Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lễ hội Càphê: Xúc tiến đưa thương hiệu Việt ra ngoài thế giới

15:18 10/03/2023 GMT+7
Năm 2022, xuất khẩu Càphê Việt Nam đạt gần 1,8 triệu tấn, có kim ngạch trên 4 tỷ USD, trong đó ‘Thủ phủ càphê’-Đắk Lắk chiếm 20% kim ngạch.
Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc Lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm chuyên ngành Càphê,” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Càphê lần thứ 8-năm 2023, ngày 10/3. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Càphê là loại nông sản có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, đem lại nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân vùng  Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Vì vậy, với sự kiện Hội chợ triển lãm chuyên ngành Càphê diễn ra từ ngày 10-14/3, lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành Công Thương hy vọng sẽ thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê của khu vực Tây Nguyên cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia và đóng góp vào việc thúc đẩy xuất khẩu, đưa thương hiệu càphê Việt Nam ra thế giới nhiều hơn nữa.

Tôn vinh thủ phủ của cây càphê

Tại Lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm chuyên ngành Càphê,” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Càphê lần thứ 8-năm 2023, ngày 10/3, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết với thiên nhiên ưu đãi cho nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, cùng điều kiện khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, nhất là càphê, cao su, hồ tiêu, ca cao.

Đắk Lắk được người dân cả nước yêu mến và biết đến như một “Thủ phủ Càphê Việt Nam,” với diện tích cây càphê hơn 210.000 ha, sản lượng đạt trên 560.000 tấn/năm. Càphê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hoa hậu H'hen nie (thứ hai từ phải sang) tham dự Hội chợ chuyên ngành Càphê, một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

“Năm 2022, xuất khẩu Càphê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã đặt được những kết quả vượt bậc, rất đáng khích lệ. Số lượng xuất khẩu càphê cả nước đạt gần 1,8 triệu tấn, có kim ngạch trên 4 tỷ USD. Trong số đó, Đắk Lắk xuất khẩu 380 nghìn tấn (chiếm 21,4%) với kim ngạch đạt 812,6 triệu USD (chiếm 20%),” ông Võ Văn Cảnh nói.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Đắk Lắk nhấn mạnh Hội chợ chuyên ngành Càphê là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê  Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là nơi hội tụ tinh hoa của núi rừng, hòa quyện đa dạng các nét văn hóa khác nhau của 49 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt nền văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với chủ đề “Càphê Buôn Ma Thuột - Vững bước hội nhập,” Hội chợ triển lãm chuyên ngành Càphê năm 2023 có quy mô 400 gian hàng với các sản phẩm càphê, sản phẩm phụ trợ trong ngành càphê được tổ chức từ ngày 10-14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Hội chợ nói riêng và các hoạt động lễ hội nói chung nhằm quảng bá thương hiệu Càphê Buôn Ma Thuột đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, quảng bá sản phẩm, liên kết hợp tác phát triển, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư.

Hội chợ cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp càphê quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến càphê, nâng cao thương hiệu Càphê Buôn Ma Thuột, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng  Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình hội nhập với kinh tế quốc tế.

Thúc đẩy càphê thương hiệu Việt

Bên cạnh đó, qua các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Phó Chủ tịch Võ Văn Cảnh kỳ vọng sự phát triển xuất khẩu càphê Việt Nam được thúc đẩy đồng thời quảng bá hình ảnh Đắk Lắk với nhiều tiềm năng thút đầu tư, nhất là đầu tư về công nghệ chế biến sâu, nhằm làm gia tăng giá trị xuất khẩu góp phần đưa càphê Việt Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới.

“Hy vọng với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của cộng đồng nông dân, doanh nghiệp và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, ngành càphê của tỉnh nói riêng cùng với ngành càphê Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai,” ông Võ Văn Cảnh nói.

Gian hàng đặc biệt của Trung Nguyên Legend thu hút đông đảo khách tham quan trải nghiệm 3 nền văn minh càphê tiêu biểu của thế giớí Ottoman - Roman - Thiền. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Tại triển lãm, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước và càphê là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản.

Theo ông Phú, với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu càphê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm càphê của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù vậy, thương mại quốc tế về càphê vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ đã có Nghị quyết số 103/NQ-CP  (ngày 9/7/2020) về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67- KL/TW (ngày 16/12/2019) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Hội chợ triển lãm chuyên ngành Càphê của tỉnh Đắk Lắk là một trong những hoạt động thiết thực trong Chương trình tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê của khu vực Tây Nguyên cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước, tham gia trưng bày các sản phẩm càphê chất lượng cao, giới thiệu công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị, sản phẩm hỗ trợ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến càphê đến người tiêu dùng trên cả nước và khách quốc tế," ông Vũ Bá Phú nói.

Bên cạnh đó, Hội chợ triển lãm chuyên ngành Càphê năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung với các tỉnh thành trong cả nước.

"Việt Nam sẽ có những sản phẩm càphê đặc sản, càphê chất lượng cao có giá trị trên thị trường; trong đó chú trọng khai thác tối đa lợi thế của chi dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm càphê của quốc gia để xuất khẩu và bán sản phẩm ra hệ thống phân phối của nước ngoài bằng thương hiệu càphê mang chính tên mình,” ông Phú nhấn mạnh./.