Cựu Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin khẳng định: “Ở đời có ba người bạn trung thành: một người vợ tào khang, một con chó nuôi từ bé và một số tiền dự trữ”. Ngôi sao điện ảnh Will Rogers thậm chí còn quyết liệt hơn: “Nếu không có chó ở Thiên đường, thì khi chết đi, tôi muốn đến nơi chúng đến”.

Ở phương Đông, và Việt Nam cũng không ngoại lệ, có lẽ vì quá thân thuộc với đời sống hàng ngày, nên hiếm có loài vật nào được con người dành cho nhiều cung bậc tình cảm như chó. Bực lên thì cũng mắng mỏ, gán cho đủ tội (là vì tiện thấy cứ quanh quẩn gần đấy). Nào là “chó dại cắn càn”, nào là “tham như chó”, thế nhưng lúc bình tâm thì lại đầy tin tưởng “lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu”. Người ta cũng không quên ghi nhận tình cảm thủy chung của loài chó với con người: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.

Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam, nhiều dân tộc như Cơ Tu, Bru, Tà Ôi, Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô… coi chó là linh vật, thậm chí tổ tông của dân tộc mình. Người Dao có tục thờ chó, trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó. Trong ngày cưới, người Dao đỏ đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó, trang trí trang phục bằng hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại nhau.

Ở phố Bắc Sơn (tên cũ là Phai Món, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn), một phố cổ, người Nùng Cháo ở đây có tục chọn ngày tốt để đặt chó đá trước cửa nhằm trừ tà và giúp trông nom nhà cửa. Ngày Tết, chó đá được tắm bằng lá bưởi đun nóng, được gia chủ quàng trên cổ những vòng vải đỏ hoặc giấy hồng điều; được cúng kẹo, cúng cơm. Khi chúc Tết, mọi người có thể có bao đỏ “mừng tuổi” cho chó đá để biết ơn nó đã giúp gia chủ và láng giềng một năm bình yên. Xứ Lạng còn nhiều vùng khác như Chi Lăng, Đồng Mỏ, Khòn Lèng, Thất Khê, Tràng Định, Đồng Đăng, Cao Lộc… cũng có tục thờ chó đá.

Đối với dân tộc Việt, chó cũng rất được yêu quý và biết ơn, dù không được thờ phụng kính ngưỡng trang nghiêm trên bàn thờ chính. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà. Nhiều cụ cao niên ở vùng đồng bằng Bắc bộ giữ nếp cổ, vẫn kính cẩn gọi chó đá là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch…

Nhưng mà cũng có ngoại lệ. Ngay giữa thủ đô, đền Cẩu Nhi ở đảo hồ Trúc Bạch được xây dựng để thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi, hai “nhân vật” gắn liền với việc Vua Lý Công Uẩn lên ngôi, định đô ở Thăng Long. Sách Tây Hồ chí ghi lại rằng, ở châu Cổ Pháp – quê hương Lý Thái Tổ – có một chó mẹ sinh được chó con trên lông có những đốm ghép lại thành chữ “Thiên tử”, ứng với việc vua Lý Công Uẩn lên ngôi (vua Lý tuổi Tuất). Mẹ con Cẩu Mẫu – Cẩu Nhi đã theo Vua vượt sông Hồng về Thăng Long, hóa thần, được Vua cho dựng miếu thờ (sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch).

Nghe nói, ở huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) cũng có hai nơi thờ phụng chó. Một đặt ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ. Một nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình. Ở thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc cũ, nay là Hà Nội) cũng thờ chó đá. Người dân ở đây từ già đến trẻ đều cung kính gọi chó đá là cụ Thạch.

Gắn bó với đời sống thường nhật của con người hơn bất cứ loài thú nuôi nào khác, hình tượng chó đã được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ và một số đồ đồng khác với hình dáng và tư thế rất sinh động và đặc sắc. Con mình tròn, thân ngắn, lông xù, điển hình của chó giữ nhà; con thì mình thon, mõm dài, cổ cao, nanh nhọn, ra dáng một chiến binh cừ khôi; con thì chân cao, mõm ngắn, đuôi cong, bầu bạn cùng con người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (trên trống đồng Ngọc Lũ)…

Thế đấy, cho dù có lúc giận dữ, thậm chí xem thường, thì nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam hẳn sẽ vẫn yêu mến, biết ơn và đồng hành lâu dài với một trong những người bạn trung thành nhất của mình, một trong những giống loài tinh khôn và tình nghĩa nhất hành tinh: loài chó.