Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Rượu bia có phải là nguyên nhân đánh nhau?

21:47 24/02/2018 GMT+7

 2.800 ca cấp cứu; 1.500 ca phải điều trị nội trú, trong đó có 8 người tử vong, nguyên nhân là do đánh nhau. Những con số mà Bộ Y tế ghi nhận được từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết này khiến cho chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao người Việt lại thích “choảng” nhau như vậy?

Không chỉ có Tết Mậu Tuất này, người Việt mới lao vào đánh nhau. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số người vào viện vì đánh nhau trong dịp Tết những năm gần đây luôn ở mức cao. Năm ngoái, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, chỉ trong 3 ngày tết, các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận trên 2.200 người vào viện do đánh nhau, còn Tết Nguyên đán năm 2016, chỉ trong mấy ngày nghỉ lễ, đã có hơn 6.000 người phải nhập viện vì lý do này.

Nhiều người đổ lỗi nguyên nhân do ngày Tết người Việt thường uống nhiều rượu bia dẫn đến thiếu kiềm chế. Nhưng hơi men chỉ là bề nổi của những cú đụng tay đụng chân.

Dù lượng bia tiêu thụ liên tục tăng nhưng Việt Nam vẫn chưa nằm trong 20 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Theo số liệu được kênh CNBC công bố vào tháng 9 năm ngoái, trong khi trung bình mỗi người Việt uống 42 lít mỗi năm thì người dân Cộng hòa Czech uống gần 157 lít/người/năm. Kế tiếp là Ireland,với con số hơn 130 lít/người/năm, người Áo đứng thứ 5 khi uống 108 lít/năm. Và đây lại là những quốc gia phương Tây nổi tiếng về sự bình yên.

Thực tế ở Việt Nam, người ta lao vào choảng nhau không chỉ sau cuộc nhậu. Những vụ ẩu đả, đoạt mạng xảy ra đôi khi chỉ từ những nguyên nhân đơn giản như va quẹt xe, bị ép uống… thậm chí nghe thật vô lý như: “nhìn đểu”, “trông ngứa mắt”…

Vì vậy, đánh thuế cao vào các sản phẩm có cồn hay gộp Tết ta vào Tết tây như nhiều người đề xuất, tôi nghĩ đó không phải là biện pháp căn cơ để hạn chế tình trạng này.

Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học cho rằng sâu xa bên trong mỗi con người luôn có mầm mống của bạo lực, chúng sẽ bùng nổ nếu không có sự chế ngự của quy phạm đạo đức và luật lệ thể chế.

Rượu bia hay sự nhàn rỗi có thể là môi trường thuận lợi để cái ác sinh sôi, bộc lộ. Nhưng để kiềm tỏa phần “con” trong mỗi người này, không thể chỉ đơn thuần dùng cách làm cơ học: tăng giá bán thức uống có cồn để hạn chế người dân uống rượu bia.

Chuyện ẩu đả ngày Tết sau một hồi chén chú chén anh; hay đánh nhau vì những lý do ngớ ngẩn vào ngày thường xét cho cùng, nguyên nhân vẫn xuất phát từ sự thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật. Tinh thần ấy không phải bản năng, sinh ra đã có và hẳn nhiên cũng không phải bỗng dưng bị phớt lờ. Tinh thần ấy được hình thành và duy trì không chỉ dựa vào sự giáo dục của nhà trường mà còn được hun đúc từ hình ảnh gia đình và hình ảnh xã hội.

Trong một gia đình mà bố mẹ mắng chửi, đánh nhau, thật khó để một đứa trẻ không có suy nghĩ lệch lạc về sự tôn trọng danh dự và cơ thể người khác. Trong một xã hội mà người lớn có thể vô tư vượt đèn đỏ nếu không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông; tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp được giảm nhẹ cho không ít trường hợp, thật khó để các thanh thiếu niên nhìn vào đó và cho rằng thượng tôn pháp luật là điều cần thiết.

Để những cái Tết sau không còn phải chứng kiến những con số bạo lực này, bên cạnh làm tốt công tác giáo dục cho trẻ em, thanh thiếu niên, tôi nghĩ, cần cả một cộng đồng thay đổi cách ứng xử với quy phạm pháp luật. Đó sẽ một hành trình dài nhưng không phải là bất khả, và cần làm ngay từ bây giờ.

Trần Tiến