Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân nuôi trồng thuỷ sản Bắc Giang “nhàn nhã” từ khi có công nghệ trong tay

Hoàng Tính - 07:25 27/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất, giờ đây nhiều hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh Bắc Giang đã “nhàn nhã” hơn, kinh tế khá giả, thu nhập ổn định.

Tăng thu nhập trên cùng diện tích

Tại huyện Lạng Giang mô hình nuôi cá của gia đình anh Dương Văn Trọng ở xã Đại Lâm là một trong những điển hình ứng dụng công nghệ số, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần 01 chiếc điện thoại (smartphone) thông minh là anh Trọng đều có thể thực hiện việc cho cá ăn, chỉ cần ấn nút điều chỉnh trên chiếc điện thoại smart phone là toàn bộ diện tích hơn 2ha ao nuôi cá thâm canh của gia đình đã được cho ăn.

Giờ đây với chiếc smartphone người dân Bắc Giang đã chủ động hơn trong việc nuôi trồng thuỷ sản

Anh Trọng cho hay: Hệ thống thiết bị tự động điều khiển bằng CNTT không những thay thế cho lao động phổ thông mà thông qua hệ thống, tôi có thể kiểm soát được lượng thức ăn cũng như môi trường nước cho đàn cá phát triển, tránh tối đa việc chăm sóc cá theo cảm tính, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm cá.

Cũng giống như mô hình nuôi cá nhà anh Trọng, anh Phạm Văn Mạnh ở xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa) cũng đã áp dụng CNTT vào nuôi cá, anh Mạnh cho hay: Giờ đây dù ở bất cứ nơi đâu, tôi đều có thể thực hiện việc cho cá ăn  hay bật quạt nước. Chỉ cần ấn nút điều chỉnh từ chiếc smartphone thông minh, toàn bộ diện tích 5.000 m2 ao nuôi cá rô phi thâm canh của gia đình đã được sục khí, cho ăn vì vậy không lo cá bị thiếu oxy, ăn không đúng giờ…

Việc ứng dụng CNTT vào sản xuất và nuôi thủy sản của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu thế chung tất yếu. Nhờ ứng dụng công nghệ số vào nuôi trồng thuỷ sản đã giảm được sức lao động và tăng năng suất, thu nhập trên cùng diện tích.

Đầu tư hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Những ưu điểm của việc ứng dụng CNTT vào điều hành sản xuất nuôi trồng thuỷ sản ở các hộ gia đình tại tỉnh Bắc Giang bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên để nhân rộng việc ứng dụng CNTT trong sản xuất của các trang trại nuôi trồng thuỷ sản, ngoài yếu tố kinh tế cũng còn rất nhiều yêu cầu về cơ sở hạ tầng vùng nuôi như: Hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông và cả kỹ năng thực hành tin học của các chủ trang trại, cơ sở sản xuất…

 Với CNTT giá trị ngành Thuỷ sản tỉnh Bắc Giang đã ngày một nâng cao

Trong đó, mô hình ứng dụng CNTT trong sản xuất thuỷ sản của các trang trại đòi hỏi cơ sở hạ tầng viễn thông tại khu vực trang trại, cơ sở sản xuất phải đảm bảo kết nối internet tốt, duy trì đường truyền liên tục để đảm bảo thông tin, nhận lệnh điều hành tránh trường hợp nghẽn mạng ảnh hưởng đến chế độ quản lý đã mặc định.

Ứng dụng CNTT trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thuỷ sản đang là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Tháo gỡ những khó khăn này và có cơ chế khuyến khích người dân trong ứng dụng CNTT vào sản xuất không chỉ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp ngành Nông nghiệp sớm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu từ khâu quản lý tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Nhờ chủ trương, chính sách phù hợp và tiềm năng mặt nước, những năm gần đây, sản xuất thuỷ sản của tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh; đến nay, diện tích nuôi thuỷ sản toàn tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 12,2 nghìn héc ta nuôi thủy sản, ước sản lượng khai thác thủy sản cả năm đạt 52.240 tấn. Nhiều địa phương như: Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, Lạng Giang và TP Bắc Giang đã hình thành các vùng nuôi tập trung theo mô hình trang trại thủy sản thâm canh với đa dạng đối tượng thủy sản.