Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lan tỏa giá trị văn hóa, truyền thống trong các sản phẩm OCOP

Trọng Binh - 11:19 22/11/2021 GMT+7
Khi triển khi Chương trình OCOP những giá trị văn hóa được thăng hoa trong mỗi sản vật, góp phần tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế nông thôn.

Việt Nam với đa dạng văn hóa truyền thống. Mỗi làng quê, mỗi vùng miền đều ẩn chứa những phong tục, tập quán tạo nên bản sắc văn hóa. Khi triển khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) những giá trị văn hóa được thăng hoa trong mỗi sản vật, góp phần tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế nông thôn.

Sứ giả của văn hóa làng quê

Sau hơn 3 năm OCOP đi vào đời sống, có thể thấy, mỗi sản phẩm OCOP là sứ giả văn hóa của một vùng quê, bởi nó mang đầy đủ hồn cốt, nét truyền thống văn hóa và tập quán sinh hoạt của người dân vùng đó. Tại những địa phương tạo dấu ấn nổi bật khi thực hiện OCOP, một trong những giải pháp then chốt là biết phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Sản phẩm thổ cẩm OCOP 4 sao của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) được phụ nữ Thái dệt bằng tay.

Tại tỉnh Hòa Bình, nắm bắt được tầm quan trọng của OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, qua đó, góp phần phát huy vai trò và sức mạnh của cả cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Đồng thời, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm, thủy đặc sản, đặc trưng của từng địa phương.

Đến nay, sau 3 năm triển khai chương trình, tỉnh Hòa Bình đã có 46 HTX, 9 doanh nghiệp, 9 cơ sở sản xuất và hộ có đăng ký kinh doanh, 2 làng nghề được công nhận là chủ thể có sản phẩm OCOP với 73 sản phẩm 3 và 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã phát huy được sức sống trường tồn của văn hóa truyền thống.

Nổi bật là sản phẩm sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác (xã Chiềng Châu, Mai Châu) được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Với cộng đồng người Thái ở Chiềng Châu, nghề dệt thổ cẩm dệt tay là sự kết tinh của giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, cùng sự nỗ lực trong hành trình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống. Màu sắc, hoa văn của những tấm thổ cẩm mang hồn cốt văn hóa Thái, nhiều nhà nghiên cứu coi thổ cẩm là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và quan hệ tộc người.

Là người con của dân tộc Thái, chị Lò Thị Dị gắn bó với khung cửi từ tấm bé. Tuổi thơ thấm đẫm tiếng kẽo kẹt thoi đưa, nên chị luôn nuôi dưỡng khát vọng chắp cánh cho những tấm thổ cẩm bay xa. Thế rồi khi địa phương triển khai Chương trình OCOP với những hỗ trợ thiết thực đã tạo động lực để chị hiện thực hóa khát vọng.

Năm 2019, chị thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác để tập hợp các mẹ, các chị trong bản bảo tồn, phát triển nghề dệt của dân tộc. Chị mở lớp tập huấn để hướng dẫn chị em cách thức dệt tay, kể những câu chuyện về văn hóa dân tộc, đồng thời cam kết đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, nhờ được hỗ trợ từ Chương trình OCOP, nghề dệt truyền thống được tiếp thêm sức sống gắn với phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Những nỗ lực đã được đền đáp khi HTX ngày càng lớn mạnh đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn khi du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu ngày càng phát triển. Từ năm 2019, thổ cẩm dệt tay của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đã góp phần nâng tầm sản phẩm, quảng bá truyền thống văn hóa của người Thái tới muôn nơi.

Chị Lò Thị Dị chia sẻ: Mỗi loại hoa văn trên từng tấm thổ cẩm đều gắn với truyền thống văn hóa Thái, được các thành viên, người lao động của HTX tỉ mỉ thể hiện. Sản phẩm thổ cẩm dệt tay của chúng tôi ngày càng được khách hàng tin tưởng. Khách du lịch, nhất là khách quốc tế rất thích các sản phẩm như khăn, túi xách… Đến nay, HTX đã tạo việc làm cho 25 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình chia sẻ rằng, với vị trí địa lý là cửa ngõ Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp vùng miền phong phú... Đây chính là điều kiện, cơ hội để mở rộng, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hòa Bình. 

“Việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm sẽ tạo tiền đề quan trọng cho phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Huy Nhuận nhấn mạnh.

Giữ lại nét "lắng hồn núi sông"

Cũng là một địa phương đi đầu trong phát huy các giá trị văn hóa, mỗi sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và cấp sao cho 1.054 sản phẩm OCOP, và điều đặc biệt là có rất nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương mang hơi thở văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đặc sản miến làng So tham gia OCOP để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. 

Từ bao đời nay, người dân làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) nỗi tiếng với nghề sản xuất miến từ củ dong riềng. Miến Làng So có hương vị đặc biệt: Dai, dẻo, giòn, thơm... Tuy nhiên, để những sản phẩm truyền thống lan tỏa đến người tiêu dùng thì người làm miến còn gặp rất nhiều khó khăn. Miến làng So, ngon nổi tiếng nhưng người sản xuất chưa biết viết “câu chuyện sản phẩm” để cuốn hút khách hàng... Đó là những hạn chế mà người làm miến đã nhận ra khi tham gia Chương trình OCOP.

Theo ông Dương Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Dương Kiên, chuyên sản phẩn miến dong cho biết: "Khi tham gia chương trình OCOP, chúng tôi tuân thủ về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khi sản xuất, đồng thời yếu tố văn hóa truyền thống, nguồn gốc sản phẩm được đơn vị kế thừa để mang tới hương vị đậm bản sắc quê hương nên được nhiều người biết đến. Nhờ vậy, không chỉ mở rộng tiêu thụ trong nước mà sản phẩm đã được xuất đi Nhật Bản. Chúng tôi luôn coi việc tham gia chương trình OCOP là bệ phóng để tiếp tục cạnh tranh trên thương trường".

Cuối năm 2019, miến dong Dương Kiên- cơ sở đầu tiên ở làng So được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây cũng chính là cơ hội để Dương Kiên phát triển sang bước mới. “Khi sản phẩm miến dong đạt giấy chứng nhận OCOP 4 sao đã có đối tác Nhật Bản đến lấy mẫu kiểm tra chất lượng và đồng ý ký hợp đồng. Trải qua nhiều khó khăn đến nay miến Dương Kiên đã xuất khẩu thành công sang Nhật Bản”, ông Khôi cho biết thêm.

Miến làng So đã được chuẩn hóa về mẫu mã bao bì để xuất khẩu quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam năm 2020.

Trao đổi về vấn đề giữ gìn nét văn hóa trong sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội, cho rằng: Sản phẩm OCOP mang tính cộng đồng, địa phương nên hầu hết các sản phẩm đều bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống của cộng đồng dân cư. Một trong các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP là trong câu chuyện sản phẩm, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng, không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Do đó, để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội hướng dẫn các địa phương hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, khi được công nhận sản phẩm OCOP, các địa phương tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Chí cho biết: Từ năm 2020, thành phố đã tổ chức các sự kiện kết nối sản phẩm OCOP với theo từng vùng. Trong năm 2021, do dịch bệnh, Văn phòng NTM Hà Nội đã tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số “Tập huấn online”; Hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội Livestream”, hay hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”… để các chủ thể trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên nền tảng mạng xã hội.

Theo TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: Yếu tố văn hóa có vai trò tạo nên hồn cốt của sản phẩm nghề truyền thống, nhất là Hà Nội có nhiều làng nghề, phố nghề, nhiều nghệ nhân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các sản phẩm cũng phải thích ứng, hội nhập phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của người dùng. Có vậy, yếu tố văn hóa, truyền thống trong các sản phẩm OCOP sẽ lan tỏa rộng rãi./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Đưa OCOP lên non, khẳng định giá trị từ bản sắc
Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lan tỏa đến các xã, bản vùng cao còn góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. OCOP lên non, mang theo những kỳ vọng tạo sức hút cho những vùng quê với những sản vật tưởng như chỉ bó hẹp trong mỗi nếp nhà sàn.