Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Rừng luồng giúp thay đổi đời sống ở huyện nghèo Quan Hoá

13:04 20/08/2021 GMT+7

Với những đặc điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, thuận lợi đầu ra lại cho thu hoạch dài từ 40-50 năm, những cánh rừng luồng đang đem lại cuộc sống mới cho người dân huyện Quan Hoá tỉnh Thanh Hoá.

Nâng cao giá trị từ rừng luồng thân thuộc

Từ Hà Nội để đến được huyện Quan Hoá có 2 đường chính là đi đường Hồ Chi Minh đến huyện Cẩm Thuỷ theo quốc lộ 15 qua huyện Bá Thước hoặc đi về tỉnh Hoà Bình qua huyện Mai Châu. Đi trên con đường nào khi tới địa phận huyện Quan Hoá, một điều mà chúng tôi cảm nhận thấy rõ là trên đường đi có rất nhiều những cánh rừng luồng, xanh mướt trải dài từ ngay ven đường đến khuất tầm mắt.

Cây luồng được trồng ở huyện Quan Hoá từ ven đường quốc lộ.

Ông Trần Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá phấn khởi cho biết: Những năm qua huyện Quan Hoá đã tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình để phát triển và phục tráng rừng luồng: Dự án 327, 147, 661, 147 và Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2020… Đến nay toàn huyện Quan Hoá có có trên 27.268ha rừng luồng, chiếm 34,32% tổng diện tích rừng luồng toàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó rừng luồng sản xuất chiếm tới 91,7%.

Không khó để tìm được những gia đình có “của ăn của để” từ cây luồng ở huyện Quan Hoá, chúng tôi tới nhà chị Lương Thị Nguyệt xã Phú Lệ, được chị cho biết: Cũng như những gia đình khác trong xã, cây luồng đã được gia đình trồng từ lâu để phát triển kinh tế. Nhưng do tập quán canh tác, chúng tôi trồng luồng rồi phó mặc cho tự nhiên, được cây nào hay cây đấy, vì vậy chất lượng cây khi thu hoạch không đồng đều, sản lượng không cao.

“Nhưng từ khi có chủ trương của huyện, của tỉnh trong việc phục tráng và phát triển rừng luồng, gia đình tôi và các hộ khác đều tích cực tham gia, được cán bộ của huyện đào tạo về kỹ thuật trồng, khoảng cách cây, cách chặt tỉa… đặc biệt là còn hỗ trợ phân NPK để bón cho cây luồng, đây là lần đầu tiên chúng tôi bón phân cho cây luồng. Hiệu quả rõ rệt ngay, cây thì luôn xanh tốt, giờ đây mỗi 1ha cho thu hoạch trên 10 tấn với giá bán hiện tại 1.000 đồng/kg cũng cho thu về trên 10.000.000 đồng. Gia đình tôi đã trồng được trên 7 ha mỗi năm cũng cho thu hoạch gần 100 triệu” chị Nguyệt phấn khởi cho biết thêm.

Những cánh rừng luồng xanh mướt đang góp phần thay đổi kinh tế cho hộ dân huyện miền núi Quan Hoá.

Ðể tạo điều kiện phát triển rừng luồng, huyện Quan Hóa còn chủ động đẩy xây dựng, nâng cấp được 15km đường lâm nghiệp tạo thuận lợi cho hoạt động thu mua, vận chuyển, giảm chi phí cho công tác bốc vác thủ công.

Hiện nay từ các khâu từ trồng, sản xuất đến chế biến luồng đều được huyện Quan Hoá quan tâm và chỉ đạo thường xuyên. Giờ đây mỗi năm huyện Quan Hoá khai thác 11 triệu cây luồng, 75% đã được chế biến tại địa phương với các sản phẩm chủ yếu là: đũa, tăm, bột giấy và vàng mã xuất khẩu.

Đầu ra thuận lợi

Giờ đây trên địa bàn huyện Quan Hóa có 24 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chế biến luồng. Các Hợp tác xã luôn chủ động nắm bắt thị trường tiêu thụ, đổi mới công nghệ, chính vì vậy mặc dù năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, nhưng các hợp tác xã đều đạt doanh thu bình quân 10 tỷ đồng/hợp tác xã, giải quyết việc làm cho hơn 2 nghìn lao động địa phương.

Nhằm phát triển rừng luồng một cách bền vững hơn nữa, huyện Quan Hoá cũng đã tích cực triển khai chương trình trồng rừng luồng theo tiêu chuẩn FSC tại các xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn và Phú Lệ.

