Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bản vùng cao Sơn La xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Kiều Thanh Tâm - 11:40 05/09/2024 GMT+7
Những ngày vừa qua, đường về bản Thồng Phiêng xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La phấp phới cờ hoa, khang trang, sạch đẹp. Đây là một trong những bản đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thồng Phiêng - bản nông thôn mới ở vùng cao Sơn La

Bản Thồng Phiêng xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nằm ngay bên Quốc lộ 6, có 76 hộ gia đình với 286 nhân khẩu thuộc dân tộc Kinh và dân tộc Thái cùng sinh sống. Bản có khoảng 37ha sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, trong đó có 7ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, xoài, bưởi… Thu nhập của người dân trong bản chủ yếu là từ chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ, dịch vụ vận chuyển.

Từ năm 2016, bản Thồng Phiêng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và Chiềng Pằn là xã đầu tiên của huyện Yên Châu cán đích nông thôn mới. Từ đó đến nay, người dân trong bản vẫn tiếp tục hưởng ứng tốt các phong trào thi đua, đảm bảo duy trì các tiêu chí bản nông thôn mới, tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, bản nông thôn mới kiểu mẫu.

ban thong phieng xay dung nong thon moi 1
Cung đường về bản Thồng Phiêng (xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) phấp phới cờ hoa, khang trang, sạch đẹp trong ngày Lễ Quốc khánh vừa qua.

Giữa cái nắng vẫn còn gay gắt của một chiều cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Văn Ngân, Trưởng bản Thồng Phiêng để nghe kể về những câu chuyện xây dựng nông thôn mới của bản. Ông Ngân quê gốc ở Hưng Yên, năm 11-12 tuổi, ông theo gia đình lên Yên Châu, Sơn La khai hoang, lập nghiệp. Gắn bó với mảnh đất Yên Châu đã 45 năm, ông Ngân đã chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này, để rồi khi trở thành cán bộ bản, ông càng quyết tâm đem cái hay, cái tốt về cho bản, cho người dân nơi đây. 

Ông Ngân tâm sự: “Tôi bắt đầu làm cán bộ bản từ năm 2004, khi đó còn là bản Chiềng Thi của xã Chiềng Pằn. Đến năm 2008, bản Thồng Phiêng được thành lập, tôi lại được giao nhiệm vụ làm trưởng bản. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cả bản có gần 60 hộ, với thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm. Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nhờ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự cố gắng của mỗi gia đình trong bản, đời sống của người dân chúng tôi được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, bản đã tăng lên 76 hộ, thu nhập trung bình hàng năm của người dân đã tăng lên đến hơn 62 triệu đồng/người/năm".

ban thong phieng xay dưng nong thon moi
Tại bản Thồng Phiêng, thu nhập của người dân chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ, dịch vụ vận chuyển.

Từ ngày thực hiện chương trình nông thôn mới, ông Ngân và Ban quản lý bản cùng các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh trong bản đã luôn gương mẫu trong các hoạt động, phong trào của bản; đồng thời, tích cực tuyên truyền đến bà con dân bản những chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua do xã, huyện, tỉnh phát động. “Chúng tôi có rất nhiều cách để đưa thông tin đến với người dân trong bản, có thể sử dụng qua loa đài phát thanh, các nhóm Zalo, Facebook, các tổ liên gia tự quản… Nhưng quan trọng nhất là hình thức sinh hoạt bản trực tiếp. Sinh hoạt trực tiếp giúp chúng tôi tháo gỡ được rất nhiều điều cần giải đáp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong bản để chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”, ông Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, năm đầu tiên thực hiện xây dựng nông thôn mới, công tác vận động các hộ hiến đất mở đường còn gặp phải vướng mắc, khó khăn do bà con chưa nghe ra, chưa hiểu. Vì thế, cũng có những ý kiến trái chiều, những sự chưa đồng thuận trong nội bộ bản. Khi ấy, ông Ngân cùng Ban quản lý bản xác định, dân chưa đồng thuận là do dân chưa hiểu làm nông thôn mới là để cho dân, vì dân và chính người dân là đối tượng thụ hưởng… Thế là, ông Ngân cùng Ban quản lý bản lại đến từng hộ gia đình giải thích, chia sẻ với bà con; tháo gỡ những khúc mắc trong cách nghĩ, thống nhất tìm giải pháp tốt nhất trong cách làm. Người dân thêm hiểu biết pháp luật, thêm hiểu về quyền lợi và trách nhiệm của mình, thêm niềm tin với cán bộ nên chỉ sau 1 thời gian ngắn tuyên truyền, vận động, các hộ đều đồng lòng, hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhà hiến đất mở đường, nhà góp tiền, góp sức làm đường điện chiếu sáng nội bản, làm đường vào nhà văn hóa bản, làm đẹp cảnh quan chung… Nhờ vậy, con đường vào bản thêm rộng rãi, khang trang, sạch đẹp.

ban thong phieng xay dung nong thon moi 4
Là trung tâm của xã Chiềng Pằn, trên địa bàn bản Thồng Phiêng có trường mầm non, trường phổ thông cơ sở và trạm y tế xã. 

