Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tìm ra đường xuất ngoại cho 10.000 tấn xoài/năm

Ba Huỳnh - 08:19 13/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ người chỉ biết làm vườn, chị Đinh Kim Nhung (SN 1971) ở ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành nhiều điểm thu mua trái xoài, rồi thành lập công ty, xây dựng nhà máy chế biến đưa xoài Cát Chu, xoài tượng da xanh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Chị Đinh Kim Nhung kiểm tra xoài trước khi xuất khẩu.

Không ngừng mở rộng con đường xuất ngoại cho trái xoài 

Trao đổi với phóng viên, chị Nhung cho biết, bản thân sinh ra ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sau khi về làm dâu ở xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, vợ chồng được cha mẹ chồng cho 1,2ha đất trồng xoài Cát Chu.

Nhận thấy thu nhập từ việc trồng xoài Cát Chu không nhiều, năm 2000, chị đã mở một điểm thu mua xoài Cát Chu và xoài tượng da xanh (thổ nhưỡng địa phương thích hợp trồng 2 loại xoài này).

Nhờ chăm chỉ làm việc và hỗ trợ từ phía gia đình, năm 2003, chị Nhung mạnh dạn mở rộng quy mô thu mua xoài. Cụ thể, chị mở thêm 3 điểm thu mua xoài ở tỉnh Đồng Tháp (khóm 1, phường 11, TP. Cao Lãnh; xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh; xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò) và 1 điểm thu mua ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Nhận thấy xoài của Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, thay vì mua xoài bán lại cho doanh nghiệp, thừa thắng xông lên, năm 2016, chị Nhung thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Kim Nhung Đồng Tháp với mục đích trực tiếp đưa trái xoài xuất ngoại và giúp người trồng xoài ở địa phương có nơi tiêu thụ ổn định.

Lúc mới thành lập, công ty của chị Nhung chủ yếu bán sang thị trường Úc với số lượng rất ít (khoảng 100 tấn trong năm 2016). Từ 2017, được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cùng Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chuyển giao kỹ thuật tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài nên số lượng xoài xuất khẩu ngày càng tăng.

“Với kỹ thuật tiên tiến được tài trợ trên, trái xoài tượng da xanh vốn chỉ bảo quản được 10 ngày đã tăng thời gian lên được 40-45 ngày, còn xoài Cát Chu tăng thời gian bảo quản từ 7 ngày lên 25 ngày” - chị Nhung thông tin.

Theo chị Nhung, trong 2 năm (năm 2017 và 2018), chị xuất khẩu ra nước ngoài từ 400-500 tấn xoài và xuất khẩu sang Trung Quốc cùng thị trường nội địa từ 7.000-10.000 tấn/năm. Đây là lượng xoài mà chị mua từ 10 hợp tác xã, hội quán nông dân ở tỉnh Đồng Tháp với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Đỉnh điểm là năm 2019 và năm 2020, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp bán ra thị trường các nước khoảng 10.000 tấn xoài/năm.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, do dịch Covid-19, chiến tranh ở nước ngoài, chính sách Zero Covid của Trung Quốc nên việc xuất khẩu xoài Cát Chu và xoài tượng da xanh gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, chị Nhung vẫn cố gắng, nỗ lực thu mua và xuất khẩu hàng nghìn tấn xoài/năm ra thị trường nước ngoài thông qua nhiều đầu mối khác nhau.

Chị Nhung bên vườn xoài của gia đình.

Nâng cao giá trị cho trái xoài xứ sen hồng

Hiện nay, chị Nhung đang xây dựng nhà máy chế biến xoài ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo thiết kế, nhà máy chế biến xoài này có công suất 100 tấn/ngày. Đối với những trái xoài được thu mua từ người dân Đồng Tháp không xuất khẩu bằng trái tươi được thì sẽ được đưa vào nhà máy này để chế biến, đưa đi xuất khẩu sau đó.

“Xoài tươi đi xuất khẩu rất khó do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, nhất là thị trường khó tính. Nếu đem về bán lại trong nước thì giá rất rẻ. Do đó, tôi xây dựng nhà máy này để cắt miếng cấp đông (bảo quản được 2 năm) và sấy khô (bảo quản được 1 năm). Những sản phẩm này dễ đưa đi xuất khẩu và bán được giá cao” - chị Nhung phân tích.

Theo tìm hiểu, xoài Cát Chu được chị Nhung bán ở thị trường Nhật do đặc điểm trái ăn ngon, thị trường ưa chuộng, còn xoài tượng da xanh bán ở thị trường Mỹ, Úc do ưu điểm bảo quản được lâu. Ngoài ra, chị còn ưu tiên sản phẩm bán ở thị trường Trung Quốc.
“Ngoài các thị trường khó tính, tôi cho rằng thị trường Trung Quốc rất có tiềm năng. Do đó, việc xây dựng nhà máy chế biến xoài cũng là bước chuẩn bị trước khi nơi này cho xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ xoài. Hiện Trung Quốc không còn cho xuất tiểu ngạch, hơn nữa xuất khẩu tiểu ngạch tốn chi phí rất cao, thất thoát nhiều” - chị Nhung chia sẻ.

Được biết, Công ty của chị Nhung không ngừng phối hợp với các hợp tác xã trong tỉnh Đồng Tháp xây dựng và xin cấp mã số vùng trồng trên cây xoài để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Bởi thông qua mã vùng trồng, đối tác có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng mà doanh nghiệp cung cấp. Đây cũng là yêu cầu của nhà nhập khẩu. 

Trong thời gian tới, chị Nhung sẽ ký hợp đồng thu mua, xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây khác ở Đồng Tháp nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung sang nước ngoài. Trước mắt, sẽ ưu tiên sầu riêng, ớt.

Ngoài hỗ trợ các HTX, hội quán nông dân xuất khẩu có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, bán giá cao hơn thị trường, chị Nhung còn tạo việc làm ổn định cho 50 người và khoảng 100 người lao động thời vụ ở địa phương.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nhung cho biết, là phụ nữ nên công việc mua bán, tìm kiếm thị trường gặp nhiều khó khăn, chị phải rất cố gắng mới có thể vượt qua và thành công đến ngày hôm nay. Hiện chồng chị đã qua đời, các công việc của chị cũng may mắn có người con trai hỗ trợ, chia sẻ.

Không chỉ giỏi kinh doanh, chị Nhung còn thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong năm 2021, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chị đã tổ chức nấu cơm, mua bún, bánh mì, rau quả phát cho người dân địa phương. Lúc đầu, chị làm 600 suất/ngày nhưng sau đó tăng lên 1.200 suất/ngày.

Chưa dừng lại ở đó, trong thời gian qua, chị Nhung còn phát thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo, quà cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, phát gạo và nhu yếu phẩm vào dịp Tết đến, xây nhà tình thương, lợp tôn cho hộ nghèo (trên 10 căn)... 

Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, chị Đinh Kim Nhung được tỉnh Đồng Tháp tuyên dương Doanh nghiệp tiêu biểu vừa và nhỏ năm 2019; nhận được bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp vì đã đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021, bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về phong trào thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Đồng Tháp năm 2021. Đặc biệt, chị Đinh Kim Nhung còn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.