Ông Lê Kim Du – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quan Hoá cho biết: Tích cực triển khai chương trình trồng luồng theo tiêu chuẩn FSC, Hạt kiểm lâm huyện Quan Hoá đã phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm mở lớp tập huấn kỹ cho bà con. Đến nay huyện Quan Hoá đã có trên 2.300ha rừng luồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, những diện tích rừng luồng FSC đều được Công ty cam kết thu mua với giá cao hơn từ 10-15%.

Hạt kiểm lâm huyện Quan Hoá đang hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng luồng.

Trong thời gian tới, huyện Quan Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên cho phát triển rừng luồng với việc tập trung thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách của tỉnh Thanh Hoá cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có việc phục tráng rừng luồng; tập trung bảo vệ, khai thác rừng luồng bền vững và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; tiếp tục mở rộng diện tích cấp chứng chỉ rừng luồng FSC cho nhóm hộ trồng luồng.

Kỹ thuật tạo giống luồng từ hom chiết cành

Có nhiều cách để trồng luồng bằng các loại giống như: hom gốc, hom thân, hom cành chiết. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trồng rừng với quy mô lớn, dễ làm và thuận tiện trong vận chuyển, nhiều hộ dân trồng luồng đã sử dụng phương pháp trồng từ hom cành chiết.

Cách tạo giống từ hom cành chiết: Cây mẹ lấy cành là những cây luồng sinh trưởng tốt không bị sâu, bệnh, tuổi cây mẹ từ 8-12 tháng.

– Chọn cành chiết: Có đường kính phần sát đùi gà ≥ 1cm, thân cành có màu xanh thẫm, bẹ mo phía trên đùi gà đã rụng nhưng còn vết hơi trắng. Chọn cành có đùi gà to, mắt cua không bị sâu thối, có nhiều rễ khí sinh.

– Thời vụ chiết cành: Vụ Xuân từ tháng 1-3 và vụ Thu từ tháng 7 đến tháng 9. Không nên chiết cành khi trời lạnh (nhiệt độ dưới 200C) hoặc trời quá nóng (nhiệt độ trên 350C).

– Kỹ thuật chiết:

+ Phát bớt ngọn cành, để lại khoảng 3 dóng (30-40cm). Chỉ sử dụng 1/3 số lượng cành hiện có trên cây mẹ để chiết, thường dùng những cành tập trung phía dưới gốc. Dùng dao sắc tách cành chiết, chừa lại 1/5 diện tích mấu cành sao cho không dập các chồi ngủ (mắt cua) ở đùi gà.

+ Bó bầu: Cành chiết được bó ở gốc cành bằng hỗn hợp bùn ao với rơm băm nhỏ (2 bùn ao + 1 rơm), trọng lượng bầu khoảng 200-250g. Bọc kín bầu bằng nilon rộng 20-25cm, dài 25-30cm, buộc chặt 2 đầu để giữ ẩm. Sau 15-25 ngày cành chiết ra rễ, chọn những cành chiết có rễ màu vàng nhạt cắt về ươm tại vườn.

– Ươm các cành chiết trong vườn ươm:

+ Vườn ươm phải bằng phẳng, đất thịt hoặc đất thịt nhẹ, gần nguồn nước sạch, tiện đường vận chuyển. Luống ươm rộng 1.0-1,2m, bón lót 1-3 kg phân chuồng hoai/m2.

+ Cành chiết sau khi được cắt về tiến hành vệ sinh cành nhánh thứ cấp, bóc bỏ vỏ bầu. Cành được giâm theo rạch cự lý 25x40cm hoặc 25×30 cm.

+ Chèn chặt gốc cành giâm, sau đó lấp đất vào rạch cho bằng mặt luống. Làm giàn che cao 1,8-2,0m so với mặt luống. Thường xuyên tưới nước, làm cỏ, bón thúc bằng phân chuồng hoai hoặc NPK chuyên luồng, hòa 100-200g/5 lít nước và tưới cho 1m2.

+ Giảm dần lượng nước tưới để cho cây con thích nghi với điều kiện sống khi trồng: 10 ngày đầu tiên tưới đều 1 ngày/1 lần, 5 lít/m2. Sau 10 ngày thì cứ 4-5 ngày tưới 1 lần, trên một tháng 10-20 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới 10 lít/m2.

+ Sau 8-12 tháng, khi cây giống có măng thế hệ 2 tỏa lá xanh tốt, không bị sâu bệnh thì có thể xuất vườn.

+ Lựa chọn những cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, dùng xà beng bứng đào gốc (lưu ý không làm dập gốc và mắt cua). Phát bỏ bớt cành ngọn, để lại chiều cao khoảng 60cm. Dùng hỗn hợp bùn ao và rơm quấn quanh gốc và bao bọc bộ rễ đảm bảo cây giống có tỉ lệ sống cao và vận chuyển không bị khô.

Hoàng Tính