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo Thồng Phiêng đã có nhiều khởi sắc. Tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, nhà văn hoá bản đã được xây dựng kiên cố, khang trang. 100% hộ trong bản có nước sạch, được phủ sóng điện thoại, internet; 70-80% hộ có camera an ninh giám sát. 100% hộ dân trong bản ký cam kết bảo vệ môi trường, trồng cây làm đẹp cảnh quan; tham gia bảo hiểm y tế, có sổ khám chữa bệnh điện tử; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, nhiều gia đình đầu tư cho con em theo học đại học, cao đẳng…

Là trung tâm của xã Chiềng Pằn nên trên địa bàn bản Thồng Phiêng có trường mầm non, trường phổ thông cơ sở, trạm y tế xã. Hiện cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo nhưng là do nguyên nhân thiên tai, hỏa hoạn. Bản có 4 hộ gia đình được tỉnh khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, 70% số hộ được công nhận là gia đình văn hóa liên tục trong 3 năm. An ninh trật tự của bản được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội.

ban thong phieng xay dung ban nong thon moi kieu mau 3
Nhà văn hoá bản Thồng Phiêng được xây dựng kiên cố, khang trang và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Đây là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt bản của bà con bản Thồng Phiêng. 

Bà Đào Thị Dĩnh, bản Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn, hồ hởi cho biết: Cứ có phong trào, hoạt động gì là anh chị em trong bản chúng tôi đều sẵn sàng tham gia chung sức. Ngay như vừa rồi, chị em trong bản chúng tôi đã cùng nhau vệ sinh, trồng thêm cây xanh trong khuôn viên công trình chung tại nhà văn hóa bản. Bây giờ ai cũng hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới là làm cho nhà mình, cho bản mình, cho hôm nay và cho ngày mai nên chẳng ai nề hà gì cả.

Cũng theo bà Dĩnh, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của bản Thồng Phiêng phát triển mạnh và lan toả rộng rãi trong cộng đồng. Từ thói quen trở thành nếp sống, bà con trong bản không chỉ tham gia sôi nổi các hoạt động thể dục, thể thao nâng cao sức khoẻ mà còn thường xuyên tổ chức luyện tập, giao lưu văn hóa, văn nghệ hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Năm 2023 và năm 2024 này, đội bóng chuyền của bản Thồng Phiêng đều đạt được giải Nhất bóng chuyền hơi nam nữ nhân kỷ niệm ngày lễ Quốc khánh của xã Chiềng Pằn. Các hội, đoàn thể của bản như chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh, chi hội nông dân, đoàn thanh niên hoạt động tích cực, hiệu quả, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động, chung tay xây dựng nông thôn mới.

ban thong phieng xay dung nong thon moi 4
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao là một trong những thế mạnh của bản Thồng Phiêng. Ảnh: Do nhân vật cung cấp.

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí "bản nông thôn mới kiểu mẫu"

Xã Chiềng Pằn có 9 bản, trong đó bản Chiềng Phú đã được công nhận bản nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Trong năm 2024, xã Chiềng Pằn phấn đấu xây dựng bản Thồng Phiêng đạt chuẩn bản nông thôn mới kiểu mẫu và bản Sốp Sạng đạt chuẩn bản nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, xã Chiềng Pằn đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo; tích cực vận động tuyên truyền, tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua tới các bản, nhóm cũng như từng hộ dân; đồng thời, định kỳ tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí…

Ông Lường Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cho hay: Bản Thồng Phiêng được lựa chọn để xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã vì sở hữu nhiều lợi thế như ở ngay trung tâm xã và đã thực hiện tốt các tiêu chí của bản nông thôn mới. Đến nay, bản Thồng Phiêng đã đáp ứng được gần hết các tiêu chí của bản nông thôn mới kiểu mẫu, chỉ còn 2 tiêu chí là giao thông và văn hóa đang được khẩn trương hoàn thành, nỗ lực phấn đấu để trong năm nay, bản được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu. 

ban thong phieng xay dung nong thon moi 5
Bà con bản Thồng Phiêng tham gia vệ sinh, trồng thêm cây xanh trong khuôn viên công trình chung tại nhà văn hóa bản. Ảnh: Do nhân vật cung cấp.

Để khai thác các lợi thế của địa phương, giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn và huyện Yên Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; đồng thời, dự kiến hỗ trợ dân bản Thồng Phiêng thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hoá, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp; từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. 

Khẳng định quyết tâm của bà con bản Thồng Phiêng với mục tiêu đạt chuẩn bản nông thôn mới kiểu mẫu, ông Hà Văn Ngân, Trưởng bản Thồng Phiêng, chia sẻ: “Đời sống của bà con bản Thồng Phiêng chúng tôi được như hôm nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền. Chúng tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được; đồng thời tiếp tục phấn đấu để hoàn thành những tiêu chí cao hơn, khó hơn vì mục tiêu chung cũng như vì hạnh phúc của mỗi gia đình trong bản”. 

ban thong phieng xay dung nong thon moi 6
Thời gian tới, bản Thồng Phiêng phấn đấu sẽ có những hợp tác xã chuyên về dịch vụ như vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, vận tải hàng hóa...

Có mục tiêu hướng tới rõ ràng, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp trên, có sự đồng thuận cao của người dân, bản Thồng Phiêng có cơ hội để cán đích bản nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024./.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Tại chương trình Gặp mặt với các cơ quan thông tấn, báo chí vào chiều ngày 13/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã cung cấp nhiều thông tin về sự phát triển, tăng trưởng của ngành. Những kết quả ấy đã tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.