Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn
Tinh thần doanh nghiệp: Được hiểu là thái độ trách nhiệm, ý nghĩ, tình cảm sâu sắc của con người đối với công việc kinh doanh, là ý chí ham muốn thành công, định hướng cho khát vọng cháy bỏng trong làm giàu, tính bền bỉ, kiến trì với ý tưởng sáng tạo, kiên quyết, dám chấp nhận mạo hiểm(1).
Người nông dân có tinh thần doanh nghiệp sẽ là người nông dân mới, đại diện cho văn hóa sản xuất lớn của nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; chủ thể của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tinh thần doanh nghiệp sẽ làm cho mỗi người nông dân ý thức hơn đến vai trò chủ thể trong sản xuất và xây dựng nông thôn mới, quan tâm hơn đến sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ chế biến, bảo quản, tiêu thụ; quan tâm đến các yếu tố thị trường như cung - cầu, giá cả, sản phẩm và khách hàng; năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, phát huy lợi thế, đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường sinh thái, đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, tinh thần doanh nghiệp của người nông dân có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, xây dựng và phát triển văn hóa sản xuất lớn của nền nông nghiệp hiện đại.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bảo đảm hiệu quả và gắn với nhu cầu thị trường
Tái cơ cấu nền nông nghiệp thực chất là quá trình tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho một bộ phận cư dân nông thôn, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân với ý nghĩa là khát vọng tạo lập cơ nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy họ đổi mới tư duy về mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, phát huy được thế mạnh, lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương mà qua đó góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bảo đảm hiệu quả và gắn với nhu cầu thị trường.
Trong hơn 35 năm đổi mới, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng gắn với thị trường trong nước và quốc tế; trình độ canh tác, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh quốc tế của nhiều loại nông sản được nâng cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nông nghiệp có bước phát triển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế”(2). Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với tinh thần doanh nghiệp, sự chung sức, sáng tạo, vượt khó của nông dân trên cả nước, sự đồng hành của các cấp, các ngành nên đã vượt qua khó khăn, thách thức, toàn ngành đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và giá trị cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85% trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo số liệu tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2021 của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa năm 2021 đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn, mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39 nghìn héc-ta nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77% để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 499,3 USD/tấn năm 2020 lên trên 526,9 USD/tấn năm 2021. Rau màu có diện tích khoảng 1,12 triệu ha; sản lượng đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325.500 tấn so với năm 2020. Các cây lương thực, thực phẩm khác, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm đều có mức tăng trưởng khá; các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đều đạt các kết quả quan trọng. Những thành tựu phát triển ngành Nông nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó người nông dân đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đội ngũ người nông dân có tinh thần doanh nghiệp. Chính họ là những người góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, bảo đảm hiệu quả và gắn với nhu cầu thị trường.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần thúc đẩy thị trường nông nghiệp phát triển bền vững
Một trong những năng lực cơ bản của nông dân có tinh thần doanh nghiệp là họ có năng lực tư duy mới về thị trường nông nghiệp. Họ phải thường xuyên tự trả lời những câu hỏi, như: Làm cái gì? Làm cho ai? làm như thế nào? Từ đó họ phải tìm hiểu, xác định các thông tin, nắm bắt nhu cầu, khả năng đáp ứng, các điều kiện thực hiện hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại nội địa, kết nối giao thương tại thị trường ngoài nước, dự báo được những khó khăn, thách thức để từ đó có những kế hoạch, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tiễn, mang lại hiệu quả, nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng, tiến độ. Họ hiểu rằng, để sản xuất phát triển có hiệu quả và bền vững cần nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, thị trường là yếu tố quyết định. Đó là một trong những điều kiện thúc đẩy chuyển đổi tư duy của người nông dân từ duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của Bộ NN&PTNT cho thấy ngành Nông nghiệp đã làm được một số nội dung về thị trường, như: Bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; theo dõi sát sao diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản, đặc biệt tại những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19; phối hợp tổ chức để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản; theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản vào vụ thu hoạch; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông sản đặc sản địa phương; trao đổi thông tin, thảo luận về các giải pháp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu...
Đối với thị trường ngoài nước: Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt… Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD.
