Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tạo chuỗi liên kết để ổn định sản xuất

Trung Kiên - 07:02 15/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã có nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo chuỗi liên kết để ổn định sản xuất… cho hội viên nông dân. Chính vì vậy, trên địa bàn huyện Yên Sơn ngày càng có nhiều mô hình hay, đặc sắc trong phát triển kinh tế.
Các cấp Hội Nông dân huyện Yên Sơn luôn chủ động bám sát tình hình sản xuất nông nghiệp để kịp thơi tư vấn hỗ trợ bà con nông dân.

Phát triển mô hình kinh tế hộ

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, những năm qua Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên làm giàu chính đáng.

Để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, Trung tâm học tập cộng đồng các xã để: Tập huấn cho hội viên nông dân những kỹ thuật cơ bản về sản xuất nông nghiệp, tham quan những mô hình làm ăn hiệu quả… để làm điểm nhân rộng.

Trước đây, gia đình chỉ trồng cây lúa, cây ngô nhưng từ năm 2015 được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Hội Nông dân huyện Yên Sơn, mà ông Tạ Văn Quang ở xã Tứ Quân đã có sự thay đổi từ cách nghĩ, cách làm. Ông đã mạnh dạn trồng hơn 150 cây bưởi Diễn trên đất đồi của gia đình; đất không phụ công người dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc đến nay mỗi năm vườn bưởi đã giúp ông Quang thu lãi gần 100 triệu đồng.

Ông Quang chia sẻ, từ những ngày đầu, sự hỗ trợ của cán bộ Hội Nông dân đã giúp gia đình tôi lựa chọn đúng loại cây trồng và nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh... Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn tổ chức các hoạt động như: Tham gia hội chợ, hỗ trợ bán nông sản… cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để gia đình tôi và các hộ sản xuất khác trên địa bàn mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ vườn bưởi mà gia đình ông có cuộc sống khá giả.

Cũng giống như ông Quang, trở về từ những lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân huyện Yên Sơn tổ chức, ông Vũ Ngọc Đình ở xã Vũ Ninh đã tự tin áp dụng vào vườn cây ăn quả của gia đình. Với những kỹ thuật tiên tiến: Thụ phấn hoa bổ sung cho cây na, cây bưởi; bón phân hữu cơ, không phun thuốc trừ cỏ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tưới nước theo chu kỳ… Bởi vậy, chất lượng quả na, quả bưởi của gia đình ông luôn đạt chất lượng cao. Cứ đến mùa thu hoạch là thương lái ở các nơi luôn đến tận nhà ông đặt mua, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. 

Để phát triển cây ăn quả bền vững, năm 2020, nhận được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, ông Đình đã tích cực vận động 11 hộ trong thôn thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Với vai trò là tổ trưởng, ông Đình luôn tích cực hướng dẫn, định hướng cho thành viên áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả nhằm nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm đem lại thu nhập cao hơn nữa cho thành viên.

Ông Đình cho hay, việc thành lập được tổ hội nghề nghiệp cây ăn quả là cơ hội rất tốt để các hội viên mạnh dạn phát triển hơn nữa trong việc chuyển đổi sản xuất từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Bệnh cạnh đó, đây còn là cơ hội rất tốt để chúng tôi đưa được nông sản đi xa, bởi chỉ có sản lượng lớn thì mới có cơ hội đưa hàng đi các địa phương khác để giới thiệu cũng như tiêu thụ.

Trên địa bàn huyện Yên Sơn đã có rất nhiều mô hình hay trong phát triển kinh tế.

Gắn kết tạo chuỗi liên kết sản xuất 

Được biết gia đình ông Quang, ông Đình chỉ là hai trong số hàng nghìn lượt hộ nông dân thời gian qua đã được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Yên Sơn hỗ trợ phát triển sản xuất như: Định hướng, tư vấn cho hội viên, nông dân loại cây trồng phù hợp; tín chấp hỗ trợ cho vay các nguồn vốn; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… 

Chỉ tính riêng trong năm 2021, Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho gần 7.600 lượt hội viên, tổ chức 15 lớp dạy nghề cho 525 học viên, hỗ trợ hội viên mua máy nông nghiệp tổng trị giá trên 300 triệu đồng… Qua đó trên địa bàn đã có 15.000 hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có 7.704 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 50% số hộ đăng ký.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Yên Sơn còn nỗ lực giúp đỡ hội viên về nguồn vốn, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 3.551 hộ vay với dư nợ trên 142 tỷ và Ngân hàng NN&PTNT huyện Yên Sơn cho 5.120 hội viên vay vốn phát triển kinh tế với dư nợ trên 376 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, thành công lớn nhất của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Yên Sơn thời gian qua là thông qua các hoạt động cụ thể đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống cho nông dân. Từ đó nhiều hội viên nông dân với tư duy dám nghĩ dám làm đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Trần Hữu Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn cho biết thêm: Việc phát triển kinh tế hộ gia đình, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Yên Sơn, đến nay trên địa bàn đã hình thành được 4 vùng sản xuất nông nghiệp, với các cây, con chủ lực gồm: Cây ăn quả, gỗ rừng trồng, chè, chăn nuôi gia súc.

Ngoài ra, Yên Sơn đã xây dựng 10 chuỗi  liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; trên 17.700ha gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, cao nhất tỉnh Tuyên Quang; đã có 15 sản phẩm nông nghiệp của huyện được gắn sao OCOP.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Yên Sơn sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp Hội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản, từng bước đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử. 

“Hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn ưu đãi, vay tín chấp để đáp ứng nhu cầu vốn của hội viên nông dân; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sau giải ngân... Trên cơ sở đó sẽ tạo động lực để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của hội viên nông dân”.
Ông Trần Hữu Hùng – Chủ tịch Hội ND huyện Yên Sơn.