Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhắm mắt và mơ

05:13 25/03/2017 GMT+7

 

Minh họa

        Con kênh nhỏ chia đôi cánh đồng rộng từ lộ đá ra tới bờ sông. Mùa này lúa lên cao trải thành một thảm xanh mút tầm mắt. Đã hơn 30 năm tôi mới trở về đứng trên bờ kênh này nhìn bao quát cả cánh đồng với nỗi xúc động của người đàn ông tuổi trung niên chợt nhớ lại tuổi thơ của mình khi nhìn thấy sóng lúa chao lượn theo từng cơn gió thổi rào rạt qua cánh đồng thơm mùi lúa con gái non tơ, bừng lên sức sống trên những chân ruộng sũng nước, thơm mùi bùn đặc trưng không thể quên được.

Buổi chiều đang xuống, nước dưới kênh đang lớn, dòng nước chảy xiết, đục ngầu màu phù sa từ con sông đưa vào. Bên kia bờ kênh, trong tầm mắt tôi là một căn nhà lá mái thấp, nằm lọt trong khoảng sân với những bụi chuối và hàng so đũa bao quanh. Có lẽ người trong nhà đang chuẩn bị cho bữa cơm tối nên tôi thấy có đám khói bốc lên qua mái lá, tan loãng vào màu nắng yếu giống như những vệt sương. Không hiểu sao đám khói bốc lên qua mái lá ấy, khiến cho tôi có cảm giác ấm áp giữa buổi chiều se lạnh này, giữa cánh đồng quạnh quẽ không bóng người. Thỉnh thoảng tôi chỉ nghe được tiếng quốc kêu, một âm vọng buồn buồn từ cánh đồng bên kia bờ kênh vọng về.

Tôi chọn một chỗ bằng phẳng trên bờ kênh, cách cây cầu tre bắc qua kênh không xa và trải tấm bạt cao su dày chuẩn bị cho một chỗ ngả lưng, có khi qua đêm. Tôi ném chiếc ba lô đựng mấy thứ cần thiết cho việc ngủ nghê lên tấm bạt, đặt cây dàn ghi ta cũ bên cạnh, rồi xách bó cần câu cắm đi men theo chân ruộng đã chọn từ lúc chiều để trãi câu. Cứ cách 10 bước chân tôi chọn một khoảng trống từ những bụi lúa um tùm, cắm một cây cần câu rồi nhón tay bắt chú trùn quắn trong chiếc lon đổ đầy đất xách theo để móc vào lưỡi câu, thả sâu xuống nước, cho lưỡi câu có mồi trùn chạm mặt bùn đáy ruộng. Cắm hết bó câu cả trăm cần này và móc mồi mất khoảng tiếng đồng hồ, lúc ấy tôi đã đi giáp hết bốn phía thửa ruộng. Khi xong việc, tôi lom khom rửa tay đến lúc ngửng lên nhìn lại phía bờ kênh xa thì buổi chiều đã tắt hết nắng. Bóng tối nhá nhem liếm dần cánh đồng, màu lúa xanh non trở nên đen thẳm rồi chìm dần.

Trở lại bờ kênh tôi moi từ trong ba lô ra chiếc gối nhỏ, vòng hai cánh tay lên gối đầu, nằm ngả lưng trên tấm bạt cao su ngước mắt nhìn lên bầu trời tối đen lấp lánh những ánh sao bắt đầu xuất hiện. Tôi đã qua rồi cái thời mộng mơ để tìm trong bầu trời đêm những ánh sao đã được đặt tên hoặc chưa có tên, mang một ý nghĩa nào đó tới số phận con người rồi nhắm mắt lại để ước mơ…Nhưng đêm nay tôi bỗng chú ý tới những chòm sao sáng lắp lánh, hoặc những ngôi sao cô đơn đứng riêng lẻ một mình có vẻ mờ nhạt, xa tít tắp tong tầm mắt. Thế rồi tôi bỗng thở dài…ước gì mình có thể mơ được một giấc mơ nào đó.

Trong dòng suy nghĩ lộn xộn của tôi lúc bấy giờ lại hiện ra những con cá ăn câu, tôi hình dung được một chú cá lóc mê mồi, dính câu và cố giẫy giụa, quẫy nước để thóat. Nhắm mắt lại tôi có thể thấy chính mình xách cây đèn tù mù bị gió tạt, men theo bờ ruộng thăm câu, vừa đi vừa nhẫm đếm bước chân và bỗng thấy một khoảng trống ở chỗ cắm câu, chiếc cần câu không còn nữa. Quanh đó là những bụi lúa bị con cá lớn nào đó giẫy giụa làm cho ngã rạp rồi lôi chiếc cần đi mất. Tôi phải bước xuống ruộng lội tìm, đến khi thấy chú cá lôi câu bị vướng quanh những bụi lúa thì nỗi vui mừng ào đến giống hệt một đứa trẻ con vì chắc chắn chú cá ấy rất to, ngày mai sẽ bán được giá ở buổi chợ quê.

