Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Măng Ri đổi đời từ sâm

09:06 25/02/2018 GMT+7

Nhờ chuyển đổi sang trồng các loại cây cho thu nhập cao như cà phê xứ lạnh, sâm dây, sâm Ngọc Linh, đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) từng bước đổi thay mạnh mẽ. Cũng nhờ thế, người dân đón tết sung túc và no đủ hơn…

Tết sung túc

Những ngày Tết Mậu Tuất 2018, thời tiết xã Măng Ri – nơi từng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum – dù lạnh giá nhưng nhiều người vẫn hồ hởi đi chơi tết.

Già trẻ trong những bộ đồ mới, gương mặt vui tươi đến nhà người thân chúc tết. Nhiều người ngồi bên ché rượu cần ngân vang khúc hát và bàn chuyện ra tết chuyển sang trồng sâm dây để tăng thu nhập. Trong mỗi câu chuyện luôn chứa đựng kỳ vọng vào một cuộc sống no đủ phía trước.

Chỉ tay vào góc nhà, nơi đựng 3 ché rượu cần, già A Bây (làng Ngọc La, xã Măng Ri) nói, tết năm nay là cái tết ấm no nhất của gia đình. “Năm ngoái, già chỉ mua 2 ghè rượu và 2 con gà. Năm nay làm luôn 3 ghè rượu, 3 con gà, thịt lợn mấy ký và đặc biệt là cặp bánh chưng mà nhà nước đã hỗ trợ tiền cho thôn làm rồi phát cho các hộ. Những năm gần đây, nhà mình luôn ăn tết lớn vì đời sống cao hơn”, già A Bây phấn khởi.

Sâm dây, một trong các loại cây dược liệu được kỳ vọng sẽ giúp người dân Măng Ri đổi đời

Theo già A Bây, đời sống nâng cao, ngoài được Đảng, Nhà nước quan tâm, thì một phần do người dân biết chuyển đổi cây trồng.

“Hồi trước mình chỉ trồng mì, bời lời và lúa. Những cây này giá không cao. 2-3 năm nay chuyển sang trồng 1 sào sâm dây, 1 sào cà phê, 2 sào bời lời nên thu nhập cao hơn nhiều lần. Sắp tới già có ý định sẽ nhân rộng vườn sâm dây vì cây này dễ sống, dễ chăm sóc, thu nhập gấp hàng chục lần so với cây mì. Nếu thành công, đời sống còn phất hơn nữa”, già A Bây tính toán.

Ngược về làng Pu Tá, xã Măng Ri, chúng tôi thấy những căn nhà vững chãi được mọc lên bên những vườn cà phê xứ lạnh. Ở ngôi làng này, hộ gia đình chị Y HLang là niềm tự hào của dân bản khi vừa làm kinh tế giỏi, vừa nuôi con thành đạt. Gia đình chị hiện trồng 5 sào cà phê, 5 sào bời lời, 6 sào sâm dây, 1ha lúa.

Ngoài ra, chị còn kiêm thêm nghề dệt thổ cẩm. Tổng thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng. Thu nhập này giúp chị nuôi 2 con học đại học. “Mới đầu lập nghiệp, gia đình cũng bắt đầu với cây lúa, cây mì. Những cây này giá không cao, lại bấp bênh.

Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này thích hợp trồng các cây dược liệu nên mình chuyển sang trồng, thu nhập tăng cao từ đó. Tới đây, mình giữ vững vườn cây, tiếp tục đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng”, chị Y HLang nói.

Kỳ vọng vào cà phê, cây dược liệu 

Ông Nguyễn Bá Thành cho biết, Măng Ri là xã vùng sâu vùng xa, hầu hết là người đồng bào, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, đời sống bà con có sự thay đổi lớn.

Số hộ nghèo năm 2015 là hơn 75%, nay giảm còn 67%.  Đời sống bà con thay đổi nhờ có sự chuyển đổi cây trồng. Nếu như trước năm 2013, bà con chỉ trồng các cây truyền thống như mì, lúa thì nay đã chuyển sang trồng các cây có giá trị cao như sâm dây với diện tích 25ha, sâm đương quy diện tích 4ha, cà phê xứ lạnh 200ha…Sâm

Có khoảng 250 hộ dân làm thuê và tham gia liên kết trồng sâm cho Công ty CP sâm Ngọc Linh trên địa bàn với mức đãi ngộ cao như được trả 3-4 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh lương, bà con còn được hỗ trợ gạo và cuối năm được hỗ trợ 100 gốc sâm giống Ngọc Linh (tương đương khoảng 20 triệu đồng) để tự trồng.

“Trên địa bàn xã, có khoảng 200 hộ dân tự trồng sâm Ngọc Linh, người ít vài chục gốc, người nhiều hàng trăm gốc. Họ trồng theo tổ nhóm để cùng chăm sóc, bảo vệ. Ước tính mỗi ký sâm Ngọc Linh giá thấp nhất cũng 70 triệu đồng. Ngoài ra, khi diện tích cây cà phê xứ lạnh cho thu nhập ổn định, đời sống bà con sẽ còn nâng cao hơn nữa”, ông Nguyễn Bá Thành vui mừng cho biết.

Một trong những hộ dân trồng sâm Ngọc Linh và đã thu được “quả ngọt” là hộ ông A Sinh – Trưởng thôn Pú Tá, xã Măng Ri. Cách đây một tháng, gia đình ông bán 1kg sâm Ngọc Linh (khoảng 90 cây sâm Ngọc Linh 5 tuổi) với giá 65 triệu đồng.

Hiện ông Sinh còn khoảng 200 cây và 400 hạt sâm đang ươm chuẩn bị nảy mầm. “Mình trồng sâm Ngọc Linh được 5 năm. Để có sâm giống trồng, gia đình bán 2 con trâu giá 34 triệu đồng rồi xuống Quảng Nam mua 300 gốc sâm, ngoài ra hàng tháng còn lội rừng kiếm cây con về ươm. Không chỉ mình, thôn có 54 hộ thì hộ nào cũng có trồng sâm Ngọc Linh. Hộ nhiều nhất hơn 950 cây. Diện tích rừng trên địa bàn có thể trồng sâm dưới tán rừng còn rất nhiều. Tuy nhiên do chưa có vốn nên bà con vẫn chỉ tập trung khoanh nuôi, chăm sóc sâm trên diện tích hiện có, khi nào có điều kiện sẽ mua giống để mở rộng”, ông Sinh nói.

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết theo định hướng của huyện, thời gian tới sẽ tập trung phát triển Măng Ri theo 2 hướng du lịch và cây cà phê xứ lạnh, cây dược liệu. Riêng từ năm 2018 đến năm 2020, huyện tập trung phát triển sâm Ngọc Linh tại khu căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri và đầu tư để nhân giống dòng sâm này tại khu căn cứ, hỗ trợ bà con trồng để duy trì nguồn gen, cũng như xóa đói giảm nghèo.

Theo SGGP