Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thiếu thương hiệu cá tra, basa khó bền vững

23:21 24/10/2018 GMT+7

Lượng cá tra, basa xuất khẩu chỉ tăng nhẹ nhưng kim ngạch tăng mạnh nhờ giá cao. Giá cá tra xuất khẩu tăng chủ yếu là do nguồn cung nguyên liệu thấp hơn so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định giá và phát triển bền vững trong thời gian tới, ngành cá tra, ba sa chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu (XK) cá tra, cá ba sa thường chiếm 43-45% về lượng và 25- 26% về trị giá trong XK thủy sản của cả nước.

Thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2018, lượng cá tra, cá basa XK đạt 481,2 nghìn tấn, trị giá 1,196 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 20,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Lượng cá tra, ba sa chỉ tăng nhẹ nhưng kim ngạch XK tăng mạnh nhờ giá cao hơn.

Thị trường rộng mở

Giá XK trung bình cá tra của Việt Nam trong tháng 7 đạt 2,6 USD/kg, tăng 0,45 USD/kg so với cùng kỳ năm 2017 và tăng nhẹ so với tháng 6. Giá cá tra XK tăng chủ yếu là do nguồn cung nguyên liệu thấp hơn so với nhu cầu của các doanh nghiệp (DN). Dự báo, giá XK trung bình mặt hàng này trong những tháng tiếp theo sẽ dao động ở mức 2,5 – 3 USD/kg.

Xét về thị trường, Mỹ trở lại là thị trường XK cá tra, cá ba sa đạt kim ngạch cao nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2018, XK cá tra, cá ba sa sang Mỹ đạt 60,4 nghìn tấn, trị giá 259,4 triệu USD, giảm 10,7% về lượng nhưng tăng 10,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cá tra, cá ba sa lớn nhất cho Mỹ với thị phần chiếm tới 95% về lượng và 93% về trị giá.

Ngoài nhập khẩu từ Việt Nam, Mỹ còn nhập khẩu cá da trơn từ Trung Quốc, Guyana và Thái Lan nhưng với thị phần rất thấp. Cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam vẫn có mức giá cạnh tranh nhất khi trung bình 7 tháng đầu năm 2018 ở mức 4,1 USD/kg, so với mức 5,5 USD/kg nhập khẩu từ Trung Quốc, 4,4 USD/kg từ Guyana và 6,2 USD/kg từ Thái Lan. Đáng chú ý, trong tháng 6 và tháng 7, Mỹ đã đẩy mạnh nhập khẩu cá da trơn.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong các tháng cuối năm, nhiều khả năng XK cá tra, ba sa sang thị trường này sẽ tăng trưởng khả quan. Nguyên nhân là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 – 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam XK sang thị trường Mỹ với mức thuế thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13).

Đồng thời, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng là một cơ hội tốt cho các DN XK cá tra Việt Nam tận dụng giành thị phần với sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ.

Trung Quốc là thị trường XK cá tra, cá ba sa lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ về kim ngạch và lớn nhất về lượng trong 7 tháng đầu năm 2018 với 125,2 nghìn tấn, trị giá 258,3 triệu USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 44,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Nỗi lo cạnh tranh

Trong 3 năm trở lại đây, XK cá tra, ba sa sang thị trường Trung Quốc liên tục tăng trưởng cao. Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Nga và Na Uy.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng và ổn định trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc XK cá tra, basa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng.

Ngoài ra, XK cá tra, cá ba sa sang thị trường EU đang dần ổn định trở lại sau năm 2017 gặp nhiều khó khăn. XK cá tra, cá ba sa sang Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, để XK bền vững, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng Việt Nam vẫn phải vượt qua các đối thủ đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Hiện nay, mỗi năm, Ấn Độ đã nuôi khoảng 650.000 tấn cá tra, Bangladesh nuôi 450.000 tấn, Indonesia nuôi 110.000 tấn…

Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam và trong tương lai có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra tiềm năng trên thế giới.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng DN cần có giải pháp bảo vệ sản xuất, giữ vững thương hiệu cá tra Việt Nam trên thương trường quốc tế. Ngành cá tra cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa, hướng tới sự bền vững nhằm gia tăng cạnh tranh.

Đặc biệt, về thương hiệu, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thừa nhận, hiện nay, đa phần DN XK cá tra của Việt Nam vẫn lấy thương hiệu dưới tên thương phẩm của DN, thậm chí chỉ đóng thùng XK cho nhà phân phối nước ngoài và không biết cá tra Việt sẽ mang tên ai, phân phối ở hệ thống siêu thị nào.

“Từ lâu, ai cũng biết thực trạng này nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn. Xây dựng thương hiệu, cuộc họp nào chúng tôi cũng đề cập nhưng đến nay vẫn vậy”, ông Quốc cho biết.

Vì vậy, theo Bộ NN&PTNT, ngành cá tra, cá ba sa vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến cho tới XK; đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa thị trường.

Thi Thi