao hơn so với với nuôi tôm độc canh trước đây”, ông Sự nói. 

Theo kinh nghiệm của ông, thường phải thả tôm trước từ 1,5 - 2 tháng trước khi thả cua để tránh hiện tượng ăn nhau giữa 2 loài. Theo mô hình này, cua được thả nuôi ở mật độ thưa khoảng 0,1 - 0,3 con/m2, chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, trung bình từ 2 - 3 tháng bổ sung cua giống 1 lần. Khi cua đạt kích cỡ thương phẩm thì thu tỉa, chất lượng cua thịt được nuôi xen canh đạt năng suất ổn định, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao.

Cũng theo ông Sự, trước khi thả giống, nên dùng men vi sinh để xử lý đáy và ổn định môi trường nước. “Trước đây, do nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, lúc có, lúc không bấp bênh lắm. Bây giờ được tập huấn, rồi áp dụng kiến thức đã học vào nuôi tôm thấy hiệu quả hơn nhiều. Con tôm phát triển mạnh hơn, sinh sản nhiều hơn, thu nhập cũng cao hơn. Theo cách nuôi này, nông dân không cần cho tôm ăn. Khi nuôi theo mô hình này, trong đầm nuôi nên trồng thêm các loại cỏ năng tượng, mắm, đước… Các loại thực vật này vừa giúp cải tạo môi trường nước vừa là nơi trú ẩn và tạo ra nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn. Năng suất và chất lượng tăng lên, nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì thu nhập tăng gấp đôi, ba lần so với nuôi truyền thống” - ông Sự chia sẻ. 

Trước tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, nuôi tôm theo cách truyền thống ngày một bấp bênh, việc tìm hướng đi mới, giúp nông dân sản xuất có hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế sẵn có ở địa phương là rất cần thiết. Mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước hiện nay là một lựa chọn thích hợp trước thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu được xem là hướng đi bền vững cho nông dân.

Tôm, cua nuôi theo mô hình này bán được giá khá cao, hút hàng.

Tập trung phát triển thị trường nội địa với các sản phẩm chế biến

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Sự luôn tích cực tham gia tốt hoạt động các phong trào nông dân ở địa phương, các hoạt động xã hội cùng với tổ chức Hội và hội viên nông dân như: Tham gia ngày “Chủ nhật xanh”, hiến đất, ngày công lao động, đóng góp tiền sửa chữa 3 móng cầu xuống cấp và lấp vá được 120m lộ bê tông bị hư hỏng và 1,2km lộ tuyến xóm nhánh tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được dễ dàng, tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Bản thân ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn nông dân trong vùng áp dụng mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao.

Từ những đóng góp tích cực, từ năm 2012 đến nay ông Huỳnh Thanh Sự đều đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc tiêu biểu qua các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, ông đã hướng dẫn khoa học kỹ thuật và giúp đỡ cho 35 lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định và có kinh nghiệm trong nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp nuôi cua thịt. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, thành phố Cà Mau Hồ Quốc Trạng đánh giá: “Từ nhiều năm nay, ông Huỳnh Thanh Sự được biết đến là nông dân sản xuất giỏi có tiếng ở địa phương được nhiều người yêu mến nể phục. Mặc dù, chưa từng học qua trường lớp về nuôi tôm, nhưng ông Sự vẫn tìm cho mình hướng đi bền vững trong nghề. Ông là minh chứng cho nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm mạnh dạn học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng là đầu tàu tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, hướng dẫn, giúp đỡ những kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn và các ấp cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng”.