Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông sản ở Đồng Tháp “bí” đầu ra vì Covid-19

11:11 20/08/2021 GMT+7

Là một tỉnh có nhiều nông sản nổi tiếng, đến nay Đồng Tháp vẫn còn một lượng lớn nhãn, cam, chanh, cá cùng một số mặt hàng khác cần được tiêu thụ.

Thực hiện giãn cách chống dịch, việc lưu thông hàng đang là trở ngại lớn trong khâu tiêu thụ hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp vướng mắc trong xuất khẩu và đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nông sản lâm cảnh khó tiêu thụ.

Với 1ha nhãn xuồng của ông Nguyễn Văn Vinh ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thể bán vì mỏi mắt tìm thương lái mà chưa được, nhãn đến thời điểm buộc phải thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua nên cũng bắt đầu rụng. Với những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ như anh Nguyễn Văn Vinh, con đường tiêu thụ nhãn coi như bế tắc, bất lực nhìn nhãn rụng mà không thể làm khác.

“Nhãn tiêu thụ chậm, các chợ không bán được, những chợ đầu mối lớn như chợ đầu mối Thủ Đức hay là Bình Điền cấm hoạt động hết nên là không có đường để tiêu thụ. Lo lắng nhất hiện giờ nhãn chín rộ, rụng nhiều, nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ cho bà con” – ông Nguyễn Văn Vinh nói.

Những trường hợp như nông dân Nguyễn Văn Vinh vừa rồi là câu chuyện không thiếu trong bối cảnh hiện nay không chỉ ở Đồng Tháp mà hầu như các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp phải. Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho các hộ dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ càng thêm khó trong tiêu thụ nông sản.

Đồng Tháp tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân. (Ảnh: Mạnh Thường/VOV)

Trước những khó khăn của người dân, nhiều địa phương ở Đồng Tháp đã vào cuộc quyết liệt để giúp đỡ người dân tiêu thụ nông sản. Điển hình như Hội Phụ nữ xã Tân Long, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp giúp người dân kết nối và thu hoạch nông sản mỗi khi có đơn hàng gấp, nhà vườn không kịp kiếm nhân công.

Chị Phan Thị Thiểu, người dân xã Tân Long, huyện Thanh Bình được kết nối tiêu thụ nông sản vui mừng chia sẻ: “Gia đình có hai công cải mà hiện giờ không có đầu ra, thương lái mua ít, cải hỏng hết. Được hội hỗ trợ tìm đầu ra, nhờ mấy chị phụ nữ huyện, xã nên bây giờ có thương lái mua”.

Không chỉ kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, cách làm của Hội Phụ nữ huyện Thanh Bình đã góp phần giúp người dân nhanh chóng tiêu thụ nông sản một cách nhanh nhất có thể. Hội Phụ nữ sẽ đảm nhận luôn phần công việc chế biến, đóng gói trước khi giao hàng cho các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn.

Chị Lê Thị Mỹ Xuyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tiêu thụ nông sản rất khó khăn, do những thương lái hủy hợp đồng, thậm chí là khó khăn trong vấn đề vận chuyển. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phối hợp với phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân và đoàn thanh niên trong vấn đề mà kết nối hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ nông sản cho nông dân”.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 5.300 ha nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Dự kiến đến cuối năm, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.200 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Vùng nhãn lớn nhất của Đồng Tháp là huyện Châu Thành số lượng nhãn cần tiêu thụ lên tới hàng ngàn tấn, trong khi đang mỏi mắt tìm nhân công cũng như đầu ra.

Trước tình hình đó, Ban Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã thành lập các đội giúp người dân tiêu thụ nhãn, hỗ trợ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói và vận chuyển đến nơi tập kết.

“Chúng tôi đã thành lập hai đội, một đội là đi hướng dẫn giúp bà con trong chế biến, thu hoạch, sơ chế. Đội thứ hai nữa là đội để hỗ trợ cho những hộ gia đình gặp khó khăn, thí dụ những gia đình neo đơn hỗ trợ luôn phần thu hoạch, đóng gói vận chuyển cho hộ đó luôn. Trong việc làm như vậy thì về phía Hội quán cũng phải đảm bảo vấn đề về phòng chống dịch, thành viên thì cũng được test nhanh” – ông Nguyễn Thanh Bình, Ban chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, xã An Nhơn, huyện Châu Thành chia sẻ.

Kết nối tiêu thụ nông sản không để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. (Ảnh: Mạnh Thường/VOV)

Ông Nguyễn Văn Nguyện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội Nông dân các cấp đã kết nối và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những mặt hàng nông sản bước vào chính vụ như lúa, nhãn, khoai lang, nhãn và nhiều mặt hàng nông sản ở các địa phương. Đồng thời, hối hợp với các ngành, đoàn thể trong việc rà soát tình hình nông sản tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn để giới thiệu đến các nhà phân phối, thu mua nông sản như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

“Doanh nghiệp được kết nối đến các vùng sản xuất, ngoài các doanh nghiệp lớn thì có cả đầu mối thu mua lẻ, thậm chí những nơi giãn cách rồi những nơi cần tiêu thụ thì quảng bá để tiêu thụ nông sản cho nông dân” – ông Nguyễn Văn Nguyện nói.

Trước những khó khăn của người dân, Đồng Tháp đang tích cực phối hợp, kết nối với các tỉnh, thành để tiêu thụ nông sản cho người dân thông qua nhiều hình thức bán hàng qua các trang thương mại điện tử đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, hợp tác xã.

Từ thực tế cho thấy, dù địa phương đưa ra những giải pháp tiêu thụ nông cho người dân để không làm đứt chuỗi cung ứng, nhưng với điều kiện hiện nay thì việc tiêu thụ hết nông sản cho người dân trong thời điểm này thực sự khó khả thi.

Một phần nông sản trước đây vào vụ phụ thuộc chính vào thị trường trong nước, xuất khẩu và chế biến thì nay gần như bị đóng băng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các chợ đầu mối đóng cửa, chợ truyền thống cũng không nằm ngoài đã gây áp lực lớn đến giải quyết khâu tiêu thụ nông sản của người dân trong bối cảnh hiện nay./.

(Theo VOV)