Một cách chung nhất thị trường được hiểu là nơi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, trao đổi các loại hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác trong nền kinh tế. Người nông dân có tinh thần doanh nghiệp còn hiểu thị trường theo ý nghĩa là tình cảm của khách hàng với nông sản, tức là nông sản làm ra phải chiếm được tình cảm của khách hàng. Đây là một trong những giải pháp thúc đẩy thị trường nông sản phát triển lành mạnh. Chính vì thế, người nông dân cần phải trực tiếp tham gia mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản; có kế hoạch sản xuất, chế biến nông sản theo từng mùa vụ, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương phải xuất phát từ tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng, từ thị trường mục tiêu xem khách hàng muốn gì, nơi đó có những đặc tính tiêu dùng ra sao và do thị hiếu tiêu dùng nơi đó quyết định; thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần thúc đẩy đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta được tổ chức theo 3 hình thức sản xuất chủ yếu gồm: Hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp. Với tinh thần doanh nghiệp, người nông dân có thêm động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hướng đến hiệu quả. Trong quá trình đó nảy sinh nhiều công việc mới cần phải tổ chức và quản lý, vì vậy thúc đẩy việc đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất nói trên. Theo kết quả điều tra năm 2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,82% so với năm 2016. Trong đó, 9.108.129 hộ sản xuất, giảm 1,86%; 7.418 hợp tác xã, tăng 6,80%; 7.471 doanh nghiệp, tăng 94,25%. Sự biến động số đơn vị sản xuất theo xu hướng tăng giảm khác nhau có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân thúc đẩy sự đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất không chỉ về số lượng mà còn cả về quy mô sản xuất. Ở nước ta hiện nay, hộ là đơn vị kinh tế cơ bản trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cũng theo số liệu điều tra năm 2020, trong tổng gần 9.123 nghìn đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tại thời điểm 01/7/2020, có 9.108 nghìn đơn vị sản xuất là hộ. Trong những năm vừa qua, nhiều hộ đã mở rộng quy mô sản xuất. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1m2 lên 2.026,3m2. Mô hình tổ chức sản xuất có tỷ suất và giá trị hàng hóa cao của hộ là trang trại.
Trong thời gian qua, với tinh thần doanh nghiệp của người nông dân đã thúc đẩy sự đổi mới, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hình thức hợp tác xã. Theo số liệu điều tra năm 2020, tại thời điểm 31/12/2019, cả nước có 7.418 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,80% so với năm 2015. Trong đó, 6.885 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 92,81% tổng số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 3,60% so với năm 2015; 86 hợp tác xã lâm nghiệp, chiếm 1,16% tổng số hợp tác xã và tăng 95,45%; 447 hợp tác xã thủy sản, chiếm 6,03% và tăng 74,61%. Năm 2019, các hợp tác xã sử dụng 77,70 nghìn lao động thường xuyên, bình quân mỗi hợp tác xã sử dụng 10,47 lao động. Trong đó, bình quân 1 hợp tác xã nông nghiệp sử dụng 10,25 lao động, hợp tác xã lâm nghiệp sử dụng 7,63 lao động và hợp tác xã thủy sản sử dụng 14,48 lao động. Năm 2019, doanh thu bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt 2,32 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2015; bình quân mỗi năm tăng 17,55%. Theo báo cáo tổng kết ngành năm 2021, cả nước thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên 19.100 và có 78 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 65% xếp loại khá, tốt và có 4.180 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; cả nước có 30.027 tổ hợp tác và 19.667 trang trại.
