Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang: “Bà đỡ” giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu

07:14 11/04/2022 GMT+7
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, Chính quyền cùng sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang, những năm qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang đã có nhiều thành tựu, đặc biệt trở thành “Bà đỡ” về vốn cho người dân trên địa bàn thoát nghèo và làm giàu.

Thoát nghèo thành tỷ phủ

Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng… thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Giang đã góp phần giúp hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang có vốn để sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên quê hương mình.

Với nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH tỉnh Hà Giang nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống khá giả

Cũng giống như bao gia đình nông dân khác ở xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quảng, tỉnh Hà Giang) trước đây cuộc sống của gia đình anh Sùng Dìu Sì có nhiều khó khăn. Trước năm 2000 gia đình anh Sì thuộc diện hộ nghèo của xã Vĩnh Phúc nhưng giờ đây với nguồn thu nhập ổn định từ trang trại tổng hợp mỗi năm trên 1 tỷ đồng, anh Sì đã tạo công ăn việc làm cho 25 lao động ở địa phương, đặc biệt năm 2020 anh Sì là đại diện của Hà Giang được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân Việt Nam suất sắc trong lĩnh vực trồng trọt.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh Sì chia sẻ: Trước đây không có vốn, gia đình chỉ độc canh cây lúa, vì vậy mà lương thực không đủ ăn. Nhưng từ năm 2000 anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bắc Quang để phát triển kinh tế. Có vốn trong tay gia đình đã mạnh dạn mua giống cam về để phát triển trên vùng đất đồi rừng. Đất không phụ người, giờ đây trang trại với diện tích 6,6 ha gồm cam, cây nhãn, cây chuối, gà, vịt… và ao cá mỗi năm đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Cũng có được nguồn vốn vay hỗ trợ kịp thời từ NHCSXH huyện Bắc Mê mà cuộc sống của gia đình anh Hầu Mí Xay ở thôn Bản Bó (xã Yên Định, huyện Bắc Mê) đã đổi thay. Giờ đây thu nhập từ đàn trâu sinh sản và rừng trồng mà anh Xay đã thoát khỏi hộ nghèo của xã Yên Định.

Anh Xay cho biết thêm: Bắc Mê là huyện có lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc vì vậy khi được vay 95 triệu đồng của NHCSXH huyện, gia đình đã đầu tư vào mua trâu nái để chăn nuôi. Phát triển đàn trâu thuận lợi, có vốn gia đình lại tiếp tục đầu tư trồng rừng sản xuất, giờ đây mỗi năm gia đình cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng.

“Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn ban đầu; vì nếu vay vốn ở các Ngân hàng thương mại thì hiệu quả sản xuất không đủ trả tiền lãi. May nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà gia đình tôi mới có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình” - anh Xay tâm sự.

Hộ anh Hầu Mí Xay, thôn Bản Bó, xã Yên Định (Bắc Mê) thoát nghèo khi được vay 95 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để nuôi trâu bò và trồng rừng

Anh Sì, anh Xay là hai trong số hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua đã được vay vốn từ NHCSXH tỉnh. Có được nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã chủ động lên phương sản xuất kinh doanh và đã có hiệu quả ngay trên quê hương mình.

Sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn

Ông Lê Tuấn Quang – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Giang cho hay: Với 20 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH tỉnh Hà Giang luôn kịp thời đồng hành hỗ trợ vốn cho người dân phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2021, NHCSXH tỉnh Hà Giang cho vay đạt 1.134.719 triệu đồng với 25.994 lượt hộ vay vốn, tập trung chủ yếu ở một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo; Hộ cận nghèo; Hộ mới thoát nghèo; Hộ sản xuất kinh doanh; Giải quyết việc làm; thực hiện Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường...

Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH dự buổi họp xét duyệt hộ vay vốn tại xóm Lùng Tắm, thôn Bản Bó, xã Yên Định.

Vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Hà Giang đã góp phần giúp cho 5.972 hộ nghèo; 3.623 hộ cận nghèo, 3.029 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất. Thu hút và tạo việc làm cho 2.478 lao động có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề; xây dựng 6.299 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh. 6.473 hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh, chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; 50 hộ được vay vốn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động, cùng với tỉnh Hà Giang sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số NHCSXH tỉnh Hà Giang cũng đã có những chương trình cụ thể như: Gửi tin nhắn đối chiếu nợ đến từng khách hàng theo định kỳ, hệ thống phần mềm của NHCSXH tự động gửi tin nhắn đến số điện thoại di động của khách hàng để thông báo dư nợ; Triển khai các cuộc họp trực tuyến giữa Chi nhánh NHCSXH tỉnh với NHCSXH Trung ương; với Phòng giao dịch NHCSXH các huyện; Triển khai thực hiện hệ thống camera trực tuyến, kết nối các điểm giao dịch xã với Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.