 

Minh họa

Nhưng đó cũng chỉ là một giấc mơ ít khi có thật, bởi lẽ đồng ruộng bây giờ đã không còn nhiều cá như ngày xưa. Từ đầu mùa cắm câu đến nay tôi chưa lần nào cắm được những con cá lóc to quá cổ tay, dù tôi rất trì chí đi suốt đêm trên cánh đồng và rất siêng năng đi thăm câu, thay mồi. Người ta nói rằng từ khi có con kênh đào xé cánh đồng này ra làm hai, nước không còn giữ lại được trên ruộng nên cá cũng bỏ đi và chỉ trở lại theo con nước chuyển dần từ ngày qua đêm. Người cắm câu cũng phải nắm quy luật của thủy triều, theo dõi con nước để chọn giờ trải câu ban đêm. Một con nước như thế chỉ kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ từ khi nước lên tới khi nước rút khỏi chân ruộng. Và cá chỉ tập trung ăn câu khi theo con nước vừa lên ruộng, lúc nước đứng thì chỉ còn cách cuốn câu về.

–  Chào anh, trải câu xong rồi à?

Tôi bỗng giật thót mình vì có người lên tiếng trong bóng tối, lại là tiếng một cô gái, giọng còn rất trẻ. Ngay lúc ấy có tiếng chân bước về phía tôi, mùi dầu gội đầu nghe thoảng trong gió khi cô gái đến gần. Tôi đứng lên, cách cô gái vài bước chân. Cô gái mặc đồ bộ, đi chân đất, cao mảnh khảnh, tóc dài, nước da trắng, tôi thấy lờ mờ một gương mặt có lẽ rất xinh xắn.

Cô gái cười khúc khích nói:

  • Anh ngạc nhiên lắm hả, đừng tưởng em là ma nha. Em ở ngôi nhà bên kia bờ kênh. Biết anh trải câu ở đây nên qua chơi.
  • Em làm tôi giật mình đấy. Em qua cây cầu tre lắc lẻo bắc qua con kênh lúc nào mà tôi không nghe tiếng chân hay tiếng động gì cả. Suýt chút nữa tôi tưởng em là ma đấy.

Cô gái giậm chân thình thịt trên đất:

  • Đấy, em là người chứ không phải là ma. Tin chưa.
  • Tất nhiên tôi tin. Nhưng em tên gì, tối như thế này ra khỏi nhà, qua kênh em không sợ à?
  • Em tên Tím. Em chẳng sợ mà còn thích đi chơi trên cánh đồng vào buổi tối nữa đấy, nhất là những đêm có trăng.
  • Sao em không mang theo đèn pin hay bất cứ loại đèn gì đó, vừa thấy đường đi, vừa tránh được rắn độc ra khỏi hang rình mồi vào ban đêm.

Tím cười giòn:

  • Bảo đảm với anh trên cánh đồng này không còn một con rắn nào đâu. Có bao nhiêu em bắt sạch cả rồi. Còn mang đèn theo làm gì, mắt em ban đêm sáng lắm, đi thầm trong bóng tối mới thú vị chứ. Vả lại đêm nay, chút nữa trăng sẽ lên.
  • Ừ, em nhắc tôi mới nhớ, đêm nay trăng hạ tuần nhưng vẫn còn sáng. Nếu trời không mưa bất ngờ trăng sẽ đẹp tuyệt vời cho mà xem.

Liền đó tôi giới thiệu tên mình, nhưng mới vừa nói ra Tím đã cười bảo:

  • Anh khỏi phải giới thiệu, em biết tên anh là Phan rồi.
  • Sao em biết? –Tôi ngạc nhiên.
  • Ở đây cái gì lạ lạ là người ta biết hết. Anh ở thành phố về ở xóm dưới chứ đâu. Nhưng em hỏi thật anh đi cắm câu là để…giải trí cho vui, nhớ lại những ngày thuổi thơ hay để bán?

Tôi cười hỏi lại Tím:

  • Thế em nghĩ tôi cắm câu với mục đích gì?
  • Anh đi cắm câu mà mang theo đàn ghi ta, nửa đêm ở đây người ta ngủ hết anh ngồi đệm đàn và hát, toàn nhạc Trịnh. Em nghe hết rồi.
  • Em biết tôi hát nhạc Trịnh nữa à?
  • Người ta học xong lớp 12 rồi nha, chuẩn bị thi đại học đấy. Nhưng chưa biết có đi thành phố thi được không.
  • Sao thế?

