Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người có uy tín với đồng bào Chu Ru

07:16 28/08/2021 GMT+7

Không chỉ là một nông dân cần cù, chăm làm ăn, sản xuất giỏi, ông Ma Reng, sinh năm 1962, người Chu Ru, ở thôn Ka Đô Cũ tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng còn là một cán bộ Mặt trận thôn đi đầu trong vận động mọi người cùng nỗ lực vươn lên, xây dựng xóm làng ngày càng tươi đẹp.

Vợ chồng ông Ma Reng trước nhà mình. Ảnh G.V

Gương mẫu đi đầu

Ka Đô Cũ như buôn nhỏ của người Chu Ru với hơn 200 hộ dân đang chung sống. Người dân Ka Đô vẫn nói về Ka Đô Cũ như thôn “mẹ” của xã. Là người sinh ra, lớn lên và làm việc cả đời mình ở mảnh đất này, ông Ma Reng nhớ lại: Thôn hiện có 202 hộ dân, hầu hết là người Chu Ru, chỉ có một số ít hộ người Kinh và người Raglay. Trước đây, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của bà con còn thấp. Bà con chỉ biết trồng bắp, trồng lúa một vụ chẳng đủ ăn, đói kém triền miên. Mùa đói giáp hạt cả gia đình vào rừng kiếm rau, củ về ăn qua ngày. Mỗi lần muốn có muối để ăn người ta lại mang gùi, đi bộ mang dăm ba sản vật từ rừng xuống tận Phan Rang đổi muối về ăn…

Ông Ma Reng làm công tác Mặt trận thôn Ka Đô Cũ từ năm 2013 đến nay. Bằng nhiệt tình và uy tín của mình, ông tham gia vận động người dân trong thôn bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện cuộc sống mới, giữ làng xóm sạch đẹp, thu gom xử lý rác thải, trồng hoa, trồng cây xanh trong làng.

Là cán bộ Mặt trận thôn, ông Ma Reng đi đầu trong vận động mọi người cùng nỗ lực vươn lên, xây dựng xóm làng ngày càng tươi đẹp. Ông chính là một trong những người trong thôn đi đầu trong việc chuyển từ nuôi bò cỏ nhỏ con sang nuôi bò siêu thịt. “Bò cỏ hay bò siêu thịt thì thức ăn, công cán chăm sóc cũng bằng nhau, trong khi bò siêu thịt có giá hơn vậy sao mình không chuyển sang nuôi bò giống mới”- ông Ma Reng nói.

Hiện trong chuồng có 6 con bò siêu thịt và ông đang trồng khoảng 3 sào cỏ, nhà ngày ngày cắt cho bò ăn. Đặc biệt, ông cũng là một trong những người đầu tiên trong thôn Ka Đô Cũ này đầu tư trên 100 triệu đồng để làm 4 sào nhà lưới từ nhiều năm trước, đến nay vẫn đang dùng để trồng rau. Trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động, mùa trước ông trồng cả 4 sào cà chua, ông vừa thu hoạch xong và đang chuẩn bị làm đất để trồng cải thảo. “Tôi trồng cải thảo để cải tạo đất thôi, xong lứa cải thảo này tôi trồng cà chua lại”- ông cho biết.

Trung bình mỗi năm từ vườn này cho gia đình Ma Reng thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí mọi thứ. “Tôi làm nhà được cũng nhờ từ mảnh vườn này” – ông cho biết.

Tích cực trong các công việc chung

Theo ông Ma Reng: Bà con ở đây đa phần đều có đất đai. Có đất là có tư liệu sản xuất quan trọng nhất rồi. Vì vậy, bà con phải chịu khó, cần cù tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mới tăng thu nhập được.
Với sự kiên trì vận động từ bao năm nay của cán bộ thôn nói chung và bản thân ông Ma Reng nói riêng, đến nay trên toàn bộ 154ha đất sản xuất của bà con đã có đến hơn 50% là sản xuất rau thương phẩm. Thu nhập bình quân của bà con hiện nay khoảng 50 triệu đồng/năm. Đó là con số mà nhiều năm trước đây người dân chẳng dám mơ ước.

Chia sẻ bí quyết tuyên truyền của mình ông Ma Reng cười bảo: Với bà con mình phải tuyên truyền, vận động bằng thực tế không thể nói suông lý thuyết được. Mình cũng có nhiều cách thuyết phục, vận động khác nhau. Mình chọn cách lấy gia đình làm ăn khấm khá so sánh với gia đình còn khó khăn về số người, nhân lực lao động, diện tích đất… Nhờ gia đình khá giả hướng dẫn cách làm ăn cho gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm trong tăng gia, sản xuất. Từ đó, bà con càng trở nên đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Ông Ma Reng kết luận “Khi bà con tự hướng dẫn, động viên nhau trong sản xuất, làm ăn sẽ hiệu quả hơn bất cứ lời tuyên truyền động viên nào”.

Dù bận rộn nhưng ông Ma Reng cũng là người tích cực trong các công việc chung của cộng đồng. Thứ bảy hàng tuần, ông Ma Reng cùng với Bí thư chi bộ và trưởng thôn Ka Đô Cũ đi từng nhà. Hộ nào còn xả rác bừa bãi, cãi vã thì nhắc nhở, nhà nào có tin vui thì chúc mừng, ai ốm đau, bệnh tật thì thăm hỏi, động viên… Đó là cách mà ông Ma Reng và các lãnh đạo thôn Ka Đô Cũ thường xuyên làm để nắm chắc tình hình và tâm lý người dân trên địa bàn.

Ông cũng vận động mọi người đóng góp công sức để làm đường, bắc điện thắp sáng đường thôn, tham gia ra quân dọn kênh mương, giữ gìn vệ sinh đường làng.

Ka Đô Cũ cũng là thôn đi đầu trong 5 thôn vùng đồng bào DTTS của xã trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vấn đề làm đường giao thông. Hiện nay, toàn bộ bốn con đường trong thôn bà con đã chung tay thực hiện 100%.

Ông Ka Reng phấn khởi nói: Đến nay thôn Ka Đô Cũ đã đổi thay rất nhiều, đường sá được sửa sang, đi lại thuận tiện hơn; khoảng 60% người dân trong thôn những năm gần đây đã làm nhà lưới sản xuất; đã có khoảng 90% hộ dân chuyển từ trồng lúa, bắp sang trồng rau thương phẩm có giá trị cao hơn, nhiều nhà ăn nên làm ra, sửa sang xây được nhà.

Sản xuất giỏi, tích cực hoạt động vì cộng đồng, ông Ma Reng trong nhiều năm nay đã nhận được không ít giấy khen, bằng khen của huyện và tỉnh. “Việc nhà thì có lúc cũng bận lắm nhưng có lúc rảnh cũng nên tham gia các công việc chung để xây dựng thôn ngày càng tốt hơn”- ông cho hay. Trong năm 2019, ông đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về những thành tích tiêu biểu trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019.

Người có uy tín là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, thông qua lực lượng người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người có uy tín tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời giúp cho người có uy tín xây dựng các mô hình điểm chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ngoài ra, người có uy tín còn tuyên truyền, vận động cho bà con không nghe, không tin kẻ xấu xúi giục chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền vận động bà con không phá rừng làm nương rẫy… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Lâm Đồng là tỉnh có đông đồng báo các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên việc phát huy vai trò của chức sắc, già làng, người uy tín luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt coi trọng và quan tâm”.
Ông Nguyễn Đức Tài – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng

Vinh Phú