Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vốn – Đòn bẩy giúp nhà nông vươn lên

16:02 27/04/2020 GMT+7

Nhiều năm qua, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An có những thay đổi vượt bậc nhờ biết vận dụng những thế mạnh vùng miền cũng như áp dụng khoa học kĩ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, việc được tạo điều kiện vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) kịp thời cũng như định hướng sản xuất đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Cam được coi là cây trồng chủ lực ở xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn).

Tập trung hỗ trợ các chi, tổ hội nghề nghiệp

Thông qua việc tạo vốn cho nông dân vay dưới hình thức các chi, tổ hội nghề nghiệp đã tạo nên tính gắn kết bền chặt, hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển sản xuất. Đặc biệt, qua các tổ hội, đã thu hút được đông đảo nông dân tin tưởng và tham gia vào tổ chức Hội. Chính việc hỗ trợ nguồn vốn thông qua các chi, tổ hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều trong quá trình quản lí, giám sát nguồn Quỹ HTND cũng như bám sát hơn điều kiện lợi thế từng vùng để chọn hướng đi phù hợp.

Việc triển khai dự án chi, tổ hội nghề nghiệp đi liền với nguồn vốn, lãnh đạo Hội cũng đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới trong sản xuất đã tạo thêm nhiều việc làm ổn định, nhiều mô hình, chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây được hình thành và cho năng suất cao. Điển hình như dự án trồng cây có múi tại Đỉnh Sơn (Anh Sơn); Dự án trồng Cam Xã Đoài (Nghi Lộc); Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Đàn); Mô hình làm chổi đót tại xã Hòa Hội, Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn); Mô hình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hưng Tân (Hưng Nguyên);…đã trở thành những mô hình điểm của Hội Nông dân tỉnh.

Năm 2019, từ nguồn vốn bổ sung của Trung ương ủy thác 1 tỷ đồng, Hội đã triển khai 1 dự án tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu thuộc chi hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Tham gia chi hội gồm có 20 hội viên với quy mô sản xuất trên 5ha. Đây là mô hình áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất chế biến rau màu, mô hình được đánh giá có nhiều kì vọng cho người dân.

Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) là địa phương có nghề truyền thống đánh bắt và chế biến hải sản. Phường hiện có 110 phương tiện khai thác hải sản chiếm 2/3 tổng số tàu thuyền toàn Thị xã. Việc đánh bắt hải sản của người dân nếu biết cách chế biến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Xác định rõ điều đó, Hội đã quyết định thành lập tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại phường Nghi Thủy với tổng nguồn quỹ là 550 triệu đồng. Nhờ sản lượng khai thác ổn định đã cung cấp một lượng lớn hải sản cho quá trình sản xuất và chế biến nước mắm của làng nghề.

Chia sẻ về hiệu quả từ mô hình, anh Võ Hồng Thạch – Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Từ ngày thành lập tổ hội đến nay, các thành viên trong tổ có ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc đưa thương hiệu nước mắm đến với người tiêu dùng và cũng từ đó, các hoạt động kinh doanh, tiếp thị sản phẩm ra ngoài thị trường được thuận lợi hơn. Hơn nữa, tính đoàn kết tương trợ nhau giữa các thành viên bền chặt và cùng chung chí hướng đưa nước mắm làng nghề trở thành thương hiệu được mọi người biết đến không chỉ thành phần dinh dưỡng đạm mà còn phảm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tiếp tục định hướng các tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ cho đô thị. Đồng thời, Hội tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kĩ thuật sản xuất cho hội viên, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông sản sạch sản xuất theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn Quỹ để các dự án, mô hình cũng đặc biệt được chú ý nhằm mang lại những điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên nông dân.

Giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND cho chi hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu).

Tiếp tục phát triển nguồn Quỹ

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do Hội Nông dân Nghệ An quản lý là hơn 62 tỷ đồng, trong đó: Cấp tỉnh quản lý gần 44.5 tỷ đồng bao gồm nguồn Trung ương ủy thác: 17.7 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh cấp: 25.5 tỷ đồng và nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động hơn 1.2 tỷ đồng; Cấp huyện xây dựng hơn 17.7 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, cấp tỉnh đã tiến hành xây dựng mới 13 dự án, với 164 hộ, nguồn Quỹ tăng thêm 2.5 tỉ. Công tác chỉ đạo vận động xây dựng nguồn Quỹ HTND cấp huyện đã được quan tâm chỉ đạo. Trong năm, nguồn cấp huyện vận động tăng thêm là 3 tỉ đồng. Có 20/21 huyện có trích nguồn ngân sách để xây dựng Qũy HTND cấp huyện. Trong đó có huyện Quỳ Châu cấp 50 triệu; các huyện cấp 100 triệu gồm Kỳ Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thái Hòa, Quế Phong; huyện Yên Thành cấp 150 triệu; các huyện cấp 200 triệu gồm Hoàng Mai, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Cửa Lò, Nghĩa Đàn, riêng Thành phố Vinh được cấp 300 triệu. Huyện Tương Dương không cấp ngân sách xây dựng Quỹ HTND.

100% các dự án quay vòng, cho vay mới trong năm 2019 đã tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư cho các mô hình kinh tế tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp sản xuất, chăn nuôi chế biến, dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có quy mô tập trung. Tất cả những dự án kinh tế trên địa bàn đều được triển khai theo đề án của tỉnh Hội.

Công tác vận động tăng trưởng nguồn vốn ở cấp tỉnh và cấp huyện đều cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó cấp tỉnh tăng gần 13% so với năm 2018. Cấp huyện có 9/21 huyện có vận động tăng trưởng nguồn đạt chỉ tiêu giao trong năm và có 6/21 huyện đạt chỉ tiêu trên 1 tỷ Quỹ cấp huyện( TP. Vinh trên 2 tỷ, các huyên đạt trên 1 tỷ: Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc).
Cùng với đó, việc triển khai, hướng dẫn các loại hồ sơ cho vay đảm bảo chặt chẽ, thực hiện các bước thẩm định mục đích sử dụng vốn, đối tượng tham gia các dự án, công tác đảm bảo tín chấp giữa hộ vay, tổ chức hội cơ sở và chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng để tăng cường công tác giám sát quá trình vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả và thanh toán gốc, phí đúng hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình giám sát nhất là vấn đề theo dõi thu chi các khoản phí.

“Các hộ tham gia vay vốn Qũy HTND các cấp đều có ý thức tham gia các hoạt động phong trào của Hội, tích cực tham gia Phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phát huy có hiệu quả việc xây dựng mô hình tổ hợp tác hoặc tổ hội nghề nghiệp góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Hải – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An

Bài, ảnh: Bùi Ánh