Tổ chức doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp là hình thức tổ chức sản xuất hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, năng lực phát triển và hướng tới hiệu quả. Mục tiêu của người nông dân có tinh thần doanh nghiệp là được khởi nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp của mình. Vì vậy, số lượng, chất lượng doanh nghiệp nông nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của người nông dân. Cũng theo số liệu điều tra năm 2020, tại thời điểm 31/12/2019, cả nước có 7.471 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 94,25% so với 31/12/2015, bình quân mỗi năm tăng 906,3 doanh nghiệp. Năm 2019, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 249,24 nghìn lao động thường xuyên. Trong đó, các doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng 193,48 nghìn lao động, chiếm 77,63% tổng số lao động thường xuyên của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; doanh nghiệp lâm nghiệp sử dụng 15,88 nghìn lao động, chiếm 6,37%; các doanh nghiệp thủy sản sử dụng 39,88 nghìn lao động, chiếm 16,00%. Tổng doanh thu năm 2019 theo giá hiện hành của các doanh nghiệp đạt 168,50 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 22,55 tỷ đồng. Theo báo cáo tổng kết ngành năm 2021, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2021, thành lập mới và trở lại hoạt động là 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp. Số liệu trên cho thấy số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh, vì thế sản xuất nông sản hàng hóa có thêm năng lực mới.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần thúc đẩy cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu và động lực hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của người nông dân là lợi nhuận. Với tinh thần doanh nghiệp, họ nhận thức được rằng muốn nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao năng suất của người lao động, giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường ngoài nước, từ đó tối đa hóa lợi nhuận, buộc phải cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Thực tiễn cho thấy với sự giúp sức của cơ giới hóa, khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… các mục tiêu của người nông dân về năng suất, chất lượng, giảm chi phí, thân thiện với môi trường, năng lực cạnh tranh và cuối cùng là hiệu quả kinh tế đều đạt được. Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải có những người nông dân văn minh, có tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ, làm chủ được khoa học công nghệ, có kỹ năng sử dụng công cụ, phương tiện cơ giới hóa, tin học hóa vào sản xuất.
Theo số liệu điều tra năm 2020, máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp với số lượng tăng đáng kể. Bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần năm 2016; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần. Bình quân 100 hộ trồng lúa sử dụng 28,87 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 2,23 lần; 0,44 máy gặt đập liên hợp, gấp 1,61 lần; 2,84 máy gặt khác, gấp 1,32 lần; 4,02 máy tuốt lúa có động cơ, gấp 1,25 lần. Theo báo cáo tổng kết ngành năm 2021, tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu..) 97%; các khâu gieo, trồng 65%; khâu chăm sóc (phun thuốc bảo vệ thực vật) 80%; khâu thu hoạch lúa 78%.
Trong những năm vừa qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn được tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng. Tại thời điểm 01/7/2020, tổng diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản sử dụng nhà kính, nhà lưới, nhà màng khu vực nông thôn đạt 56,01 nghìn ha, gấp 13,70 lần năm 2016. Theo báo cáo tổng kết Chiến lược khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020, định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030, cho thấy các thành tựu của chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng góp 40% giá trị gia tăng nông nghiệp đến năm 2015 và 50% đến năm 2020. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khoảng 15% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 35% đến năm 2020.
Theo báo cáo tổng kết ngành năm 2021, Bộ NN&PTNT khẳng định tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, thông tin, viễn thông, viễn thám; nâng cao năng lực hệ thống quản lý nghiên cứu, chọn tạo sản xuất giống cây trồng vật nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi để người nông dân đẩy mạnh việc sử dụng cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần thúc đẩy công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng
Chúng ta đều biết, hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông sản đang là một vấn đề nan giải. Tình trạng thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn không chỉ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người trước mắt cũng như lâu dài mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường, cạnh tranh với nông sản nhập khẩu của nông sản, thực phẩm Việt. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm ở nước ta gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cơ cấu, quy mô sản xuất nông nghiệp trong nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng ở nhiều địa phương vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, phân tán; công nghệ chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ nông sản, thủy sản còn thủ công, lạc hậu, mang tính hộ gia đình, cá thể với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế, không đồng đều, nhất là điều kiện về cơ sở nhà xưởng, môi trường.
Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản của người tiêu dùng, vấn đề quản lý, kiểm soát và bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm hàng nông sản đặt ra hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát hiệu quả các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Điều đó yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm nông sản, thủy sản trước khi đưa ra thị trường; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm hàng nông sản không an toàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản theo quy định của pháp luật. Vấn đề quan trọng nhất, căn cơ nhất là người nông dân cần phải trực tiếp tham gia một cách thiết thực, hiệu quả vào công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản. Điều đó chỉ có được khi người nông dân được khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp đang còn tiềm ẩn trong họ.