Sau một tiếng thở dài, Tím chép miệng:

  • Tại không tiền, mọi chuyện trông chờ vào bầy vịt ba em nuôi. Định tới lứa bán cho em tiền lên thành phố trọ học để thi nhưng bất ngờ bầy vịt bị cúm chết hết. Ba em buồn mấy hôm nay, em cũng buồn lắm.
  • Em vẫn chưa trả lời câu tôi hỏi-Tôi khéo khéo nhắc.
  • À, em quên, tại lo giải thích với anh chuyện học hành thi cử. Em nghĩ anh đi cắm câu đêm hôm khuya khoắc là để…cho vui thôi. Anh “ tài tử” quá mà, không giống người thôn quê được.

Tôi cười héo hắt:

  • Em lầm rồi, tôi cắm câu là để có cá mang ra chợ bán. Tôi thất nghiệp trên thành phố phải về quê cắm câu đúng nghĩa đen luôn.
  • Ủa, không lẽ anh nghèo…giống em sao. Nhà anh ở xóm dưới trước đây cũng khá lắm mà. Em nghe ba em nói…Nhưng thôi, anh cắm câu để giải trí hay để bán thì ăn nhằm gì. Anh đã đi thăm câu chưa?
  • Tôi cũng đang định đi đây.
  • Anh cho em theo phụ với nha, một chút anh trả công em bằng cách hát cho em nghe mấy bài nhạc Trịnh mà em thích. Được không?

Tôi gật đầu:

  • Được, nhưng em có phải về nhà không?
  • Em về nhà khi nào buồn ngủ thôi, mà những đêm trăng em thường không ngủ.
  • Ong già không đi tìm à?
  • Ba em biết em đi đâu mà. Với lại ba em bị bệnh, ông mệt mỏi ngủ vùi có biết trời trăng gì đâu. Thôi, mình đi thăm câu đi anh Phan.

Tôi bật quẹt đốt cây đèn soi đặt trong thùng đạn của Mỹ để che gió. Đèn bị gió táp ngọn lửa leo lét như sắp tắt. Tôi đưa cây đèn tìm hướng tránh gió, định với tay lấy lon trùn nhưng Tím đã nhanh hơn tôi, cô gái xách lon trùn và chiếc giỏ đựng cá bước theo tôi, phía sau ngọn đèn tỏa khói đen ngòm.

  • Đèn này không sáng, mai mốt rảnh em sẽ làm cho anh cây đèn khí đá, sáng hơn nhiều mà lại không có khói mù mịt như thế này.

Đi giáp vòng thửa ruộng mà tôi trải câu, vừa gỡ cá vừa thay mồi cũng hơn tiếng đồng hồ. Trong giỏ đựng cá, bây giờ đã có 5 con cá lóc to bằng cổ tay và một con lươn gần nửa ký lô. Chính Tím đã chỉ cho tôi cách bắt lươn bằng ba ngón tay móc lại với nhau thành một cái vòng để siết cổ lươn rất điệu nghệ và an toàn, không sợ con lươn sẩy khi nó chỉ bị lưỡi câu móc ở mép chứ không nuốt luôn vào bụng. Gặp trường hợp này nếu không có Tím tôi chỉ biết cầm đuôi lươn nhét vào miệng giỏ rồi hơ ngọn đèn cắt luôn lưỡi câu, cách này dễ làm lươn sẩy bò luôn xuống ruộng. Tím rất vui vì ngay chuyến thăm câu đầu tiên tôi đã có nhiều cá, cô gái còn khen tôi có tài “ sát cá”và đùa rằng theo như lời ba của Tím nói những tay “ sát cá” thường “ sát gái”. Nhưng Tím lại không hiểu nghĩa bóng của từ này mà lại hỏi tôi:

Minh họa

 

 

 

  • “Sát cá” thì em biết, nhưng “ sát gái” có phải…giết con gái không hả anh Phan?

Tất nhiên tôi cười bảo:

–  Không phải, nghĩa bóng thôi, chứ giết con gái ở tù chết.

Khi tôi và Tím quay trở về bờ kênh thì trăng đã lên, trải ánh sáng vàng huyền ảo lên thảm lúa xanh rập rờn theo gió làm cho đêm trăng trên cánh đồng trở nên tuyệt đẹp. Đợi tôi tìm chỗ trũng dưới chân ruộng đặt chiếc giỏ xuống rộng cá xong, Tím yêu cầu:

  • Bây giờ anh Phan hát trả công em đi.

