Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng và sản xuất nấm tại Việt Nam

22:04 25/11/2019 GMT+7

Ngày 23/11/2019, tại tỉnh Bình Dương, Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Hội Nấm học Việt Nam tổ chức: “Hội nghị Nấm học toàn quốc lần thứ II”.

Chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị Nấm học toàn quốc lần thứ II. Ảnh: Vân Nguyễn

Hội nghị Nấm học toàn quốc lần thứ II được tổ chức nhằm tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn nơi các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà sản xuất nấm, các doanh nghiệp thương mại về nấm sẽ chia sẻ các thành tựu khoa học mới, những vấn đề cần nghiên cứu về quy trình công nghệ và ứng dụng, kết nối chuyển giao công nghệ, là nơi cộng đồng khoa học trực tiếp và sẵn sàng phục vụ cho sự phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam.

Nấm có vai trò to lớn đối với đời sống con người, trong y học sản xuất kháng sinh, trong nông nghiệp duy trì độ phì nhiêu của đất, là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp lớn, là công cụ quan trọng trong nghiên cứu các quá trình sinh học cơ bản và còn là nguồn thực phẩm quan trọng.

Thời gian qua, ngành Khoa học về nấm đã nghiên cứu về các đặc tính di truyền và sinh hóa, phân loại và ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyền, thực phẩm. Ngoài ra, còn nghiên cứu các bệnh học từ nấm nhằm kiểm soát các mối nguy hiểm của chúng…

Hội Nấm học Việt Nam với vai trò là tổ chức kết nối, chia sẽ các kiến thức, kinh nghiệm, thành tựu mới trong lĩnh vực nấm học giữa các cá nhân và các đơn vị nghiên cứu, nuôi trồng nấm trong và ngoài nước nhằm đưa đến sự phát triển tốt hơn về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng từ nấm trong sản xuất và thương mại tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, Đại học Thủ Dầu Một đã đưa ra định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học và công nghệ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Tháng 10/2019, Trường Đại học Thủ Dầu Một vinh dự được vào làm thành viên của Hội Nấm học và đăng cai tổ chức Hội nghị Nấm học toàn quốc lần II. Các thành tựu về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống nấm, công nghệ tinh chiết và phát triển sản phẩm ứng dụng từ nấm từ 2014 đến nay của trường sẽ được tiếp tục phát huy hơn nữa trong vai trò là thành viên mới của Hội Nấm học Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm, Đại học Thủ Dầu Một cho biết: Nấm đông trùng hạ thảo, Cordyceps kmilitaris, là một loài nấm ký sinh trên côn trùng có giá trị dược liệu quý tương tự như nấm Cordyceps sinensis và được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền trong hàng nghìn năm qua ở châu Á. Kết quả nghiên cứu khoa học mới cho thấy nấm C.militaris có nhiều tiềm năng ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, đồng thời trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như trong hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ điều hòa miễn dịch, hỗ trợ điều trị suy giảm chức năng gan, thận…

Loài nấm Cordyceps militaris hiện có thể được nuôi trồng quy mô lớn trong điều kiện nhân tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hạn chế về thoái hóa giống, công nghệ tinh chế và phát triển sản phẩm từ C.militaris là rào cản khiến các nhà sản xuất khó có thể đẩy mạnh thương mại hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, việc thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng từ các trường đại học gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp cho sản xuất nấm C.militaris tại Việt Nam.

Vân Nguyễn