Tinh thần doanh nghiệp định hướng cho suy nghĩ và hành động của người nông dân, nhất là trách nhiệm xã hội, tính chuyên nghiệp, tự trọng, trung thực, thẳng thắn. Vì vậy, với tinh thần doanh nghiệp, người nông dân sẽ bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản, đồng thời, họ là những tấm gương lan tỏa có tác dụng tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm hàng nông sản, ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản; công khai quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản. Với tinh thần doanh nghiệp, người nông dân sẽ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn, áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, họ cũng là người tuyên truyền, hướng dẫn và giúp người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm hàng nông sản an toàn và thực phẩm hàng nông sản không an toàn, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới
Mục tiêu cơ bản của xây dựng và phát triển nông thôn mới ở nước ta đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”(3). Kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đến nay, việc xây dựng và phát triển nông thôn mới ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, với kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Thực tiễn cho thấy phát triển kinh tế nông thôn tạo tiền đề vật chất để thực hiện thành công xây dựng và phát triển nông thôn mới; thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chủ thể phát triển kinh tế nông thôn là những người nông dân, trong đó có vai trò đặc biệt của đội ngũ nông dân có tinh thần doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Đến hết năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành vượt 12,4% so với mục tiêu; đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thu nhập của người dân năm 2020 tại khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị và mức tăng chung của cả nước trong giai đoạn 2010-2020. Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng khu vực nông thôn năm 2020 đạt gần 3,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,4 lần so với năm 2016 và gấp 3,25 lần so với năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2020 tăng 12,5%/năm, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 11,8%/năm và cao hơn mức tăng của khu vực thành thị 10,1%/năm. Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị giảm dần, năm 2010 thu nhập của khu vực thành thị là 2,1 triệu đồng gấp 2 lần khu vực nông thông (1 triệu đồng) giảm xuống còn 1,7 lần năm 2020 (thu nhập khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, nông thôn đạt 3,4 triệu đồng).
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở khu vực nông thôn góp phần chủ yếu vào kết quả của chiến lược giảm nghèo quốc gia: theo chuẩn nghèo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 7,5% năm 2016, giảm 9,9 điểm phần trăm trong giai đoạn 2010-2016 và là mức giảm lớn, đóng góp chủ yếu vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn quốc (cả nước giảm 8,4 điểm phần trăm, khu vực thành thị chỉ giảm 4,9 điểm phần trăm), theo chuẩn nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2016.
Tinh thần doanh nghiệp của người nông dân góp phần tạo ra đội ngũ những người nông dân văn minh
Sau hơn 35 năm đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền gắn với thị trường trong nước và quốc tế; trình độ canh tác, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh quốc tế của nhiều loại nông sản được nâng cao. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có những thay đổi tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá. Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng hơn. Hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn hơn. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, an ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn được giữ vững, số hộ nghèo giảm nhanh, nhất là ở các huyện nghèo.
Những thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn có vai trò quan trọng của người nông dân Việt Nam, nhất là đội ngũ những người nông dân Việt Nam có tinh thần doanh nghiệp. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới cho thấy người nông dân Việt Nam, nhất là đội ngũ những người nông dân Việt Nam có tinh thần doanh nghiệp thực sự là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Sự tham gia của họ được coi là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, đồng thời, quá trình đó đã làm thay đổi người nông dân truyền thống thành người nông dân văn minh.
Người nông dân Việt Nam trong nền văn hóa truyền thống thấm đẫm các đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, dũng cảm vượt khó khăn, khiêm tốn, giản dị, khoan dung, yêu nước, yêu con người và sống thích ứng. Tuy nhiên, điều đó chưa bảo đảm cho sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn thành công mà phải cần có những người nông dân mới thấm đẫm giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, đó là người nông dân văn minh. Công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn là một quá trình cải biến xã hội sâu sắc. Người nông dân có tinh thần doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Thực tiễn sau hơn 35 năm đổi mới cho thấy, bước đầu hình thành hình mẫu người nông dân mới - người nông dân văn minh. Đó là những con người giàu lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, trọng nghĩa tình, sống hòa thuận, dân chủ; có tinh thần doanh nghiệp cháy bỏng, nêu cao ý chí và quyết tâm phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại và nông dân giàu có; luôn cầu thị học tập kiến thức và kỹ năng sản xuất, kinh doanh; nhân cách, lối sống tốt đẹp để thực sự là chủ thể của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Họ là những con người có trình độ kiến thức và năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Họ là những người tiên phong thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất sang coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm hàng nông sản và phát triển bền vững. Họ đã khích lệ nông dân cả nước thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội, đồng thời đoàn kết, hỗ trợ tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật… giúp nhau cùng làm giàu, giúp đỡ các hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo. Việc hình thành đội ngũ những người nông dân văn minh là thành quả to lớn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
Tài liệu tham khảo:
(1) Trần Quốc Dân: Tinh thần doanh nghiệp giá trị định hướng của văn hóa kinh doanh Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.37.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.I, 2021, tr 61.
