Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển
Trầy trật đóng tàu “triệu đô”, ngư dân ngậm trái đắng
10:55 28/08/2021 GMT+7

Để khắc phục tình trạng chây ỳ trả nợ, Nghị định 17 yêu cầu ngư dân đóng tàu phải đáp ứng đủ 100% kinh phí đầu vào, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần với định mức 35%/ tàu… Ở Nghệ An, một số chủ tàu đã cam kết và bỏ số tiền lớn đầu tư đóng tàu, tuy nhiên đến nay dù những con tàu đã vươn khơi bám biển được hơn 2 năm nhưng do những bất cập trong triển khai Nghị định 17 nên mọi sự hỗ trợ vẫn còn vẹn nguyên “trên giấy “, khiến ngư dân lao đao. 

Tàu to nợ lớn, vốn vượt khả năng

Nghị định 67/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành với mục tiêu “kép”, vừa phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Thực hiện chương trình, toàn tỉnh Nghệ An đã đóng mới 104 tàu cá với tổng công suất 83.832C (90 tàu vật liệu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ Composite), phân bổ tại thị xã Hoàng Mai 41 tàu và Cửa Lò 4 tàu, các huyện Quỳnh Lưu 52 tàu, Diễn Châu 4 tàu và Nghi Lộc 3 tàu. Tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay là 860 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Nghệ An có 3 tàu được đóng theo Nghị định 17 nhưng người dân không còn mặn mà vì nguồn vốn đầu tư quá lớn mà chính sách hỗ trợ trì trệ

Là chủ trương lớn, mang ý nghĩa thiết thực nhưng do nhiều yếu tố nên Nghị định 67 chưa đi đến cái đích mỹ mãn như mong muốn, trong đó nút thắt xung quanh nghĩa vụ trả nợ của các chủ tàu kéo dài dai dẳng. Thực trạng trên khiến các bên liên quan, đặc biệt là phía ngân hàng thương mại tỏ rõ sự ái ngại…

Từ thực tiễn đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 thực sự cấp thiết, đó là lý do ra đời Nghị định 17/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 17).

Nếu như với Nghị định 67 người dân có thể vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu vỏ thép, vỏ Composite thì Nghị định 17 yêu cầu chủ tàu phải đáp ứng 100% kinh phí đầu vào. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần với định mức 35%/ tàu, nhưng không quá 8 tỷ đồng đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên và 6,7 tỷ đồng với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV.

Quy định khắt khe của Nghị định 17 khiến số đông ngư dân đắn đo, bằng chứng toàn tỉnh chỉ có 3 tàu vỏ thép được đóng, tất cả đều thuộc địa bàn xã Quỳnh Lập – Thị xã Hoàng Mai.

Tổng chi phí đóng mới 3 tàu vỏ thép lên đến 69 tỷ 826 triệu đồng, như vậy bình quân mỗi con tàu có giá khoảng 23 tỷ đồng. Những tưởng khi sắm sang thuyền to máy lớn sẽ nâng tầm giá trị về mọi mặt, tuy nhiên lý thuyết và thực tế lại là 2 phạm trù hoàn toàn trái ngược. Sau 2 năm đưa vào hoạt động, các chủ tàu chưa có nổi một giây phút thảnh thơi, tâm lý chung hết sức rối bời.

Hỏi ra mới biết, kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng/tàu theo cam kết còn đang nằm vẹn nguyên trên giấy. Nhiều động thái đã được đưa ra nhưng tình hình không mảy mảy xê dịch…

Loay hoay ngóng… vốn

Nghị định 17/2018/NĐ-CP yêu cầu chủ tàu phải là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, HTX nghề cá được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

Tàu cá đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite; tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng; tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh, kết nối được với trạm bờ…

Nhọc nhằn mưu sinh nghề biển, vốn lớn, nợ nhiều những chiếc tàu đóng theo Nghị định 17 đang làm khó ngư dân

