Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sản xuất chè theo hướng hữu cơ cho hiệu quả cao ở Thái Nguyên

16:15 21/08/2021 GMT+7

Với mong muốn sản xuất chè theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả cao về nhiều mặt so với phương thức truyền thống, chị Phạm Thùy An (xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã tham gia mô hình sản xuất chè an toàn. Đến nay, gia đình chị có 3ha chè, trong đó diện tích chè trung du là 1,5ha, được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vùng chè đặc sản Tân Cương Thái Nguyên.

Từ năm 2018, gia đình chị tham gia mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Sau đó, chị chuyển sang canh tác theo mô hình chè an toàn theo hướng hữu cơ. Năm 2020, chị còn tham gia mô hình Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (hợp tác xã, tổ hợp tác…) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai và một số chương trình, dự án khác của các cơ quan đơn vị trong địa bàn tỉnh, thành phố.

Chị An cho biết, trước đây khi gia đình chị chưa làm chè an toàn theo hướng hữu cơ, gia đình chị cũng như các hộ dân khác trong vùng chè vẫn sử dụng các loại phân bón hóa học, phân bón vô cơ như đạm, lân, kali, kích thích tăng trưởng…và thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường đất và nguồn nước.

Khi gia đình chị quyết định chuyển sang làm chè an toàn theo hướng hữu cơ, chị và các hộ dân trong xóm, xã, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành trong tỉnh, thành phố quan tâm đưa các lớp tập huấn, hội nghị hội thảo để tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả không làm ảnh hưởng đến chất lượng chè và môi trường, sản phẩm chè được tiêu thụ có uy tín chất lượng tốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi được tham gia các lớp đào tạo tập huấn, chị đã mạnh dạn thay đổi cách làm chè và vận động mọi người trong xóm cùng làm theo.

Gia đình chị lựa chọn những loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, mua phân trâu bò, phân lợn ở các trang trại về tự ủ hoai mục để bón tạo cho đất có độ tơi xốp và có thêm nhiều dinh dưỡng, gia đình chị còn mua cả đỗ tương ủ để bón cho cây chè. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc để phun.

Chăm sóc chế biến chè theo hướng hữu cơ tại Thái Nguyên. (Ảnh: minh họa)

Quá trình làm thực tế 3 năm, gia đình chị sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ và thay thế dần dần thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học và thảo mộc. Sản phẩm chè có chất lượng tốt hơn, được các cơ quan, sở, ban ngành của tỉnh, thành phố đánh giá cao. Đặc biệt qua những lần lấy mẫu đất, chè đem phân tích của Trung tâm quản lý chất lượng nông lâm thủy sản không có sản phẩm nào còn tồn dư thuốc BVTV hay thành phần kim loại nặng trong sản phẩm chè.

Sản phẩm chè của gia đình chị được phân loại rõ ràng, tiêu thụ khoảng 6 tấn chè/năm, chủ yếu tại các tỉnh như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, Sóc Trăng đến 98%, còn 2% qua đường tiểu ngạch. Giá bán bình quân từ 350.000đ – 2.200.000đ/kg.

Năm 2020, sản phẩm chè của gia đình chị được dự thi sản phẩm OCOP, kết quả có 1 sản phẩm Trà Đinh Tân Cương thượng hạng đạt giải 5 sao của tỉnh và 2 sản phẩm đạt giải 4 sao là chè Trung du Tân Cương thượng hạng và Thiên cổ Đệ nhất trà.

Qua tìm hiểu phương thức canh tác của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel…thì từ cách làm trà hữu cơ của người Đài Loan, Nhật Bản họ dùng sữa, trứng gà phun lên cây chè. Từ đó chị đã đưa ý tưởng phun trứng gà với mật ong trên cây chè Thái Nguyên rất thành công, chất lượng chè được nâng lên, nguồn đất được cải thiện không bị ô nhiễm, giảm chi phí do không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV hóa học mà cây chè vẫn sinh trưởng phát triển khỏe, mật độ búp đều dầy.

Trong thời gian tới, gia đình chị tiếp tục duy trì quá trình chăm sóc chế biến chè theo hướng hữu cơ và phấn đấu chứng nhận chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Từ đó vận động bà con xung quanh cùng tham gia để mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập cho người làm chè. Ngoài ra, gia đình chị cũng như các hộ dân trồng chè rất mong sự giúp đỡ của các cấp các ngành về kỹ thuật và cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc thiết bị, chứng nhận hữu cơ… để đảm bảo chất lượng chèngày càng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè an toàn, tạo môi trường sản xuất bền vững, cải thiện môi trường sinh thái./

(Theo mard.gov.vn)