Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những quy định để phân bón đảm bảo chất lượng

07:15 30/07/2021 GMT+7

Chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Chiêm, nhiều chủ trang trại, bà con nông dân đã gửi thư về Tòa soạn Tạp chí Nông thôn mới hỏi: Nhà nước quy định thế nào trong việc quản lý việc sản xuất, buôn bán phân bón để nông dân có được nguồn phân bón đảm bảo chất lượng?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo.

Để giải đáp cho câu hỏi trên, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này:

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng. Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại…

Luật Trồng trọt đã dành 1 Chương (Chương III) để quy định về phân bón, trong đó có quy định về điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, buôn bán phân bón…nhằm quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến lưu thông để có nguồn phân bón chất lượng, đáp ứng tốt cho sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu thụ, sử dụng phân bón…

Vậy để sản xuất phân bón cần có điều kiện gì, thưa luật sư?

Theo quy định tại Điều 41, Luật trồng trọt thì để sản xuất phân bón phải đáp ứng điều kiện sau:

– Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm:

+ Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;

+ Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;

+ Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;

+ Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;

+ Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;

+ Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn là 05 năm và được cấp lại.
(Để có hướng dẫn cụ thể, các bạn tham khảo Điều 12, Nghị định Số: 84/2019/NĐ-CP)

Trên thực tế ở nhiều vùng nông thôn, “ra ngõ là mua được phân bón”; phân bón được bán cả ở chợ, cả trong cửa hàng tạp hóa, nên việc kiểm soát chất lượng phân bón cũng không đơn giản. Vậy để quản lý việc buôn bán phân bón, pháp luật quy định thế nào?

Điều kiện buôn bán phân bón được quy định tại Điều 42, Luật Trồng trọt. Cụ thể để được buôn bán phân bón phải có các điều kiện sau:

– Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:

+ Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

+ Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;

+ Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

– Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định rõ việc nhập khẩu, quản lý chất lượng, tên, nhãn, quảng cáo, khảo nghiệm phân bón,…

Ảnh minh họa

Để thực hiện những quy định về sản xuất phân bón thì người sản xuất phân bón phải có nghĩa vụ thế nào?

Khoản 2, Điều 50, Luật Trồng trọt quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón có nghĩa vụ sau đây:

– Duy trì đầy đủ các điều kiện sản xuất phân bón quy định tại Điều 41 của Luật này trong quá trình hoạt động sản xuất phân bón;

– Sản xuất phân bón đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng;

– Thực hiện đúng nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

– Thử nghiệm đối với từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Lưu kết quả thử nghiệm theo hạn sử dụng của lô phân bón và bảo quản mẫu lưu trong thời gian là 06 tháng kể từ khi lấy mẫu;

– Thu hồi, xử lý phân bón không bảo đảm chất lượng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

– Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người lao động trực tiếp sản xuất phân bón;

– Hàng năm, báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu;

– Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với người buôn bán phân bón thì pháp luật quy định phải có nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 51, Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có nghĩa vụ sau đây:

– Duy trì đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điều 42 của Luật này trong quá trình buôn bán phân bón;

– Bảo quản phân bón ở nơi khô ráo, không để lẫn với các loại hàng hóa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón;

– Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;

– Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Cung cấp chứng từ hợp pháp để truy xuất nguồn gốc phân bón;

– Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

– Hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón;

– Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong việc đảm bảo phân bón phát huy hiệu quả và an toàn cho sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi, môi trường thì người sử dụng phân bón cũng phải có trách nhiệm. Vậy pháp luật quy định thế nào về nghĩa vụ của người sử dụng phân bón?

Nghĩa vụ của người sử dụng phân bón được quy định tại Khoản 2, Điều 54, Luật Trồng trọt. Theo đó tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có nghĩa vụ:

– Sử dụng phân bón theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn;

– Sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, vật nuôi, môi trường, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)