Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

An Giang khai mạc "Ngày hội Mắm Châu Đốc"

13:11 21/04/2022 GMT+7
Tối 20.4, tại TP.Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang tổ chức khai mạc "Ngày hội mắm Châu Đốc - Đặc sản các vùng miền năm 2022"". Ngày hội mắm Châu Đốc - Đặc sản các vùng miền năm 2022 nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).

Tôn vinh các hộ sản xuất, kinh doanh mắm. Ảnh Angiangonline

Ngày hội thu hút 180 gian hàng của 150 đơn vị đến từ An Giang và 19 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, chia làm 3 khu vực: Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang; khu triển lãm các tỉnh, thành phố; khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi (trái) trao đổi với hộ kinh doanh mắmẢnh Angiangonline

Khu trưng bày giới thiệu "Đặc sản các vùng miền năm 2022" triển lãm theo 4 chuyên đề chính: Mắm - lúa gạo - thủy sản - khô. Khu vực triển lãm tôn vinh ngành Mắm An Giang sẽ tạo điểm nhấn, giới thiệu quá trình hình thành, phát triển làm nên thương hiệu của nghề làm Mắm Châu Đốc - An Giang. 

Sản phẩm mắm tại ngày hội. Ảnh Angiangonline

Ngày hội còn là ngôi nhà chung triển lãm "An Giang - Tiềm năng - Cơ hội đầu tư" trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh An Giang. Kèm theo đó là 4 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày văn hóa, văn nghệ, ẩm thực của 4 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang.

Phát biểu khai mạc ngày hội, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - nhấn mạnh: Sự kiện "Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022" sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu phát triển của thị trường.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu các sản phẩm và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm làm ra.

Ông Trần Anh Thư cho rằng, qua sự kiện này, không chỉ các đơn vị mở rộng được thị trường mà mặt khác, tỉnh An Giang cũng có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đa dạng, phong phú và nét đẹp văn hóa truyền thống của 4 dân tộc Kinh - Khmer - Chăm - Hoa sinh sống tại tỉnh An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tại lễ khai mạc, Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao bằng và huy hiệu xác nhận kỷ lục "Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam bộ nhất tại Việt Nam". Ban Tổ chức Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 đã vinh danh, trao kỷ vật tặng 17 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh mắm truyền thống, những đơn vị góp phần tạo nên danh tiếng nghề mắm hơn trăm năm qua của vùng đồng bằng châu thổ; đồng thời tri ân những địa phương có chương trình biểu diễn cộng đồng tại ngày hội, gồm các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An và các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận kỷ lục cho UBND TP. Châu Đốc. Ảnh Angiangonline

Trong khuôn viên ngày hội, Ban Tổ chức đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ lúa gạo, thủy sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm du lịch, ẩm thực các địa phương, các món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc; thiết kế tiểu cảnh tái hiện và tôn vinh nghề làm khô, mắm truyền thống của người dân An Giang xưa - nay; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của TP. Châu Đốc.

 Đồng thời, phục dựng 4 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày - văn hóa văn nghệ - ẩm thực của dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa đang sinh sống trên địa bàn An Giang. Cùng với đó là gian hàng tái hiện đời sống văn hóa kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer - tỉnh Sóc Trăng; cồng chiêng - tỉnh Đắk Lắk, Tây Bắc; đờn ca tài tử - tỉnh Bạc Liêu; xiếc - tỉnh Long An…

Biểu diễn nhạc cụ Khmer tại lễ hội. Ảnh Angiangonline

Một trong những hoạt động thu hút khách tham quan là không gian văn hóa ẩm thực, giới thiệu các món ăn địa phương chế biến từ mắm và một số món ăn đặc trưng của An Giang. Song song đó là chương trình giao lưu văn nghệ giữa các đơn vị tham gia với du khách; tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian; hoạt động chấm giải “Gian hàng đẹp và ấn tượng”. Ngoài ra, còn có hội nghị kết nối giao thương chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch”.

Các đại biểu và khách tham quan các gian hàng tại ngày hội mắm. Ảnh Angiangonline

Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022 mở cửa từ 8 giờ sáng đến 21 giờ 30 phút hàng đêm, bắt đầu từ ngày 20 - 24/4, vào cổng miễn phí. Trong đó, ngày 20/4 có biểu diễn cộng đồng và giao lưu văn nghệ các tỉnh, thành phố; ngày 21/4 là biểu diễn cộng đồng dân tộc Khmer Sóc Trăng và xiếc Long An; ngày 22/4 có biểu diễn cồng chiêng Đắk Lắk, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, uống rượu cần; ngày 23/4 là hoạt động giao lưu đờn ca tài tử Bạc Liêu – An Giang và các tỉnh, thành phố; ngày 24/4 tổ chức trao giải “Gian hàng đẹp, ấn tượng” và hoạt động tổng kết ngày hội.

Công Duy (tổng hợp)