Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao

Ái Vân - 11:34 11/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 10/3 tại TP. HCM, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023.

Tại hội nghị, Cục Thú y cho biết trong năm 2022, cả nước xảy ra 1.256 ổ dịch tại 54 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 60.442 con heo. Từ đầu năm đến ngày 7/3, cả nước xảy ra 68 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%.

Tuy dịch có giảm hơn năm 2022, nhưng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nguy cơ dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do đặc điểm của vi rút này rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; chăn nuôi nông hộ chiếm tỉ lệ lớn; thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh…

Tỷ lệ virus lưu hành còn khá cao khoảng 6% đang là nguy cơ lớn làm tái phát và lây lan dịch CGC. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới đang dẫn tới nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2...) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Thứ trưởng, Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội Nghị. Ảnh: Ái Vân

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết: Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn; chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số và chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh; nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin; vi rút cúm gia cầm...  lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Tỷ lệ chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến cũng đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh này tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng với hơn 24 ngàn hộ tham gia, các hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh. Một số hộ chăn nuôi chưa chủ động trong công tác tiêm phòng nên trong năm 2022 đã xảy ra một số ổ dịch CGC, ảnh hưởng đến công tác xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh.

Trước nguy cơ phát sinh và lây lan trên diện rộng nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vacxin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như CGC, LMLM, tai xanh, VDNC, dại...

Các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng ATDB; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần ATDB theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp và chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã. Thực tế cho thấy hoạt động của thú y cơ sở ở nhiều địa phương đang rất bất cập.

Theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Thú y cơ sở do UBND xã trả lương nên phần lớn thời gian trong tuần phải làm các công việc khác, mức lương lại rất thấp, nên công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở rất hạn chế như báo cáo không kịp thời, thống kê không chính xác, tiêm phòng không đảm bảo.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, ông Phùng đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nhưng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều lĩnh vực.

 

 

TỪ KHÓA #cục thú y