Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc lao

Trần Thủy - 10:20 16/09/2023 GMT+7
Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh lao, căn bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn gây lao thường tồn tại lơ lửng trong không khí khi nó bắn ra từ bệnh nhân lao khi họ ho, hắt hơi, khạc đờm hoặc nói chuyện. Trẻ em có thể mắc phải bệnh lao khi hít phải trực khuẩn lao trong không khí. 
Bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện hơn ở người lớn (Ảnh minh họa: Futurity).

Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh lao

Đối với trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi hay những trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhiễm HIV hoặc suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ nhiễm lao và mắc lao cao hơn những trẻ em khác. Bệnh lao xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ em  từ 1 - 4 tuổi sống ở những nước lưu hành bệnh lao.

Các thể lao ở trẻ em

Lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp. Hàng năm cứ 100 người mới được phát hiện mắc bệnh lao thì có tới 15 trường hợp là trẻ em. Trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi, lao màng não cấp tính và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột ... Mỗi thể lao có những biểu hiện khác nhau, xảy ra ở những độ tuổi khác nhau, mức độ nặng thay đổi phụ thuộc vào cơ địa của trẻ, đáp ứng điều trị và lượng vi khuẩn gây bệnh.

Điều trị lao đặc biệt lao tiềm ẩn ở trẻ em

Trong quá trình điều trị lao ở trẻ em, các thuốc chống lao được phối hợp theo phác đồ điều trị. Trẻ cần dùng thuốc đúng liều lượng, đều đặn hàng ngày và đủ thời gian quy định. Đối với lao tiềm ẩn ở trẻ em, việc điều trị là liệu trình điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao mắc lao hoặc có bằng chứng mắc lao tiềm ẩn.

Điều trị lao tiềm ẩn là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), vì trẻ em có nguy cơ phát triển bệnh nghiêm trọng cao nhất (bệnh lao phổi và lao màng não). Những trẻ em được điều trị lao tiềm ẩn đó là: Trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi, loại trừ mắc lao; Trẻ em 0-14 tuổi nhiễm HIV được xác định không mắc lao; Trẻ 5 -14 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi có xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA dương tính và được xác định không mắc lao.

Tranh minh họa. (Nguồn: Dantri.com.vn)

Dự phòng lao ở trẻ em

Để phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ thường khuyến cáo tiêm vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin) cho trẻ

Để phòng ngừa bệnh lao ở trẻ em, bác sĩ thường khuyến cáo tiêm vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin) cho trẻ - thuốc chủng ngừa duy nhất hiện nay. Vắc-xin BCG thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên nó chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và nó không an toàn khi sử dụng cho những trẻ sống chung với HIV.

Vì vậy, những trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trẻ có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV, suy dinh dưỡng cần được tầm soát và điều trị dự phòng bệnh lao khi trẻ tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh. Việc tiêm phòng bệnh lao có thể giảm tới 80% khả năng mắc bệnh lao ở trẻ.

Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý những điều sau để giúp phòng ngừa bệnh lao cho trẻ:

·         Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lao

·         Chăm sóc sức khỏe cho trẻ

·         Luôn cung cấp đầy đủ chất cho trẻ để chống suy dinh dưỡng

·         Giữ vệ sinh nơi ở, nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát

·         Nếu gia đình có người bị mắc bệnh lao thì cần cách ly trẻ, không để trẻ tiếp xúc gần gũi với người bệnh.

·         Khi trẻ có các triệu chứng của bệnh thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Theo Bs Võ Trang (Bệnh viện Tràng An)