Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ra mắt cuốn sách nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Nam Bộ kháng chiến

Tú San - 13:11 26/09/2023 GMT+7
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2023), Tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách và Câu lạc bộ cùng tên “Trái tim người lính miền Tây".

Tham dự sự kiện ý nghĩa này, có các nhân chứng lịch sử tiêu biểu, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các tướng lĩnh quân đội, công an và các cựu chiến binh nhiều thế hệ, là nhân vật của sách, cùng một số nhân chứng lịch sử đã và đang đồng hành với “Trái tim người lính miền Tây” như Trung tướng Lưu Phước Lượng - nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 9; Cựu Biệt động 67B, TS. Lê Hồng Liêm - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nhạc sĩ, TS. Trần Tấn Ngô - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Cựu Thanh niên xung phong Đặng Hồng -  Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP.HCM cùng một số tác giả và nhân vật tiêu biểu...

Các thành viên CLB "Trái tim người lính miền Tây" ra mắt tại chương trình - Ảnh TS

Chia sẻ tại chương trình, TS. Lê Hồng Liêm (Sáu Liêm) đã xúc động khi tường thuật lại nhiều thông tin lịch sử của tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam giai đoạn chống Mỹ, đó chính là tuyến đường 1C đi qua tỉnh Kiên Giang sau khi đường Hồ Chí Minh trên biển bị đánh phá ác liệt, tại đây đã có 399 anh hùng thuộc lực lượng Thanh niên xung phong đã nằm lại vĩnh viễn và hơn 400 các anh hùng khác cũng thuộc lực lượng này mang thương tích khi tổ chức tuyến đường máu này để chi viện cho miền Nam đấu tranh giành thắng lợi.

Một Cựu chiến binh đang xem nội dung tập sách “Trái tim người lính miền Tây” tại hội nghị - Ảnh TS

Miền Tây Nam Bộ là cách người Việt gọi dân dã vùng đồng bằng sông Cửu Long, những người lính sinh ra tại miền Tây đã sống chiến đấu tại vùng đất này, đều ít nhiều mang trong mình tính cách của người vùng sông nước. 

Theo Đại tá, Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng (Người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam) cho biết: Là một tổ chức có pháp nhân, nhưng phi lợi nhuận, với tôn chỉ mục đích “Kết nối và chia sẻ, Tôn vinh và tri ân”, những năm qua “Trái tim người lính” đã quy tụ được hơn 200.000 thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhiều hoạt động có nội dung nhân văn đã được thực hiện như tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách tư liệu vô giá “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Trung tâm Tư liệu Trái tim nguời lính”. Các hoạt động đó không chỉ kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía, để góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến tranh và hoà hợp dân tộc; mà "Trái tim người lính" còn hướng tới đối tượng là những người trẻ, nhưng đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu hòa bình trên khắp thế giới; góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và Ngoại giao nhân dân; lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội...

Các sự kiện tri ân của Tổ chức “Trái tim người lính” đều mang tính công khai, minh bạch và có sự chứng kiến của báo giới. Riêng trong năm 2023, có ba Câu lạc bộ chính thức ra mắt với 3 cuốn sách cùng tên: “Trái tim người lính miền Tây”, “Trái tim người lính Thủ đô” và “Trái tim người lính Vị Xuyên”.

Ông Nguyễn Công Trung (đứng bên trái) được bầu làm Chủ tịch CLB “Trái tim người lính miền Tây” - Ảnh TS

Chủ tịch CLB “Trái tim người lính miền Tây” Nguyễn Công Trung đã xúc động tâm sự: “Để có được cuộc sống trong hoà bình và hạnh phúc hôm nay, Việt Nam chúng ta đã phải trải qua nhiều những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đó là những trang sử hào hùng dân tộc ta, được viết bởi xương máu của không biết bao nhiêu thế hệ đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Không chỉ các anh hùng, liệt sĩ mặc áo lính mà nhiều người dân đã ngã xuống, để bảo vệ quê hương đất nước. Vùng đất miền Tây Nam Bộ đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt trong kháng chiến và công cuộc bảo vệ chủ quyền biên giới - biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Dịp này, Ban Tổ chức đã tiếp nhận kỷ vật thời chiến của liệt sĩ Trịnh Ngọc Khiết (sinh 1945, hy sinh 1973 tại miền Tây Nam Bộ) từ người thân của liệt sĩ gồm 42 lá thư, bì thư, 1 cuốn nhật ký, 1 ví nam, 2 di ảnh, 2 tem thư; đồng thời, tiếp nhận sổ tay nhật ký chiến trường mang tên “Bước đường cách mạng” viết trong giai đoạn 1968 – 1972 tại chiến trường miền Tây Nam Bộ của cựu chiến binh Phạm Đình Trưởng. Bên cạnh đó, BTC cũng đã trao tặng hai “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” (150 triệu đồng/tủ sách) đến Trường nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần (TP. Thủ Đức) và Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn) của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, ban tổ chức đã tiếp nhận nguồn lực ủng hộ để chăm lo cho các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh hoàn cảnh khó khăn, gồm: 2 nhà nghĩa tình đồng đội (50 triệu đồng/nhà), 1 công trình sửa chữa nhà nghĩa tình đồng đội, 2 xe lăn...