Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Bắt tay” hợp tác để nâng tầm giá trị nông sản

16:07 27/11/2019 GMT+7

Từ khi các hộ nông dân liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, Hội Nông dân (ND)… đến nay hội viên nông dân xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, An Giang đã có sản phẩm chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Ông Bùi Văn Quý – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi luôn chú trọng các biện pháp kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Tuấn

Thoát nghèo nhờ tham gia tổ hội nghề nghiệp

Nhiều năm qua, nhiều hộ nông dân xã Lê Trì phải loay hoay, vất vả với cây trồng vật nuôi kém hiệu quả trên vùng triền núi cách trở. Sau khi được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, Hội ND xã thành lập Tổ Làm vườn, từ đó các hội viên được tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật trong trồng trọt, có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tăng năng xuất cho cây trồng…

Nhận thấy mô hình liên kết từ Tổ hội nghề nghiệp có hiệu quả, đầu năm 2019, HTX Dịch Vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi chính thức được thành lập, dù rất mới nhưng đã thu hút được 36 xã viên tham gia là các nhà vườn trồng cây xoài ở xã Lê Trì và Ba Chúc, với diện tích trồng 56,4ha, vốn góp là 700 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Quý – Giám đốc HTX cho biết: “Là thành viên của Tổ Làm vườn do Hội ND xã phát động từ năm 2016, trong quá trình hoạt động chúng tôi luôn được quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương, Hội ND xã, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của phòng Nông nghiệp huyện, đồng thời các hộ nông dân thuộc thành viên HTX còn được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân với số tiền 650 triệu đồng.

Với vai trò người đứng đầu, tôi luôn tìm tòi những cách làm hay từ việc đi thăm quan nhiều mô hình ở nhiều nơi khác để về áp dụng cho vườn nhà mình, từ đó rút kinh nghiệm rồi chia sẻ cho bà con cùng làm. Ngoài ra, HTX còn hợp tác với một số doanh nghiệp về vật tư nông nghiệp, phâm bón… và hợp tác với đơn vị bao tiêu sản phẩm có uy tín, từ đó xã viên đã thấy rõ được hiệu quả của mô hình hợp tác này”.

Để tăng hiệu quả cho bà con xã viên, HTX đã “xử lý” cho ra trái xoài nghịch vụ. Mỗi đợt thu hoạch, HTX xuất bán cho thương lái trên 100 tấn trái, đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng. Nắm được thế mạnh và xu thế trong sản phẩm sạch, HTX đã mạnh dạn tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP.

Nhờ áp dụng phương pháp này, những vườn xoài được đưa vào áp dụng đã đạt kết quả khả quan. Thay vì trước đây, mỗi vụ thường bón phân từ 12-15 lần, mùa mưa, lượng phân bón, thuốc BVTV cũng như số lần phun, xịt thuốc tăng. Từ khi canh tác theo VietGAP, số lần bón phân giảm xuống còn 8 -10 lần.

“Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm đáng kể, cái lợi trong việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP là ứng dụng quy trình sản xuất sạch, ít sử dụng thuốc BVTV, sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… đáp ứng nhu cầu của thị trường” – ông Bùi Văn Quí, cho biết thêm.

Tăng giá trị nông sản

Vừa qua, Trung Tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II cấp mã số vùng trồng xoài cát Hòa Lộc cho 11 hộ với diện tích 20ha, thuộc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi. Việc cấp mã số vùng trồng xoài nằm trong chương trình xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính Mỹ, Úc, Hàn Quốc…

Lễ ra mắt HTX Dịch Vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi thu hút nhiều xã viên tham gia và sự được quan tâm sâu sắc từ các cấp chính quyền. Ảnh: Hội ND xã Lê Trì cung cấp.

Ngày 18.5.2019, HTX đã ký kết bán 1 tấn xoài Cát Hòa Lộc cho Công Ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) với giá 49.000đ/kg, để công ty xuất sang thị trường Mỹ, trong khi xoài cát Hòa Lộc hiện tại người dân nơi đây chỉ bán được cho thương lái địa phương với giá dao động từ 10.000- 15.000đ/kg.

Có thể nói, đây là bước khởi đầu giúp HTX có thêm nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm xoài các loại, đồng thời nhằm tạo niềm tin cho xã viên phấn đấu hơn nữa trong canh tác, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật chăm sóc xoài đạt đúng quy trình VietGAP, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo uy tín, đầu ra ổn định. Hy vọng trong thời gian tới, HTX sẽ có nhiều xã viên đăng ký tham gia học hỏi kinh nghiệm sản xuất nhằm góp phần tăng sản lượng sản phẩm từ trái xoài ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, HTX cũng đối mặt với một số khó khăn. Ông Quý nói: “Chúng tôi không khỏi nỗi lo về nguồn nước tưới. Bến Bà Chi là vùng triền núi, nguồn nước chủ yếu trông cậy vào trời mưa. Với cây xoài sức chịu hạn rất tốt, nhưng để có được sản phẩm đạt năng suất, chất lượng thì việc cung cấp nước đầy đủ cho cây là điều kiện rất khó khăn hiện tại đối với HTX. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tốt về cung cấp nước tưới kịp thời cho vườn xoài nơi đây, giúp bà con mạnh dạn chuyển đổi những loại cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nói chung và cây xoài nói riêng có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Ông  Nguyễn Văn Hữu Phước – Phó Chủ tịch Hội ND xã Lê Trì cho biết thêm, việc canh tác xoài theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều mặt thuận lợi như: tiết kiệm chi phí SX, thị trường tiêu thụ rộng lớn; sản phẩm làm ra sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

“Thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho sản phẩm xoài ở bến Bà Chi, đặc biệt là các hộ canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật để chăm sóc cây xoài theo hướng an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xoài nói riêng, các loại cây trồng thế mạnh của địa phương nói chung. Qua đó, góp phần đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”- ông Phước cho biết.

Ngày 18.5.2019, HTX đã ký kết bán 1 tấn xoài Cát Hòa Lộc cho Công Ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) với giá 49.000đ/kg, để công ty xuất sang thị trường Mỹ, trong khi xoài cát Hòa Lộc hiện tại người dân nơi đây chỉ bán được cho thương lái địa phương với giá dao động từ 10.000- 15.000đ/kg.

Hoàng Tuấn