Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Liên kết sản xuất đưa nông sản xuất khẩu

Lương Thủy - 07:05 04/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm trở lại đây, nhiều sản phẩm nông sản hàng hóa bị rơi vào điệp khúc “được mùa, rớt giá” khiến bà con nông dân khóc dở, mếu dở. Nhưng đối với anh Trần Như Kiên ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) lại thành công với mô hình trồng nhãn chín muộn nhờ sự sáng tạo, chịu khó học hỏi của bản thân, vì vậy, sản phẩm của anh được mùa nhưng không lo rớt giá..
Anh Trần Như Kiên bên trang trại của gia đình.

Giá trị nông sản tăng từ 5-7 lần nhờ sản xuất hữu cơ 

Sinh ra và lớn lên ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 16 tuổi do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, anh Trần Như Kiên theo bạn bè đến Sơn La tìm việc. Tại đây, anh cùng bạn bè rong ruổi khắp các bản, làng trên địa bàn huyện Yên Châu nhận thuê làm mộc, dựng nhà cho người dân. 

Năm 22 tuổi, anh lập gia đình và ở luôn tại bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng. Để nâng cao thu nhập cho gia đình, vợ chồng anh Kiên chịu khó tăng gia sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, đây là vùng đất có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao.

 “Làm kinh tế trang trại cần chịu khó học hỏi, tôi cũng thất bại nhiều ấy chứ. Nhưng tôi vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, mình không biết thì tìm hiểu trên sách, báo, mạng hoặc nhờ cán bộ khuyến nông tư vấn. Tôi tìm hiểu và được biết, huyện Yên Châu có tiểu vùng khí hậu khác nhau nên phù hợp với việc trồng nhãn chín muộn có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân xã, tôi được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật cấy ghép, chăm sóc cây trồng, đồng thời cũng được đi tham quan học tập ở nhiều nơi. Năm 2017, tôi bắt đầu trồng nhãn chín muộn Miền Thiết và xoài tượng da xanh theo VietGAP và hữu cơ” - anh Kiên chia sẻ. 

Theo anh Kiên, muốn sản xuất cây nhãn chín muộn đạt hiệu quả kinh tế thì cần biết nắm bắt thời tiết nông vụ của từng năm để áp dụng khoa học công nghệ xử lý cho cây nhãn ra hoa đúng thời điểm mình cần. Thời gian thu hoạch nhãn chín muộn vào khoảng thời gian từ 15/8 - 20/9 hàng năm. Sau khi thu xong quả, cần bón phân đạm, lân, kali để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển và hồi sức. Khi cây chuẩn bị ra trái, tiến hành bón phân vào những thời điểm sau: Tháng 11, 12; tháng 2 và tháng 4, 5 dương lịch. Lúc bón phân cần cuốc đất quanh gốc cây rồi cho phân xuống, lấp đất lên để tránh ánh nắng mặt trời.

Chia sẻ về cách canh tác hữu cơ, anh Kiên cho rằng, hữu cơ hiểu đơn giản đó là dùng hạt ngô, hạt đỗ tương, lõi ngô nghiền và sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh để bón cho cây trồng. Riêng đối với phân chuồng phải ủ ít nhất là 60 ngày mới sử dụng bón cho cây trồng.

“Nếu không biết tận dụng những thứ có sẵn thì chi phí sản xuất cao, người trồng chẳng được là bao. Ví dụ, ra ngoài mua 1kg phân hết 10.000 dồng, nhưng mình sản xuất ra chỉ hết 3.000 đồng. Trong khi đó nguồn nguyên liệu ở địa phương như lõi ngô, mùn ngô bà con đổ đầy ra đường không biết sử dụng, rất lãng phí. Phân gia súc đầy, công việc của mình chỉ cần mua một ít men vi sinh về ủ là có phân hữu cơ sử dụng” - anh Kiên cho biết.

Với những hiểu biết và kinh nghiệm đã có, anh Kiên còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ với các thành viên trong HTX, giúp đỡ hộ khó khăn là hội viên, nông dân trong bản, xã về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Theo anh Trần Như Kiên, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học nên chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã sản phẩm đẹp mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cũng ổn định và bao giờ cũng cao hơn giá nhãn chính vụ từ 5-7 lần.
 “Mấy anh em trồng nhãn, trồng xoài chúng tôi luôn bảo ban nhau phải áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ để người dân Sơn La nói riêng và người dân Việt Nam nói chung được sử dụng trái cây đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tương đương với hàng xuất khẩu”, anh Sơn chia sẻ.

Sản phẩm nhãn chín muộn hữu cơ của anh Trần Như Kiên (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La).

Liên kết sản xuất để đưa nông sản ra nước ngoài

Xã Lóng Phiêng hiện có hơn 700ha nhãn, trong đó gần 200ha nhãn chín muộn, sản lượng 4.100 tấn/năm, vì vậy xã khuyến khích bà con nông dân phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nhãn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX để liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, năm 2016, HTX Phương Nam được thành lập có 10 thành viên chính thức và 30 thành viên liên kết, hợp tác. HTX có 80ha nhãn (trong đó 60ha VietGAP và hữu cơ) và 20ha xoài, có 59ha đã được cấp mã số vùng trồng. Với trách nhiệm là Giám đốc HTX nên anh Trần Như Kiên luôn gánh trên vai vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đầu mối liên kết tiêu thụ. 

Lợi nhuận thì phụ thuộc vào từng năm, thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An…. Đối với xuất khẩu, thị trường chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước trên thế giới. Năm 2018, sản phẩm nhãn của HTX Phương Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Từ khi bùng dịch Covid-19 và kéo dài khiến giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao, giá nông sản lại thấp nên ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Nhận định trước những khó khăn do dịch bệnh, các thành viên trong HTX buộc phải thích ứng để sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật rải vụ để tránh áp lực trong tiêu thụ, đảm bảo thu nhập. Ngay từ đầu vụ, HTX đã liên kết tìm thương lái ở các chợ đầu mối trong nước để tiêu thụ sản phẩm. Như năm 2021, anh Trần Như Kiên cho biết, ngay sau khi thu hoạch và tiêu thụ hơn 1.000 tấn nhãn chính vụ, HTX tiếp tục thu hoạch nhãn chín muộn với sản lượng khoảng 50 tấn. Bên cạnh đó, HTX còn thu mua từ 30-35 tấn mỗi ngày của các hộ dân trong vùng.

Vấn đề xuất khẩu, anh Trần Như Kiên vẫn còn nhiều băn khoăn: Thời gian qua, các thành viên của HTX Phương Nam cũng như nhiều hộ nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trái cây tươi của tỉnh khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á cần phải tiến hành chiếu xạ để đảm bảo độ tươi ngon cho sản phẩm. Mỗi khi chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam để xử lý nên tăng thời gian vận chuyển, chi phí cao dẫn tới thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân. Chính vì vậy, mang tiếng hàng xuất khẩu nhưng người trồng thu nhập không cao. 

Trong thời gian tới, anh Kiên rất mong chính quyền sẽ có các giải pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân xuất khẩu nông sản, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động do chính quyền, đoàn thể vận động như: Xây dựng các chương trình dự án, ủng hộ dịch Covid-19, quỹ bão lũ… Đặc biệt, anh còn tạo điều kiện cho gần 40 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất không lấy lãi bằng cây giống, vật tư, phân bón… Ghi nhận những thành quả đó, anh Kiên đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trong. Anh đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2015 – 2020; Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam – ASEAN 2020; Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021…