Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mong có vốn tạo sinh kế lập nghiệp ở quê hương

Ánh Bùi - 07:12 27/01/2022 GMT+7
Bôn ba kiếm sống nơi xứ người đến lúc dịch bệnh bùng phát, khốn đốn nơi đất khách, anh Lầu Bá Mạ (SN 1986) ở thôn Liên Sơn, xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) chỉ muốn có thêm nguồn vốn vay để phát triển trang trại ở quê nhà.
Anh Lầu Bá Mạ cùng gia đình và tài sản duy nhất là chiếc xe cũ kĩ trong hành trình hồi hương tránh dịch tháng 10/2021.

Ai rồi cũng có mong muốn được quây quần với gia đình, sống an vui với xóm làng nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà phải “tha phương cầu thực”. Nhưng không phải cứ đi xa lập nghiệp là có thể có được cuộc sống ấm no, thành công. Theo lời kể của anh Mạ thì có rất nhiều người cùng quê Kỳ Sơn (Nghệ An) vào Nam lập nghiệp nhưng cuộc sống thiếu thốn đủ bề, lương công nhân mỗi tháng 5 -7 triệu chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ để trả tiền thuê phòng, điện nước… thêm nuôi con nhỏ nữa thì chật vật lắm.

Thời gian dịch bệnh triền miên ở các tỉnh miền Nam và TP. Hồ Chí Minh vừa qua, hàng nghìn người dân lũ lượt hồi hương tránh dịch trong số đó có cả gia đình anh Lầu Bá Mạ. Mấy năm trời “chinh chiến” làm công nhân cho một công ty gỗ ở Bình Dương, Mạ ao ước có thêm chút vốn để vợ con đỡ khổ nhưng đến lúc dịch Covid - 19 diễn ra trên diện rộng, anh cùng gia đình phải hồi hương tránh dịch. Tài sản duy nhất chỉ có mỗi cái xe máy đã cũ kĩ, không còn an toàn khi sử dụng cùng mấy bộ đồ mang theo đề phòng mưa ướt mà thay.

“Gần 3 tháng ăn ngồi trong phòng rồi, ai cho chi thì ăn nấy. Tháng nào làm thì cũng chỉ đủ trang trải cho tháng đó, khi dịch bệnh tràn lan ở Bình Dương công ty không thể hoạt động nên không có tiền mà mua đồ ăn, thức uống cho cả nhà. Chiếc xe máy này đã chở cả 4 người trong gia đình Mạ (gồm vợ và 2 con nhỏ đứa 8 tuổi, đứa 1,5 tuổi) đi từ trong đó về đến đây (đầu chân cầu Bến Thủy 2, Thành phố Vinh - PV) đã mất 4 ngày 4 đêm rồi, khoảng thời gian đó Mạ không được ngủ, mệt quá thì nghỉ vài tiếng rồi lại tiếp tục chuyến hành trình về nhà. Lúc về trong tay chỉ vỏn vẹn 300 nghìn đồng nên phải nhờ vào sự hỗ trợ của mọi người”, anh Mạ nói.

Từ ngày rời chỗ làm về quê đến nay cũng đã được 2 tháng nhưng anh Mạ vẫn chưa thực hiện được ý định của mình. Cùng ngồi nói chuyện, anh Mạ bộc bạch: “Mạ giờ chỉ muốn được phía ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để lập nghiệp ở nhà thôi, nhà Mạ có diện tích rộng của ông bà để lại nên chỉ cần mua ít con bò về thả rồi trồng rau, làm cái chuồng nuôi gà là có thể sinh sống ở nhà mà không cần phải đi xa nữa”. 

Mạ cũng là người hay lam, hay làm, ở cái tuổi 36 mà Mạ trông như một người gần 50 tuổi vì vất vả từ nhỏ. Mình khổ rồi giờ không muốn con cái phải khổ giống mình nên Mạ rất muốn ổn định cuộc sống ở quê để con cái được học hành cho nên người. Giờ đây, Mạ mong muốn được đổi thay cuộc sống ở quê nhà qua con đường phát triển kinh tế trang trại chứ không muốn rời quê thêm một lần nào nữa.

Với Mạ chỉ cần có ít vốn ban đầu là có thể sinh kế được trên mảnh đất của gia đình và từ nguồn vốn đó anh sẽ phát triển, tăng gia thêm nữa nhờ vào sự chăm chỉ, miệt mài và số vốn gối vụ của lứa trước. Đó cũng là một trong những ý tưởng và mong muốn chính đáng của người lao động gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh kéo dài như hiện nay. 


 

TỪ KHÓA #nông dân #vay vốn