Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sức sống mới trên quê hương quan họ Bắc Ninh

Việt Tùng - 14:00 13/12/2023 GMT+7
(Tapchinoingthonmoi.vn) - Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được rất nhiều thành tích đáng biểu dương. Bắc Ninh nằm trong danh sách 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 9 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao… bộ mặt NTM ở Bắc Ninh đang thay da, đổi thịt, tràn đầy sức sống…

Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Trần Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh xung quanh thành quả xây dựng Nông thôn mới của tỉnh này.

100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

-Thưa ông, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Ninh, đã có bao nhiêu xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu?

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thực hiện MTQG xây dựng nông thôn mới luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, nên đến nay, Chương trình MTQG xây dựng NTM của Bắc Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Bắc Ninh nằm trong danh sách 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 9 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, tất cả các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm các gian hàng tại Hội chợ triển lãm Thương mại và Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022.

-Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.  Ông có thể chia sẻ với độc giả Tạp chí NTM về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực hiện Chương trình này?

Trong quá trình tỉnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có một số thuận lợi và cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Trước tiên, về thuận lợi, với kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM (giai đoạn 2010- 2020), cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương đã chủ động hơn trong triển khai Chương trình ngay từ những năm đầu giai đoạn 2021-2025.

 Mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM tiếp tục được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Theo số liệu tổng hợp cho thấy, phần lớn ngân sách địa phương các cấp (huyện, xã) đầu tư trên địa bàn nông thôn đều ưu tiên tập trung hỗ trợ để hoàn thành các tiêu chí NTM. Phong trào “Bắc Ninh chung sức xây dựng NTM” tiếp tục tạo được sự lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia.

Công tác phối hợp triển khai giữa sở, ban ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp  ngày càng được nâng cao, góp phần triển khai hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của trung ương, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện Chương trình ở địa phương. Nhờ đó, kết quả thực hiện Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm mắm tép chưng thịt của Công ty Tập đoàn PTK Bắc Ninh.

Về những khó khăn, thách thức, trước hết là khhung pháp lý và hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chưa được hoàn thiện, chậm được ban hành. Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; làng nghề chưa phát triển mạnh, năng lực hoạt động của Hợp tác xã còn một số hạn chế nhất định, chưa mạnh dạn mở rộng phát triển và thực hiện liên kết chuỗi giá trị… Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn.

Một số khó khăn khác là xu hướng người lao động rời bỏ nông nghiệp, nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp, đô thị ngày càng nhiều, gây thiếu lao động nông nghiệp, nông thôn. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn của một số xã còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân và một số cán bộ, đảng viên về xây dựng NTM chưa đầy đủ; nhiều nơi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vì cho rằng đây là chương trình do Nhà nước đầu tư; một số xã chưa thật sự coi trọng việc phát triển sản xuất, việc nhân rộng các mô hình điển hình còn chậm.

Bánh khoai, một sản phẩm OCOP được đánh giá cao tại Hội trợ triểm lãm Thương mại và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022.

Trước những khó khăn, thách thức trên, tỉnh Bắc Ninh đã những giải pháp cũng như kinh nghiệm gì để khắc phục và có được kết quả như ngày hôm nay, thưa ông?

Trước những khó khăn, thách thức ấy, ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với gắn với quá trình đô thị hóa, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống… Để trển khai thực hiện Chương trình, tỉnh đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối NTM các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình, ban hành Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2022-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các phong trào thi đua, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025…

Các cấp, các ngành, các đơn vị của Bắc Ninh đã tích cực tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng về Chương trình xây dựng NTM, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, cân đối nguồn vốn để từng bước đầu tư các công trình hạ tầng trọng tâm như giao thông nông thôn, y tế, giáo dục… và huy động các nguồn lực xã hội vào xây dựng nông thôn mới.

Kẹo chè lam - một đặc sản của quê hương Quan họ Bắc Ninh được nhiều du khách ưu thích.

Song song với việc xây dựng NTM, Bắc Ninh còn triển khai một loạt biện pháp khác để hỗ trợ và rút ngắn quá trình xây dựng NTM như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường quanh khu vực và khu công nghiệp; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao, từ đó huy động được mọi tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay xây dựng NTM.

Từ thực tiễn thưc hiện Chương trình NTM trong những năm qua, Bắc Ninh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành cần được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM và phát triển kinh tế nông thôn được chú trọng đã huy động được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.

Thứ hai, vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đạt kết quả xây dựng NTM ở địa phương. Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành.

Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của người dân, tính gương mẫu, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên quyết định đến sự thành công của xây dựng NTM ở địa phương.

Thứ tư, tiếp cận Chương trình MTQG xây dựng NTM phải từ cơ sở, từ nhu cầu thiết thực của người dân và sự phát triển của địa phương. Thường xuyên bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉ đạo, điều hành.

Mắm tép chưng thịt PTK là sản phẩm 4 sao đã được xuất khẩu ra thịt trường châu Âu.

- Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 của Bắc Ninh đã được tỉnh đề ra như thế nào, thưa ông?

Quán triệt quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Bắc Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025 là: Phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Bắc Ninh có 02 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); công nhận 50 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong đó, tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững; trong đó trọng tâm là tập trung khai thác các thế mạnh về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp nghỉ dưỡng, đẩy mạnh chức năng môi trường, tập trung vào du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa và cảnh quan truyền thống… Đồng thời chuyển giao một số chức năng của đô thị cho nông thôn để chủ động đô thị hóa nông thôn hài hòa.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tỉnh Bắc Ninh.

 Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mới đây đã đề nghị các ngành, địa phương tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến, chia sẻ những mô hình phù hợp, trao đổi những gì còn trăn trở, băn khoăn để Chương trình xây dựng NTM thật sự thiết thực, có ý nghĩa. Tỉnh Bắc Ninh đã có những sáng kiến nào đã được áp dụng thiết thực, hiệu quả?

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình NTM,ỉnh Bắc Ninh đã đề ra một số giải pháp sau:

Trước hết, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ hai là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.

Hội chợ triển lãm Thương mại và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2022 là một sự kiện ý nghĩa giúp người dân quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình ra thị trường.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Thứ tư, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành và với địa phương trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình.

Thứ năm, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

Sản phẩm tỏi đen một nhánh Gia Bình là một trong những sản phẩm được đánh gia cao tại Hội trợ triển lãm Thương mại tỉnh Bắc Ninh năm 2022.

- Thưa ông, Bắc Ninh có những đề xuất, kiến nghị như thế nào để Chương trình Nông thôn mới ngày một hoàn thiện hơn, thực đi vào đời sống của người dân?

Để chương trình ngày một hoàn thiện hơn, thực chất, đi vào đời sống của người dân, giai đoạn 2023-2025 cần tập trung chỉ đạo xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới từng thôn, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xây dựng NTM cấp thôn. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối chặt chẽ nông thôn, thành thị, bảo đảm đồng bộ và hiện đại; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn với trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

- Xin cảm ơn ông!

Việt Tùng (thực hiện)

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương”

Thủ tướng dự lễ khởi công 3 tuyến đường có ý nghĩa lớn với Bắc Ninh và Hà Nội
Sáng 30/7, tại tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh 295C, 285B kết nối TP. Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với Quốc lộ 3 mới, đường tỉnh 277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4.