Vừa nói Tím vừa ngồi xuống góc tấm bạt cao su, mặt ngửng lên phía ánh trăng, mái tóc dài của Tím đen mượt, đẹp tự nhiên xõa xuống bờ vai, mắt cô gái sáng long lanh. Dưới ánh trăng bây giờ tôi mới nhìn rõ gương mặt của Tím, một gương mặt thanh tú, đôn hậu và rất ngây thơ, thánh thiện. Tôi với lấy cây đàn và hỏi:

  • Em biết hát không?
  • Em biết, nhưng hát dở lắm, em thích nghe anh Phan hát hơn. Mấy hôm em đã đứng bên kia bờ kênh nghe anh hát rồi chứ bộ. Em rất thích anh hát bài “ chiếc lá thu phai” của Trịnh.

Tôi cười:

  • Được, tôi sẽ hát cho em nghe bài này, nhưng sau đó thì tới em hát nhé. Quyết định vậy đi.

Tím có vẻ thú vị khi tôi nói “ quyết định vây đi”. Và tôi đã xúc động thật sự khi hát “ về đây đứng ngồi…”. Tím cũng ngồi im lặng nghe suốt bài hát của Trịnh với gương mặt luôn ngửng lên nhìn ánh trăng sáng vằng vặc, xõa mái tóc thơm lên đôi vai nhỏ. Tôi vội buông đàn khi chợt nhận ra đôi vai ấy bỗng rung lên và mấy tiếng nấc nhỏ bật ra từ miệng Tím.

Tôi ôm vai Tím hỏi:

  • Sao em khóc?
  • Anh Phan hát buồn, bài hát buồn mà em cũng buồn quá.
  • Thôi, không đàn hát gì nữa hết nhé. Mình ngồi nói chuyện vui hơn.

Tím dụi mắt:

  • Bây giờ em hát theo yêu cầu của anh Phan nhé?
  • Không, anh không yêu cầu nữa.
  • Nhưng em phải hát để…giữ lời hứa chứ. Anh đàn đi, bài “ như cánh vạc bay” ấy.

Và khi Tím cất tiếng hát trong vắt của mình lên “ nắng có hồng bằng đôi vai em…” tôi thật sự ngỡ ngàng không ngờ cô gái quê, ở giữa cánh đồng bên kia bờ kênh trong ngôi nhà trơ trọi xung quanh toàn chuối và so đũa lại hát đến tuyệt vời một bài hát của Trịnh đến như vậy. Có phải tại chính giọng hát thiên phú, còn ngọt ngào chân chất như mùi lúa đương thì, mùi bùn ruộng, phù sa của cô gái ngây thơ, thánh thiện xuất hiện bất ngờ trên cánh đồng giữa một đêm trăng rất “ liêu trai” như thế này hay tại tôi quá xúc động cho hoàn cảnh của mình hiện tại?

Giữa lúc tôi định yêu cầu Tím hát lại bài hát một lần nữa bỗng nhiên cô gái hỏi:

  • Anh Phan nghe em hát thế nào?
  • Rất hay, rất tuyệt, nghe hay hơn cả ca sĩ chuyên nghiệp.
  • Em cũng đã từng mơ làm ca sĩ đấy. Nhưng em biết đó chỉ là giấc mơ thôi, cũng như có lân em ngủ và mơ thấy mình thành tiên bay lên trời. Tỉnh ngủ em buồn ghê.
  • Mơ thấy thành tiên bay lên trời tại sao lại buồn?
  • Vì nếu như thế em sẽ bỏ ba em một mình trong những cơn say hoặc lúc ông bệnh hoạn. Em không còn được trở về cõi thế gian này nữa. Em có…phức tạp lắm không? Thôi, em buồn ngủ rồi.

Tôi buông cây đàn, định tiễn Tím qua bờ kênh, nhưng Tím ngăn tôi lại và nói:

  • Em nghe có tiếng cá quẫy mạnh ở góc ruộng đàng kia. Anh Phan đừng đưa em, một mình em về nhà được rồi. Anh hãy đi thăm câu đi, có con cá đang mắc câu lớn lắm đấy, anh mà chậm chân là nó sẩy đó.
  • Sao em biết?
  • Em cắm câu còn chuyên nghiệp hơn anh nữa kìa. Nghe tiếng cá quẫy là em biết.

Quả nhiên tôi đã kịp gỡ câu và được một con cá lóc thật to, có thể trên 1 ký lô. Nó là chú ca lóc mà từ đầu mùa cắm câu đến giờ tôi mới chộp được lần đầu tiên. Nhưng khi tôi xách con cá chạy về định khoe với Tím thì em đã không còn ở đó nữa. Tím đã qua cầu tre và mất dạng dưới bóng trăng vằng vặc giữa trời.

 

Truyện ngắn Phan Tường Niệm