Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ninh Bình: Được học nghề, 2 vạn nông dân vượt khó vươn lên

Thúy Anh - 08:00 15/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Nhiều năm qua bằng nhiều giải pháp, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hàng nghìn hội viên. Hàng trăm hội viên nghèo trong số này đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
 Nông dân Ninh Bình được hỗ trợ dạy nghề chăn nuôi tạo việc làm ngay tại địa phương .

Đào tạo nghề cho hội viên ở 23 xã nghèo

Từ năm 2016 -2020, tỉnh Ninh Bình đã đào tạo nghề cho gần 20 nghìn lượt người, trong đó tập trung đào tạo nghề cho 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, lao động bị thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch, nơi đô thị hóa nhanh và làng nghề.

 Một trong những đơn vị làm tốt công tác dạy nghề cho người dân và người nghèo nói riêng đó là Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình. Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết, nhiều năm qua các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề, với nhiều nghề đa dạng nhằm tìm hướng thoát nghèo cho hội viên ND.
 Bằng cách hỗ trợ con giống, vốn vay, kỹ thuật sản xuất, thậm chí là giúp ND thay đổi tư duy làm ăn… Trong năm vừa qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã giúp 392 hộ ND thoát nghèo, 21.829 hộ cận nghèo, hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.

Mặc dù là lao động trẻ, trong độ tuổi lao động vàng nhưng nhiều năm liền gia đình anh Tạ Văn Hiển ở xóm 1 (xã Khánh Dương, Yên Mô, Ninh Bình) vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Anh Hiển tâm sự: “Nhà đông con, lại không được học hành, thiếu vốn, thiếu kiến thức nên anh cũng đành chịu”. Ngoài những nguyên nhân đó, anh Hiển còn đối mặt với nhiều nguyên nhân chủ quan, do tư tưởng “đến đâu hay đến đó” vẫn ăn sâu, bám rễ trong nhận thức. Ngay cả khi đã được hỗ trợ xây nhà, cuộc sống của gia đình anh vẫn chưa hết khó khăn bởi nguồn thu chỉ trông vào mấy sào ruộng.

 Năm 2021, anh Hiển được Hội ND xã tư vấn, hỗ trợ vay vốn làm ăn kinh tế thoát nghèo. Nhờ được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư mua máy mở hàng xay xát gạo mà gia đình anh có công việc làm, thu nhập tăng lên. May mắn sau hơn 1 năm vay vốn đến giờ gia đình anh đã thoát nghèo.

Đào tạo nghề giúp ND thay đổi tư duy, thoát nghèo

Ông An Viết Trung - Chủ tịch Hội ND xã Khánh Dương cho biết nhờ được tư vấn đào tạo nghề, cho vay vốn tạo việc làm và giúp bà con thay đổi tư duy mà nhiều gia đình thoát nghèo bền vững. Thay vì chấp nhận cuộc sống khó khăn, cái đói, cái nghèo bủa vây, nhiều hộ hội viên đã quyết tâm vượt khó, tham gia học nghề, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và của tổ chức đoàn thể chính là trợ lực để con đường thoát nghèo của người nghèo bớt chông gai.

 Cũng theo ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình thì, cán bộ cơ sở Hội có mặt ở khắp các địa phương, đặc biệt ở những vùng còn nhiều khó khăn, nhờ vậy giúp nhiều ND tìm được hướng thoát nghèo.

Ông Thái cho rằng muốn bà con thoát nghèo thì phải trao cho họ “cần câu”, hạn chế “cho không” và khuyến khích “cho vay” để bà con nhận thức được rằng chính bản thân họ phải tự thay đổi cuộc sống của mình.

Bởi vậy, giải pháp đầu tiên chính là tăng năng lực cho ND nghèo bằng cách tăng đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Có vậy mới khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của hội viên, ND; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Các cấp Hội cũng chủ động xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động các nguồn vốn giúp ND tham gia các HTX, THT phát triển sản xuất. Việc triển khai các dự án được thực hiện trên cơ sở xác định vùng, miền hợp lý, xác định rõ nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu cũng như tập quán canh tác của bà con. Tín hiệu đáng mừng là trong khi đợi chờ được “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ gia đình cũng đã tự đi tìm những giải pháp thoát nghèo cho mình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (Yên Mô, Ninh Bình) cũng từng là hộ nghèo kinh niên, nhưng sau khi được đào tạo nghề trồng cây ăn quả, gia đình chị Nhung đã chuyển hơn 1ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và làm vườn. Kết quả, chỉ sau 3 năm gia đình chị thoát nghèo vươn lên có thu nhập khá. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình vườn- ao-chuồng của gia đình chị mang lại lãi lên tới 200 triệu đồng.

“Thứ quý giá nhất mà các cấp Hội cho tôi đó chính là giúp tôi tiếp cận được với các chương trình dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật. Nhờ vậy tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm kinh tế giỏi”, chị Nhung nói.

Nhờ các giải pháp giảm nghèo của tổ chức Hội, nhiều ND như chị Nhung đã được tham gia tập huấn, được trang bị kiến thức, kinh nghiệm các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Chỉ tính riêng trong năm 2021, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tổ chức được 1.872 buổi chuyển giao KHKT cho 31.215 lượt cán bộ, hội viên, ND tham gia. Phối hợp tổ chức 187 lớp dạy nghề cho 9.350 hội viên ND. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động cho con em hội viên ND.

Sau học nghề, các cấp Hội cũng đã hỗ trợ để ND tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ ND để tạo việc làm, hỗ trợ cho các mô hình giảm nghèo bền vững của ND nghèo. Các cấp Hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hộ hội viên vay và sử dụng đồng vốn có hiệu quả thông qua các tổ vay vốn do Hội thành lập… với tổng dư nợ trên 2.700 tỷ đồng.
Dấu ấn riêng có của các cấp Hội ND trong công tác giảm nghèo còn phải kể đến việc triển khai sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ở đó, các cá nhân, hộ gia đình ND làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng tham gia giúp đỡ, hướng dẫn cho các hộ hội viên ND nghèo cách làm ăn.

Mặc dù công tác hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho ND tại Ninh Bình đạt nhiều kết quả quan trọng, rất đông hội viên có hoàn cảnh khó khăn được giảm nghèo, nhưng thành quả này vẫn chưa bền vững. Cần phải có nhiều giải pháp hơn để tạo sinh kế bền vững cho ND, giúp ND không tái nghèo, vươn lên làm giàu.

“Để làm được điều này, thời gian tới chúng tôi sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách cho tổ chức Hội tham gia hoặc trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật thực hiện các nghị quyết giảm nghèo bền vững của tỉnh”, ông Thái nói. 

Chỉ tính riêng trong năm 2021, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức được 1.872 buổi chuyển giao KHKT cho 31.215 lượt cán bộ, hội viên, ND tham gia. Phối hợp tổ chức 187 lớp dạy nghề cho 9.350 hội viên ND. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động cho con em hội viên ND.
Theo Hội ND tỉnh Ninh Bình.
 

Sau học nghề, nông dân tự tin “khởi nghiệp”
Nhờ được học nghề mà hàng nghìn nông dân ở Bắc Ninh đã ứng dụng được kiến thức vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều người khởi nghiệp từ vốn kiến thức được học, nhiều người khác thì làm nghề nông nhưng sản xuất theo lối hiện đại, quy mô cho giá trị kinh