Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mục tiêu xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD liệu có khả thi?

22:44 23/02/2018 GMT+7

Năm 2018, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD, trong đó nông sản 22 tỷ USD, lâm sản và thủy sản mỗi ngành đạt 9 tỷ USD, song “con đường” đến với mục tiêu trên được nhận định không hề dễ dàng khi phải đối mặt với những khó khăn chất chồng.

Xuất khẩu nông , lâm, thủy sản đã, đang phải đối mặt nhiều khó khăn về thị trường. Ảnh: Internet

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), muốn đạt con số xuất khẩu 40 tỷ USD năm nay không dễ dàng. Đó là bởi các thị trường nhập khẩu, bao gồm cả các nước lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc có xu hướng gia tăng bảo hộ đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước. Vì thế, việc đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản gặp nhiều khó khăn cũng như mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nêu rõ: Các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao. Nhiều chính sách mới và cảnh báo của các nước đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam như Đạo luật chống bán phá giá cá da trơn của Mỹ, IUU fishing của EU. Những điều này làm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tại các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, khó khăn gặp phải lại là vấn đề những khác biệt về phương thức thương mại.

Bộ NN&PTTN nhận định,sản xuất của ngành nông nghiệp hiện cung đã vượt cầu. Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng là việc mở rộng tối đa thị trường xuất khẩu toàn cầu. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây đã đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm cải tiến, bổ sung cách xúc tiến thương mại cả ở phạm vi trong lẫn ngoài nước nhằm giúp công tác mở rộng thị trường đạt hiệu quả cao nhất.

Xung quanh câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, một số chuyên gia phân tích rõ hơn: Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới như hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTTN cùng Tham tán thương mại tại các nước cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời thông tin những chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường của các nước, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Ngoài ra, các bên cũng cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trao đổi hàng hóa, phương thức thanh toán thương mại tại các khu vực Trung Đông, châu Phi nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại nông sản tại khu vực này; tích cực tìm kiếm, giới thiệu các hiệp hội ngành hàng nông sản, các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín tại các nước để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tranh thủ vận động nguồn vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn…

Thanh Nguyễn