Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lão nông vùng cao không cam chịu đói nghèo

08:04 29/05/2021 GMT+7

Nếu chỉ trông chờ vào nguồn thu từ vài hécta rừng, có lẽ ông Nguyễn Văn Sử (ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) sẽ không thể tạo dựng cơ ngơi như ngày nay.

Đồi quýt của ông Nguyễn Văn Sử hiện đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.

Bằng sự nhạy bén và quyết tâm, ông đã chuyển đổi từ rừng sang trồng cam, ông còn thành lập Tổ hợp tác để liên kết với nhiều nông dân khác. Thành quả ông gặt hái hôm nay là nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Sự nhạy bén và quyết tâm cao

Chia sẻ về hành trình vươn lên thoát khỏi đói nghèo, ông Sử cho biết: Tôi sinh ra trong một gia đình thuần túy làm nông nghiệp, lớn lên tôi ở nhà sản xuất rồi xây dựng gia đình. Khi ra ở riêng được bố, mẹ chia cho 0,2ha đất sản xuất nông nghiệp và vài hécta đất rừng sản xuất để hai vợ chồng làm, nuôi sống bản thân và gia đình. Làm nông nghiệp quần quật suốt ngày, vất vả cực nhọc, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhiều lúc tôi đã suy nghĩ, làm thế này thì lấy tiền đâu nuôi 4 đứa con ăn học, nếu ốm lấy tiền đâu mà đi viện…?

Từ suy nghĩ đó, năm 1993, vợ chồng ông Sử quyết định mở cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ. Nhờ chịu khó tích cóp nên kinh tế gia đình được cải thiện có tiền nuôi con cái ăn, học. Ông còn xây dựng được nhà cửa khang trang. Số vốn tích lũy được ông đã mua ô tô tải để phục vụ việc kinh doanh, buôn bán.

Tuy vậy, việc kinh doanh buôn bán cũng vô cùng vất vả. Vừa cạnh tranh khốc liệt, càng ngày càng có nhiều người cũng buôn bán hàng tạp hóa, từ đó, doanh thu của gia đình cũng bấp bênh. Trong khi công việc lại vất vả, đêm hôm bốc xếp hàng hóa để sáng sớm mang đi các chợ xa bán.

Từ thực tế đó, năm 2000 vợ chồng ông Sử quyết định chỉ duy trì quy mô của hàng tạp hóa ở mức vừa phải còn lại tập trung phát triển nông nghiệp để tính kế lâu dài. Gia đình ông đã chuyển đổi khoảng 2ha rừng để trồng cây cam quýt. Vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… từ đó cây quýt mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhận thấy đây là một hướng phát triển đầy tiềm năng, nên gia đình ông đã mạnh dạn nhân rộng mô hình vườn cây cam quýt lên khoảng 5ha, đến nay vườn cây cam quýt cho thu nhập vài trăm triệu/năm.

“Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận đạt 400 triệu đồng. Nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh” ông Sử tự hào cho biết.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bạch Thông đã trao Giấy chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác Đồng Tiến năm 2019.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết

Không chỉ kiên trì, chịu khó, sau bao năm lăn lộn thương trường, ông Sử nhận ra cần phải xây dựng mô hình sản xuất liên kết để chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2018, sau khi đã tìm hiểu về Tổ hợp tác thấy thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh ông đã quyết định thành lập Tổ hợp tác Đồng Tiến, chuyên sản xuất, cung ứng cây giống cho bà con nhân dân địa phương.

“Trong quá trình sản xuất tôi luôn suy nghĩ phải tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu của con người, không gây ô nhiễm môi trường…”, ông Sử nói.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp và được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Phòng NN&PTNT huyện Bạch Thông, ông Sử đã mạnh dạn thực hiện thành công mô hình trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, quy mô sản xuất của Tổ hợp tác ngày càng mở rộng. Không chỉ đảm bảo cung ứng trên 5.000 cây giống cho bà con nông dân địa phương, Tổ hợp tác còn thực hiện liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm quýt, cam sành trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, từ năm 2018, Tổ hợp tác đã triển khai Dự án“Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cây cam sành tại Bắc Kạn”. Dự án đã mở được 4 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc cam sành theo hướng VietGAP cho 200 lượt hộ ở 2 xã Quang Thuận và Dương Phong tham gia.

Thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, Dự án đã phối hợp với cơ quan chuyển giao sản xuất được 10ha theo hướng VietGAP, quá trình thực hiện các hộ đã áp dụng triệt để quy trình sản xuất đúng quy định như: Ghi chép nhận ký đầy đủ, áp dụng 4 đúng và đảm bảo 4 an toàn, kết quả có 14 hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận VietGAP, dự án còn hỗ trợ trên 14.000 tem truy xuất nguồn gốc. Hiện sản phẩm đã có tem, nhãn, bao bì đảm bảo an toàn, tin cậy cho người sử dụng.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông Sử đang tạo việc làm cho trên 10 lao động theo mùa vụ và lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, ông luôn tích cực phổ biến hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con trong thôn. Ông cũng hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên để phát triển sản xuất như cung ứng cây giống, phân bón trả chậm và tạo việc làm…

Là hội viên nông dân, ông Sử luôn nhiệt tình tham gia xây dựng tổ chức Hội, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi hội, các hội nghị hội thảo, tập huấn phát triển kinh tế…; đi đầu trong xây dựng Quỹ HTND, quỹ Hội; tích cực tuyên truyền vận động nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội, xây dựng NTM. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Sử khẳng định: Sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực hỗ trợ bà con nông dân để cùng vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

“Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận đạt 400 triệu đồng. Nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Sử.

Quang Thông