Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên từ OCOP

PV - 08:01 01/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để lan tỏa những tiềm năng và triển vọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM) tổ chức chương trình “Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP trong thanh niên, sinh viên”.

Chương trình được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ ngày 01 - 03/12/2021. Chương trình ra đời với mục đích tạo ra diễn đàn bổ ích giúp cho sinh viên, thanh niên trên địa bàn cả nước giao lưu, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm nhằm hiện thực hóa và triển khai thành công các ý tưởng khởi nghiệp. Chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động triển khai nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021 của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM). 

Chương trình OCOP đã được thanh niên, sinh viên chọn để khởi nghiệp. Ảnh minh họa.

Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp truyền thống lâu đời, có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa mang nét riêng biệt vùng miền. Chính vì vậy khởi nghiệp trong Chương trình OCOP có thể tận dụng được tiềm năng sẵn có để phát triển sản phẩm địa phương mang tính độc đáo, thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi ý tưởng khởi nghiệp.

Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không chỉ năng động, bản lĩnh mà còn có niềm đam mê sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cao, dám đương đầu với những thử thách, trải nghiệm những điều mới để tìm kiếm những hướng đi riêng, từ đó phát triển và đột phá ở nhiều lĩnh lực. Trong đó, khởi nghiệp từ nông nghiệp là một trong những sân chơi nhằm hiện thực hóa ý tưởng của thanh niên, sinh viên.

Tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp luôn gặp nhiều thử thách và khó khăn. Bởi vậy, khi triển khai Diễn đàn sẽ tạo "sân chơi" hữu ích giúp cho sinh viên, thanh niên trên địa bàn cả nước giao lưu, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm nhằm hiện thực hóa và triển khai thành công các ý tưởng khởi nghiệp.

Sản phẩm thảo dược đạt chứng nhận OCOP - Mô hình khởi nghiệp thành công của chị Trịnh Kim Thư ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, "Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thanh niên, sinh viên” được tổ chức trên nền tảng ứng dụng Zoom và phát trực tiếp thông qua fanpage Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong và phát trực tiếp www.facebook.com/ptntsu.vn và Youtube OCOP CRD-SU: https://m.youtube.com/channel/UCGpgzf0uznc_Zkj7aZJEKHA.

Chương trình gồm có 10 chuyên đề chia thành 3 buổi tập huấn với 3 chủ đề khác nhau như: “Phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo OCOP”; “Phát triển OCOP gắn với nông nghiệp hữu cơ trong sinh viên thanh niên”; “Khởi nghiệp OCOP gắn với việc xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu”.

Người tham gia sẽ được tương tác, lắng nghe những chia sẻ thiết thực từ 10 diễn giả, chuyên gia giàu kiến thức và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp hữu cơ, du lịch, khởi nghiệp, bảo hộ thương hiệu đến kinh tế và công nghệ số. Diễn giả của chương trình sẽ đi sâu đến những kinh nghiệm thực tế cần thiết trong quá trình khởi nghiệp. Đặc biệt là khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm hoặc những trải nghiệm của chính bản thân diễn giả, cả những bài học và vấp ngã cũng như cách thay đổi sáng tạo, giữ vững đam mê để chạm đến thành công.

Chương trình “Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thanh niên, sinh viên” sẽ là một bước đệm, là động lực thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp bừng cháy trong sinh viên thanh niên. Những ý tưởng sáng tạo cùng nguồn cảm hứng vô tận trong việc khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương sẽ là niềm tự hào vững chắc của thế hệ sinh viên thanh niên năng động ngày nay./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Số hóa để OCOP nâng tầm và lan tỏa
Không còn giới hạn trong phạm vi làng, xã, các sản phẩm OCOP đã tạo vị thế riêng trên các sàn thương mại điện tử và trên các mạng xã hội như facebook, zalo... Đẩy mạnh số hóa các sản phẩm OCOP sẽ rút ngắn lộ trình đến với khách hàng và góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm.