Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị và đặc trưng vùng, miền

Ái Vân - 08:27 30/04/2022 GMT+7
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP thời gian qua đã được triển khai rộng khắp trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của trên 4.000 chủ thể OCOP, trong đó hợp tác xã chiếm hơn 38%, doanh nghiệp gần 26%; cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hơn 33%, còn lại là tổ hợp tác.

Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng

Vùng ĐBSCL đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP với hơn 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Theo định hướng đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và có khoảng 400 -500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch các địa phương đã dựa trên lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm OCOP, điển hình như Đồng Tháp, Kiên Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang...

Các diễn đàn về sản phẩm OCOP thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia. Ảnh: ĐVCC 

Việc phát triển sản phẩm OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp… Góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế. Thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng thiếu đồng bộ.

Theo các chuyên gia định hướng trong thời gian tới, phải phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Trong đó, dịch vụ du lịch cộng đồng, trải nghiệm cần tập trung phát triển và tạo ra nhiều điểm cho du khách tham quan, mua sắm những đặc sản vùng miền ngon và chất lượng để cho, tặng người thân, bạn bè sau mỗi chuyến đi… Ngoài ra, du lịch cộng đồng, trãi nghiệm còn giúp chúng ta giữ gìn phát huy được bản sắc dân tộc, bản sắc đặc trưng vùng miền mà không nơi nào có được.

Chủ thể OCOP còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ

Đến nay, riêng tỉnh Đồng Tháp có 265 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên của 94 chủ thể. Trong đó, tiêu biểu tỉnh có 4 sản phẩm xét công nhận 5 sao và đã được cấp công nhận tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm OCOP ngày càng chất lượng, đặc thù, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, sang trọng ngày càng tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã tác động mạnh mẽ đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh danh của người dân và các chủ thể OCOP trong việc tiêu thụ sản phẩm.Trong bối cảnh đó, bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống thì các kênh thương mại điện tử: Voso, Post mart, Lazada, Tiki, Shopee… đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng và hiệu quả.

Qua đó, việc phát triển hình thức thương mại điện tử ở nhiều địa phương là rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều chủ thể OCOP còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số nơi còn lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kênh thương mại điện tử cho sản phẩm của mình.

Hội thảo giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Ảnh: ĐVCC

Tại phiên thảo luận, đóng góp ý kiến về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các địa phương từ đó đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân,  doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, đa phần người sản xuất không bán được hàng hoá như mong muốn do không có kỹ năng bán hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP cần có một đội ngũ chuyên bán hàng cho người sản xuất, sản phẩm OCOP. Cần có chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn cho sản phẩm OCOP. Về phía doanh nghiệp, muốn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về quy mô, thị trường…

Ông Hoàng Vũ Quang, Phó viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai trên cả nước từ năm 2018. Đến nay, cả nước đã có hơn 7.436 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên, với sự tham gia của hơn 4.061 chủ thể. Trong đó, tiêu biểu có 20 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao OCOP Quốc gia, các sản phẩm đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng, hệ thống phân phối… Thời gian tới, cần tập trung phát huy nhiều hơn nữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp nước ta, để các sản phẩm OCOP ngày càng đi lên theo chiều hướng tốt và hội nhập.

 

TỪ KHÓA #OCOP