Rà soát chi li, kỹ lưỡng Nghệ An chỉ có 3 tàu đủ điều kiện đóng mới, bao gồm: Tàu của ông Trương Quang Hòa (số đăng ký NA 98828 TS), công suất hơn 1.271 CV, tổng giá trị 23 tỷ 500 triệu đồng; tàu của ông Nguyễn Văn Hòa (NA 98829 TS) công suất hơn 1.332 CV, 23 tỷ 450 triệu đồng và của ông Nguyễn Văn Mười (NA 96899 TS) công suất 1200 CV, hơn 22 tỷ 875 triệu.

Cả 3 tàu đảm bảo được hỗ trợ tại Khoản 3, Điều 4a, Nghị định 17/2018/NĐ-CP với mức 35% giá trị đóng mới, định mức không quá 8 tỷ đồng.

Không muốn đi trên dây, Nghị định 17 đã “thòng” điều khoản bắt buộc, yêu cầu chủ tàu phải đáp ứng 100% kinh phí. Dù điều kiện kinh tế có hạn, nhất là trong bối cảnh Covid-19 bủa vây nhưng những cư dân đầu sóng ngọn gió tại thị xã Hoàng Mai vẫn gắng gượng dưới hình thức liên kết. Tiếc thay nỗ lực của họ là không đủ, bởi việc triển khai thực hiện Nghị định 17 còn nhiều bất cập, khoản hỗ trợ vẫn chưa đến tay ngư dân.

Bằng chứng, các phương tiện đã vươn khơi bám biển hơn 2 năm rồi nhưng phần hỗ trợ thì chẳng thấy đâu. Tình trạng thu không bù chi kéo dài mải miết khiến ngư dân như ngồi trên lửa, trong bối cảnh gian nan họ buộc phải lên tiếng hòng đòi hỏi quyền lợi chính đáng.

Đại diện cho 3 chủ tàu, ông Lê Hội Hưng xóm Tân Thành (Quỳnh Lập – Thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Giá trị tàu đóng mới theo Nghị định 17 rất lớn, để cáng đáng được phải liên kết nhiều hộ lại với nhau. Theo quy định, 20 ngày tính từ thời điểm hoàn thành hồ sơ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 35%/ tàu, tuy nhiên thực tế lại khác.

Nguồn lợi trên biển ngày càng sụt giảm, sản lượng đánh bắt lại khó tiêu thụ do tác động của dịch bệnh, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải đóng đều đều, áp lực kinh tế nhìn chung vô cùng nặng nề. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong muốn những người có trách nhiệm nhìn nhận rõ bản chất sự việc và thực hiện như cam kết ban đầu”.

Dù đã vươn khơi bám biển hơn 2 năm nhưng đến nay mọi sự hỗ trợ còn vẹn nguyên trên giấy

Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các bên liên quan rà soát hồ sơ, số liệu… nhằm đảm bảo độ chính xác của thông tin, qua đó làm cơ sở đề xuất hỗ trợ. Trên cơ sở đó, ngày 17/3/2021, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổ chức cuộc họp để thống nhất.

Chủ trì phiên họp, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kết luận: Hồ sơ của 3 chủ tàu chính xác, đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện được hỗ trợ.

Xét thấy nhu cầu hết sức cấp thiết, ngày 6/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký Công văn số 1922/UBND-NN “Đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá khai thác hải sản xa bờ” gửi đến Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT xem xét, cấp 24 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá ngay trong năm 2021.

Cho đến thời điểm này, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ mặc dù chính quyền địa phương đã có những động thái quan tâm qua các cuộc gặp mặt để lắng nghe ý kiến của ngư dân nhưng thẩm quyền để giải quyết vấn đề này lại phụ thuộc vào các bộ, ngành Trung ương. Ngoài khơi xa, ngư dân vẫn canh cánh nỗi âu lo về các khoản nợ từ tàu 17…!

                                                                                                                                    Bùi Ánh