Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nón lá làng Chuông: Nơi gìn giữ nét văn hóa Việt

22:35 23/04/2019 GMT+7
Nón lá là biểu tượng của người dân Việt Nam. Ngày nay, nón lá được các nghệ nhân cách tân thành những mẫu mã khác nhau nhưng nó vẫn giữ được nét đặc trưng “quốc hồn quốc túy” mà không một sản phẩm nào thay thế được. Hiện nay, nón lá không chỉ là người

Nón lá là biểu tượng của người dân Việt Nam. Ngày nay, nón lá được các nghệ nhân cách tân thành những mẫu mã khác nhau nhưng nó vẫn giữ được nét đặc trưng “quốc hồn quốc túy” mà không một sản phẩm nào thay thế được.

Nón lá làng Chuông – sản phẩm truyền thống đặc trưng nổi tiếng hàng trăm năm

Hiện nay, nón lá không chỉ là người bạn với nông dân, mà đã xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch, văn nghệ múa hát, phim ảnh. Từ những nón lá truyền thống, các nghệ nhân đã cách tân lên thành nhiều mẫu mã khác nhau. Chính vì thế, hình ảnh nón lá lan tỏa khắp mọi nơi và mang lại giá trị tinh thần và kinh tế cao.

Thực chất nói về nón lá, không một đất nước nào có thể làm đẹp hơn Việt Nam. Đó không chỉ đơn giản là một nghề, mà đã nâng tầm lên thành một thương hiệu văn hóa riêng biệt của đất nước.

Với thông điệp “Giữ nét dân gian – Thổi hồn nón Việt”, nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tái hiện lại làng Chuông – cái nôi của nón lá Việt Nam với hơn 50 sản phẩm khác nhau.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (52 tuổi), với hơn 40 năm kinh nghiệm chia sẻ về nghề nón: “Nón lá làng Chuông nổi tiếng khắp cả nước bởi năm đặc tính: chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Để làm ra một chiếc nón như thế phải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết”.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (52 tuổi) chia sẻ về nghề nón làng Chuông

“Nghề làm nón đã ăn sâu trong con người tôi ngay từ thời tấm bé. Tôi luôn trăn trở với nghề và tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng từng ngày, làm ra những mẫu nón mới, hợp với thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Sau này khi tôi tuổi cao sức yếu, tôi hi vọng lớp cháu con vẫn giữ được lửa nghề và tiếp tục phát triển nghề làm nón lá làng Chuông”, nghệ nhân chia sẻ thêm.

Sau 40 năm gắn bó với nghề, trăn trở và gìn giữ, nghệ nhân Hương mong muốn giới trẻ biết đến làng nghề truyền thống. Từ đó thấu hiểu và trân trọng nón lá hơn, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các bạn trẻ trải nghiệm làm nón lá làng Chuông.

Bạn Phùng Giang sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, đến với sự kiện vì niềm yêu thích đặc biệt với nón lá. “Văn hóa của Việt Nam rất lâu đời, làm nên bản sắc riêng biệt. Tôi hy vọng có thể được tham dự nhiều sự kiện về văn hóa hơn nữa để thêm yêu quê hương và tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế  về những nét văn hóa độc đáo của đất nước Việt Nam”.

May nón là một trong những công đoạn quan trọng nhất.

Sinh viên Trần Minh Tuấn – Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ đây là lần đầu tiên được tự tay thử nghiệm làm lá nón. Tuy chỉ là những công đoạn đơn giản nhưng đủ để bản thân thêm trân trọng công sức của những nghệ nhân, từ đó hiểu giá trị chứa đựng trong mỗi chiếc nón lá.

Nón lá làng Chuông có lịch sử phát triển hơn 300 năm, thương hiệu vang xa cả trên thị trường quốc tế. Làng Chuông trước đây sản xuất nhiều loại nón như nón ba tầm, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp… Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón và sáng tạo ra nhiều mẫu mã khác nhau, độc đáo, lạ mắt.

Nguồn VietQ