Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng làng nông thôn mới Saemaul: Bắt đầu từ nhu cầu của chính người dân

07:40 27/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xây dựng mô hình làng nông thôn mới tại các tỉnh, thành trong cả nước là một nội dung quan trọng của chương trình vận động các làng xã địa phương đạt tiêu chuẩn nông thôn mới quốc gia trong những năm qua. Trong số các đối tác hợp tác, Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn mới (Saemaul Globalization Foundation - SGF) Hàn Quốc là đơn vị trực tiếp vận động, xây dựng các làng nông thôn mới điển hình tại miền Trung và Nam bộ nước ta.

Ông Kwak Busung, Trưởng đại diện Văn phòng SGF tại Việt Nam chia sẻ cùng bạn đọc Tạp chí Nông thôn mới một số thông tin hoạt động này.

Ông Kwak Busung.

Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động triển khai mô hình làng Nông thôn mới của Quỹ toàn cầu hóa Nông thôn mới Saemaul Undong tại các tỉnh thành Việt Nam cho đến nay? Số lượng các làng đã có được, có đạt như kỳ vọng đặt ra của Quỹ?

- Mô hình và số lượng làng thí điểm Saemaul thành lập tại Việt Nam là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trên thực tế, một ngôi làng được chọn làm làng thí điểm Saemaul nên là nơi mà người dân địa phương có khát vọng thay đổi cuộc đời và sẵn sàng bỏ công sức, tâm huyết vì cộng đồng, vì cái chung. SGF không đặt chỉ tiêu số lượng bao nhiêu làng, mà chủ yếu sẽ tập trung vào 15 ngôi làng thuộc 8 tỉnh, thành của Việt Nam mà chương trình hợp tác của hai chính phủ đã chọn lựa.
 
Nguyên nhân nào, theo ông, hạn chế khả năng lan tỏa mô hình tại các làng nông thôn Việt Nam? So với mô hình vốn có ở Hàn Quốc, thực tế các làng Saemaul Undong tại Việt Nam đã có sự điều chỉnh linh hoạt nào khác, để phù hợp thực tiễn đời sống và hoàn cảnh người dân?

- Saemaul Undong là một cuộc cách mạng tinh thần của người dân Hàn Quốc. Phong trào này đã cải thiện giáo dục, tài chính, hạ tầng, kỹ thuật nông nghiệp và vai trò phụ nữ, cũng như quan hệ xã hội nông thôn Hàn Quốc từ những năm 1970 của thế kỷ trước.

Những người khởi xướng và thực hành phong trào đều dựa vào cơ sở khoa học và dữ liệu để phát triển hoạt động của Saemaul. Cá nhân tôi rất vui khi chiến lược mới của nông nghiệp Việt Nam chấp thuận hợp tác mô hình cuộc cách mạng này, liên quan đến công cuộc chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh. Đây là bước đi mạnh dạn của Việt Nam và cũng là định hướng để SGF có thể góp phần hỗ trợ cho các ngôi làng Saemaul. 
Phương pháp luận của phong trào Saemaul có từ cách đây hơn 50 năm, hiện không thể áp dụng chính xác vào các vùng nông thôn Việt Nam do nguyên nhân về khoảng cách thời gian và văn hóa. Vì vậy, SGF Vietnam đã phát triển phương pháp luận được điều chỉnh, bản địa hóa, phù hợp với văn hóa nông thôn Việt Nam. 

Phương pháp của chúng tôi tập trung vào cách hướng dẫn người nông dân tự nguyện tham gia phong trào và đạt được sự tự chủ (self-help). Khi họ là chủ thể các chương trình hành động, kết quả thu được mới thực tiễn và khả quan. Hay nói một cách khác, mô hình làng nông thôn mới cần đi từ người dân chứ không phải từ một chủ trương hay kế hoạch nào.

Một điểm cần chia sẻ là người dân tại các ngôi làng Việt Nam cũng ý thức được sự lạc hậu và họ mong muốn được học tập những cách thức vận hành của Hàn Quốc. Do đó, thời gian qua, mô hình làng nông thôn mới Saemaul đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid 19 cũng như các qui định tạm thời đã làm gián đoạn các kế hoạch của SGF. Chúng tôi mong muốn trong năm 2022, chúng tôi sẽ được tạo điều kiện nhiều hơn trong các hoạt động của Quỹ … 

Khởi công thêm hạng mục văn hóa dân cư tại làng nông thôn mới Thái Lai (Đà Nẵng) vào tháng 1/2021, thể hiện tinh thần tiếp tục phát triển mô hình không ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Vậy trong thời gian tới, Quỹ sẽ có kế hoạch triển khai, điều chỉnh thế nào để áp dụng hiệu quả hơn mô hình các làng nông thôn mới? Cần có sự chung tay, hợp tác từ các chính quyền cơ sở hay chính sách chung như thế nào để việc triển khai này đạt hiệu quả thực chất?

- Chính phủ Việt Nam ở cấp Trung ương và địa phương đã hỗ trợ SGF rất nhiều trong quá trình triển khai dự án tại Việt Nam trong thời gian qua. Càng ngày, chúng tôi càng nhận thấy chiều hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trở nên tích cực. Chúng tôi tin tưởng thời gian tới, các chính sách, hành động cụ thể này sẽ tăng thêm.

Riêng đối với SGF, chúng tôi vẫn triển khai dự án theo phương pháp trực tiếp làm việc với người dân các ngôi làng Saemaul, cũng như hợp tác với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cụ thể như ở hai dự án ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Đặc biệt về vấn đề hỗ trợ người nông dân năng lực chuyên canh sản xuất các loại cây trồng, thổ sản giá trị nhằm tăng hiệu quả hàng hóa, hướng vận động, kết hợp các nhà khoa học, nghiên cứu cùng hợp tác với Quỹ, theo ông cần có những bổ sung, hỗ trợ nào?

- Trong năm 2021, dựa trên chính sách của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã cùng các đối tác Việt Nam như Trường Đại học Kinh tế Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên, và trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cùng các chuyên gia trong, ngoài nước tìm và lựa chọn những bước phát triển tích cực cho sản phẩm nông nghiệp ở các ngôi làng Saemaul tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đều được chia sẻ cho người dân ở những ngôi làng Saemaul liên quan để họ nắm rõ và góp ý cùng chúng tôi. Tất cả vẫn đang được tiến triển.
 Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Nguyên Đức (thực hiện)

TỪ KHÓA #nông thôn mới