(3) Xem: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “ Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
(4) Xem: Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(5) Xem: Báo cáo tổng kết Chiến lược khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020, định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
(6) Xem: Thông cáo báo chí kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục Thống kê.
(7) Xem trang https://www.gso.gov.vn: Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”
-
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Yêu cầu từ cấp chi bộ đến Trung ương -
Đoàn kết, vững lòng tin vào Đảng, Chính phủ để vượt qua siêu bão Yagi -
Trí tuệ nhân tạo giúp tối ưu hoá sản xuất nông nghiệp -
Ứng dụng AI - Cơ hội phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững
- Thiêng liêng hai tiếng Việt Nam
- Phát triển chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản
- 'Có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật'
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng
- Từ 01/8, người dùng sẽ phải trả phí sử dụng dữ liệu từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
- Những điều có thể bạn chưa biết về Quỹ Phát triển đất
- Thêm nhiều hình thức thiết thực hỗ trợ cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi
-
Đỏ lửa nấu cơm đưa đến kịp thời cho người dân vùng lũ Quảng TrịDo ảnh hưởng của bão số 6 nhiều xã ở huyện Vĩnh Linh, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Quảng Trị bị nước lũ “bủa vây”, gây chia cắt giao thông. Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều nhóm tình nguyện ở Quảng Trị đã nấu cơm đưa đến cho những người dân vùng lũ.
-
Tuyên Quang: Chi, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãiKhông chỉ là xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng như vốn từ các ngân hàng đang được phát huy hiệu quả tối đa, khi trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dần hình thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại mà chủ nhân là thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp.
-
Thị trường nông sản ngày 30/10: Giá nhiều mặt hàng “quay đầu” tăng(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong ngày 30/10, giao dịch hồ tiêu, cà phê ghi nhận mức tăng giá trở lại sau nhiều ngày giảm sâu.
-
Đổi mới nông nghiệp: Hướng tới tương lai bền vững cùng phân bón hữu cơTrong bức tranh nông nghiệp Việt Nam hiện nay, hình ảnh những cánh đồng xanh mướt, trĩu quả không chỉ là biểu tượng của sự phồn thịnh mà còn phản ánh sự chăm sóc đất đai bằng tình yêu và trách nhiệm. Tuy nhiên, thói quen sử dụng phân bón hóa học đã khiến nhiều nông dân lầm tưởng rằng đây là con đường duy nhất để đạt được năng suất cao. Hệ lụy từ việc lạm dụng phân bón vô cơ không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn đe dọa đến sức khỏe đất, nước và cả những thế hệ tương lai.
-
Masan Group hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận năm 2024, Masan MEATLife đạt lợi nhuận sau thuế cả quý dươngTrong quý III/2024, doanh thu mảng thịt của Masan MEATLife bao gồm thịt heo, thịt gà và thịt chế biến tăng 13.6% so với cùng kỳ. Đồng thời, ghi nhận mức tăng 105 tỉ đồng cho lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số. Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế dương kể từ năm 2023.
-
“Cảnh báo đỏ” về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê(Tapchinongthonmoi.vn) – Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất cà phê đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Việt Nam.
-
Đề nghị kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Quảng NinhỦy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Nguyễn Xuân Ký.
-
Festival Hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong 1 tháng, hướng tới quy mô quốc gia và quốc tếChiều 29/10, Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 công bố chương trình lễ hội này.
-
Khuyến nông cộng đồng giúp gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phêHiện ở Đắk Nông đã thành lập được 54 tổ khuyến nông cộng đồng, thực hiện tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cà phê, an toàn thực phẩm...
-
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về các nhiệm vụ trọng tâmTrong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần thống nhất nhận thức công tác tuyên giáo là công tác của Đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi chi bộ, đảng viên.