Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tan hoang do bị lũ quét “xóa sổ”, bản Lùng nay đã đạt chuẩn nông thôn mới

16:12 08/11/2021 GMT+7
Từng bị "xóa sổ" sau trận lũ quét lịch sử xảy ra vào tháng 7/2018, quyết tâm vươn lên của người dân cùng sự giúp đỡ của của chính quyền các cấp, đến nay, thôn bản Lùng, xã vùng cao Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã hồi sinh mạnh mẽ.

Đã 3 năm trôi qua, nhưng nhiều người dân ở thôn bản Lùng và nhiều thôn khác như Làng Than, Làng Dẹt... xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn chưa quên trận lũ kinh hoàng xảy ra vào đêm về sáng 20/7/2018. Đêm ấy, khi bà con đang chìm trong giấc ngủ thì đất trời như rung chuyển trong mưa lớn sầm sập; dòng lũ dữ xuất hiện trong phút chốc đã cuốn phăng mọi thứ trên đường nó đi. Những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Dao, Tày đẹp đẽ, vững chãi là thế, sau lũ, người ta chỉ có thể nhận ra qua những chiếc chân cột còn sót lại. 

Hôm nay, bản Lùng đã khoác lên mình một diện mạo mới tươi đẹp.

Anh La Tiến Sâm, một hộ dân ở bản cho biết, toàn bộ tài sản, nhà cửa trị giá cả nửa tỷ đồng của gia đình đã bị nước lũ cuốn trôi hết. Nhờ nhanh trí, nên mấy bố con anh may mắn sống sót: "Hôm đấy tôi không biết làm kiểu gì nữa, hai đứa con tôi trèo lên nóc nhà, tôi cũng trèo lên. Trên mái nhìn xuống thấy chăn màn cứ bị trôi dần, trôi dần đi; một lúc sau thấy nhà cũng ngả, tôi bảo thế này chết mất thôi các con ạ… Sau đó nhanh chân trèo lên cột điện, ở trên cột đến 5 giờ sáng 3 bố con mới trèo xuống đi dần lên đồi, thấy mọi người trên đấy hết, may là không mất người".

Thôn bản Lùng có 58 hộ, trận lũ quét hôm ấy đã làm nhà ở của 16 hộ bị sập trôi hoàn toàn, nhà của 7 hộ khác hư hỏng nặng. Những hộ còn lại phải di dời khẩn cấp do sạt lở. Mất nhà cửa, tài sản, nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay...

Ông Ngô Văn Minh – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bản Lùng cho biết: 3 tháng sau, một khu tái định cư mới được tỉnh Yên Bái cho xây dựng cách nơi ở cũ khoảng 1km. Với sự hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức, nhà hảo tâm, người dân ở Bản Lùng đã nương tựa vào nhau để vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Ông Ngô Văn Minh nói: "Sau trận lũ đi qua, bà con trong bản đã đoàn kết, giúp đỡ nhau về chỗ ăn, chỗ ở, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Bản thân tôi là Bí thư Chi bộ, tôi đã hỗ trợ 5 thửa đất cho 5 hộ gia đình mất nhà cửa về làm nhà ở".

Cánh đồng bản Lùng hôm nay.

Còn người là còn của, quyết tâm đó của người dân, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, bà con trong thôn đã chủ động thu dọn, san gạt đất đá, làm lại từng thửa ruộng, mảnh nương để có đất gieo trồng, canh tác. Những diện tích ruộng không thể khôi phục được, bà con chuyển đổi sang trồng ngô, trồng lạc, đến nay đã cho nhiều vụ bội thu.

Bà Ngô Thị Mến - một hộ dân trong thôn chia sẻ: "Cả làng người mất nhà, người mất của, chỉ giữ được mạng thôi. Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ chuyển lên đây, bây giờ kinh tế ai cũng đã ổn định, ai ai cũng phấn khởi, hạnh phúc, vui mừng".

Theo ông Lương Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, sau lũ, thôn bản Lùng đã được nhà nước đầu tư hơn 13 tỷ đồng để tái thiết như làm nhà ở, đường bê tông, nước sạch... Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng nỗ lực của người dân đã khiến mảnh đất này hồi sinh mạnh mẽ.

Đến nay, 100% hộ dân trong thôn đã có nhà ở kiên cố; bản cũng đã khôi phục và khai hoang hơn 40 héc ta đất canh tác lúa 2 vụ, mỗi vụ đạt năng suất trên 20 tấn thóc. Cùng với đó là hàng chục héc ta ngô, quế được trồng mới... 

"Tranh thủ được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; sự đồng thuận cao của bà con nhân dân; sự sát sao của huyện, xã trong việc từng bức khắc phục các hạng mục, đến thời điểm hiện tại bản đã hồi sinh mạnh mẽ, khó tưởng tượng được sự tàn phá của hoàn lưu cơn bão số 3 năm đó"- Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng nói.

Những con đường bê tông sạch, đẹp.

Thôn bản Lùng hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, tươi sáng, tràn đầy niềm tin vào tương lai bền vững, khi không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10%. Thôn phấn đấu đến hết năm nay giảm thêm hơn 3% hộ nghèo nữa và nâng mức thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm. Hiện tại thôn bản Lùng đã có trên 10 mô hình phát triển trâu bò và một số mô hình như nuôi gà dưới tán quế, nuôi cá, phát triển buôn bán hàng tạp hóa...

Vui hơn cả, từ một vùng đất tan hoang do bị lũ quét “xóa sổ”, sau hơn 3 năm bà con các dân tộc Tày-Mông-Dao trong bản đoàn kết, nỗ lực vươn lên, trong tháng 11 này, bản Lùng sẽ trở thành thôn thứ hai của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên được công bố đạt chuẩn nông thôn mới./.
 

Theo VOV

Công bố thành phố Tuyên Quang hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ.