Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vải thiều sấy khô – món quà đặc biệt của “đất vải”

07:12 18/08/2021 GMT+7

Để lưu giữ được sản phẩm lâu hơn và dễ vận chuyển trong quá trình tiêu thụ, người dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã chủ động sấy khô những quả vải thiều chất lượng. Vải thiều Lục Ngạn sấy khô có vị ngọt đậm, ăn dẻo, bùi nhưng vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng như những trái vải tươi.

Vườn vải thiều được trồng theo quy trình VietGAP của gia đình ông Lường Văn May ở xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Đức Thọ

Món quà tiện lợi và nhiều giá trị

Để đến với huyện Lục Ngạn “thủ phủ vải thiều” của tỉnh Bắc Giang, bất kể thời điểm nào trong năm, tại các điểm dừng chân, những cửa hàng tiện lợi… du khách sẽ đều bắt gặp những túi, hộp quà được đóng gói đẹp mắt trưng bày tại các vị trí trang trọng nhất. Đó là những quả vải thiều đã được sấy khô, không chỉ là đặc sản của vùng đất nơi đây mà còn là niềm tự hào, hàng năm đã đem về hàng nghìn tỷ đồng cho người dân Lục Ngạn.

Thưởng thức những quả vải thiều sấy khô, mọi người đều có cảm nhận ngay vị ngọt sắc lịm, có hương thơm dịu. Có thể nói những quả vải thiều sấy khô Lục Ngạn giống như một chiếc kẹo mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây. Ngay tại những điểm dừng chân với sự mến khách của gia chủ, khách hàng sẽ được nếm những quả vải khô cùng ấm trà nóng, làm cho du khách không thể quên hương vị sản phẩm cũng như tình người ấm cúng.

Quả vải thiều sấy khô là một món quà tiện lợi và nhiều giá trị, khách hàng có thể mua về để làm quà biếu. Quả vải thiều sấy khô bên cạnh việc sử dụng ngay còn có thể được dùng để ngâm rượu. Rượu vải thiều sấy khô có vị ngọt, dễ uống, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ nếu được sử dụng một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, quả vải thiều sấy khô đã được sử dụng trong một số bài thuốc Đông y hoặc dùng để làm mứt. Với hàm lượng đường, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, ăn vải thiều sấy khô có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, bổ sung khoáng chất. Cùi quả vải có chứa nhiều hợp chất hữu ích giúp máu tuần hoàn.

Trong phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người phương Đông, nếu ăn vải thường xuyên sẽ giúp máu tuần hoàn tốt, lợi tỳ, tốt cho người bệnh mới ốm dậy, suy nhược. Cùi vải khô là thuốc bổ nguyên khí có lợi cho sức khỏe phụ nữ và nhóm người cao niên. Theo nghiên cứu thì vải có tác dụng hạn chế tắc nghẽn mạch máu, phá hủy tế bào và giảm nguy cơ đột quỵ hơn 50%.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vải thiều sấy khô Lục Ngạn đã được bán rộng khắp trong và ngoài nước.

Giữ nguyên hương vị, bảo quản lâu dài

Vụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 7 dương lịch hàng năm. Bên cạnh việc thu hoạch vải thiều để bán tươi, người dân huyện Lục Ngạn còn có thêm phương pháp sấy những quả vải thiều chín. Vải thiều sấy khô được lựa chọn từ những vườn vải chất lượng, đáp ứng theo quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP. Dù đã trải qua gần 2 ngày trên nền nhiệt độ cao của lò sấy, nhưng những quả vải thiều sấy khô Lục Ngạn vẫn giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng như những quả vải thiều tươi.

Năm 2021, để hỗ trợ người dân trong việc sấy vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn đã khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình phát huy việc sử dụng các lò sấy vải đã có và xây dựng thêm các lò sấy mới. Mức hỗ trợ những lò sấy có diện tích từ 45m2 trở lên được hỗ trợ 4 triệu đồng/lò; lò có diện tích từ 20m2– 45m2 được hỗ trợ 2 triệu đồng/lò; lò sấy có diện tích từ 10m2 -20m2 được hỗ trợ 1 triệu đồng/lò. Đến nay huyện Lục Ngạn có khoảng 3.123 lò sấy vải thiều cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đã làm nghề sấy vải thiều trên 10 năm, ông Hoàng Văn Nam ở thôn Trại Ba (xã Quý Sơn huyện Lục Ngạn) cho biết: Năm 2021, là năm vải thiều được mùa, sản lượng tăng, để thu hoạch bán tươi hết thì rất khó bởi thời gian và nhân công không cho phép, vì vậy gia đình ông đầu tư hơn 200 triệu đồng xây lại lò cũ diện tích 80m2 và xây thêm lò mới hơn 70m2. Vì vậy, vụ này nhà ông sấy khoảng 120 tấn vải khô. Tiêu thụ cũng thuận lợi giá bán giao động từ 35.000-50.000 đồng/kg. Lại không phải lo như bán vải tươi, vì vải thiều sấy có thể để được cả năm.

Vải thiều Lục Ngạn sấy khô phải có màu vàng cánh gián đặc trưng.

Nâng tầm thương hiệu OCOP

Từ những giá trị của quả vải thiều khô ở Lục Ngạn, đã có hàng trăm gia đình gia đình và các HTX đã chủ động xây dựng lò sấy để phục vụ cho mùa vải nhiều năm qua như: HTX Cây ăn quả Lục Ngạn, HTX Lục Ngạn xanh, HTX Tâm Thịnh, HTX Hằng Hiếu, HTX Phì Điền…

Ông Phan Văn Nết – Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền cho biết: Để sấy vải thiều khô, HTX Phì Điền đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng hiện đại để sản xuất sản phẩm “Vải thiều sấy khô Lục Ngạn”. Quy trình sấy vải thiều hoàn toàn không sử dụng hóa chất và phụ gia thực phẩm. Vì vậy năm 2020, sản phẩm Vải thiều sấy Phì Điền đã là 1 trong số những sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX Phì Điền còn luôn nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang trong việc thay đổi nhãn mác, bao bì sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vải thiều sấy khô được đóng bằng túi bóng kính dán miệng, để tránh tiếp xúc với không khí, hạn chế nấm mốc. Được tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại ở trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng mở rộng thị trường.

HTX Phì Điền đã và đang gây dựng, khẳng định vị trí, uy tín thương hiệu tại hầu khắp các thị trường trong và ngoài nước nhờ chất lượng cao và đảm bảo an toàn VSTP. Đây cũng là cơ sở giúp HTX tự tin đưa vải thiều sấy khô Lục Ngạn vào thị trường châu Âu trong năm 2021 này, ông Phan Văn Nết phấn khởi cho biết thêm.

Cùng với hỗ trợ chi phí cho người dân xây lò sấy vải để quảng bá vải thiều sấy khô, UBND huyện Lục Ngạn cũng đẩy mạnh hỗ trợ những HTX, gia đình bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Qua đó đã giúp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới sản phẩm Vải thiều sấy khô Lục Ngạn.

Năm 2021, để hỗ trợ người dân trong việc sấy vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn đã áp dụng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng các lò sấy vải đã có và xây dựng thêm các lò sấy mới. Mức hỗ trợ từ 1 đến 4 triệu đồng/lò, tùy diện tích. Đến nay huyện Lục Ngạn có khoảng 3.123 lò sấy vải thiều.

Bài, ảnh: Tuấn Trung