Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thanh Hóa: Đặc sắc Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2024

Nam Tùng Sơn - 07:52 25/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 23/4, tại Khu Di tích Quốc gia núi và đền Đồng Cổ, làng Đan Nê, xã Yên Thọ (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã khai mạc Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2024. Đây là một sự kiện văn hóa thể hiện sự tôn kính của người dân xứ Thanh với Thần Đồng Cổ hiển linh đã giúp nhiều đời vua và nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm… Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự, tham quan.

Lễ hội đền Đồng Cổ diễn ra vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công lao của thần Đồng Cổ - một vị thần có từ thời Hùng Vương. Tương truyền, khi vua Hùng đem quân dẹp giặc phương Nam, đại quân theo đường núi tiến đến chân núi Khả Lao và nghỉ lại đây. Đêm đến, vua mơ gặp thần núi đã xin giúp trống đồng, dùi đồng cùng nhà Vua dẹp giặc…

Lễ dâng hương tại Lễ hội Đền Đồng Cổ năm 2024.

Khi xung trận âm vang tiếng trống, tiếng kiếm làm quân giặc khiếp sợ bỏ chạy. Quân ta thắng trận trở về, vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn và phong thần núi Khả Lao là “Đồng cổ đại vương”, lập đền thờ, đúc trống đồng, ngựa đồng rước vào đền thờ phụng. Năm 2001, đền Đồng Cổ được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Người dân dâng lễ tại Lễ hội Đền Đồng Cổ.

Lễ hội đền Đồng Cổ phần lễ có các nghi thức như: Lễ cáo yết, lễ rước kiệu từ đền Đồng Cổ về Đình Phúc và ngược lại; lễ xin linh khí thần Đồng Cổ; lễ dâng hương.

Tâm điểm của Lễ hội là tiếng trống thúc giục nghĩa quân. Điệu múa trong cung đình cũng được các nghệ nhân trong vùng tái hiện lại trong lễ hội. Ngoài ra, còn có các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu thể thao và trưng bày sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tiếng trống thúc giục nghĩa quân là tâm điểm của phần lễ tại Lễ hội Đền Đồng Cổ.

Theo ghi nhận của phóng viên, Lễ hội đền Đồng Cổ năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không khí lễ hội vui tươi, trang nghiêm, không có các hoạt động mê tín dị đoan, cũng như cờ bạc.

Một số sản phẩm OCOP của địa phương được bày bán tại lễ hội.

 

​​​​​​​Thanh Hóa: Lễ hội Sết Boóc Mạy được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
​​​​​​​Lễ hội Sết Boóc Mạy, một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở xã Cán Khê, (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) vừa được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đây là niềm tự hào, điểm tựa để xã Cán Khê tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng báo người Thái nói riêng và các dân tộc khác nói riêng.