Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá bán hồ tiêu thấp, chất lượng cây suy thoái, nhà nông Đăk Lăk gặp khó

Nguyên Đức - 09:45 16/08/2022 GMT+7
Mặc dù đã sắp vào cuối vụ thu hoạch mùa hồ tiêu năm nay, nhưng giá tiêu tiếp tục “đứng” ở mức thấp. Thực tế đó cùng với hiện tượng suy thoái chất lượng cây trồng, đang khiến nhiều nông dân Đắk Lak lo lắng. Họ kỳ vọng thị trường sẽ sớm có những biến chuyển tích cực hơn, có điều khả năng đó khá... mong manh!

Chị Trần Thị Thu Hương, một trong những đại lý thu mua hồ tiêu ở thôn 2 xã Cư Ebua (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tính từ mùa vụ hồ tiêu năm ngoái đến nay, giá bán ra trên thị trường liên tục giảm. Chỉ mới hơn 2 tháng qua, các tín hiệu tiêu thụ có vẻ tốt hơn, nhưng mức giá thu mua của các đại lý tại Đắk Lắk vẫn chưa đạt mong muốn của đa số nông dân. Thị trường hồ tiêu địa phương năm nay, vì thế vẫn đang tiếp tục ảm đạm.

Những cọc tiêu chết lụi dần ở vùng hồ tiêu Cư Kuin (Đắk Lắk).

Giá tăng giảm thất thường

“Phải nói rõ, là giá hồ tiêu luôn được người trồng so sánh với giá café, loại sản phẩm phổ biến ở đây. Hai café một tiêu, ấy là mức cân đối được, tức giá 2 kg café tương đương 1 kg hồ tiêu. Khi ấy, hộ trồng tiêu mới đảm bảo bù được chi phí sản xuất và có ít lợi nhuận”. Chị Hương giải thích. Và từ phép so sánh này, chị nhìn nhận, giá hồ tiêu từ năm 2021 lại đây, là “lỗ toàn tập”.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Trinh (Buôn Ma Thuột) chia sẻ, giá thu mua hồ tiêu vào giữa năm 2021 lại đây đã luôn giảm, thấp nhất là đầu mùa hạ vừa qua, chỉ có 62.000 đồng/kg. Gần 2 tháng qua, mức giá này nâng lên 71.000 đồng/kg. Song nếu so sánh với giá café, bình quân dao động tầm 44.000 đồng/kg, thì giá hồ tiêu bán ra của người nông dân, phải đạt 88.000 đồng/kg. Đây là chưa nói đến hiện trạng sản xuất, đầu vào đầu tư của người nông dân biến động bất ổn, từ giá xăng dầu, nhân công cho đến phân bón, vật tư nông nghiệp, phí chuyên chở hàng hóa…

“Giá thị trường thất thường, vì thương lái cũng không đủ chủ động trước diễn biến thị trường. Tuần trước, khả năng giá lên 72.000 thì nay có thể còn 70.000 đồng. Người trồng tiêu vì thế rất hoang mang”. Ông Quang nhấn mạnh.

Bởi thực tế mất cân đối về giá cả hàng hóa và đầu tư canh tác như vậy, đa số nông dân trồng hồ tiêu tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk hay các khu vực khác, đều đang chọn giữ sản phẩm, không bán ra. Một số nông dân khẳng định, với giá bán dưới giá thành đầu tư hiện nay, họ bán ra chỉ là cực chẳng đã, ví dụ gia đình có sự cố, cần tiền. Vì bán xong, nông dân bỏ vốn đầu tư vụ mới, đã thấy chi phí tăng, khả năng cuối vụ thu hoạch so lại chỉ có lỗ, tốn công.

Nguy cơ giảm diện tích hồ tiêu

Theo chị Hương và một số đại lý thu mua hồ tiêu khác, lợi thế cây hồ tiêu từng được đánh giá cao ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, nhưng hiện nay lợi thế đó thực sự đang giảm. Dù ngành nông nghiệp chưa cảnh báo trực tiếp, song những năm qua, diện tích đất canh tác hồ tiêu đã giảm. Chị Hương tiết lộ, gia đình chị từ 6 sào hồ tiêu ở Cư Ebua và hơn 1,5 ha ở Ea Kao (Buôn Ma Thuột) nay chỉ co cụm lại một ít, còn lại chuyển qua trồng nông sản khác, như bơ, sầu riêng…

Đây cũng là cảnh ngộ chung ở nhiều điểm canh tác hồ tiêu nổi tiếng, tại huyện Cư M’gar, Krông Pắk hay Cư Kuin, khi chỉ số giá hồ tiêu ngày càng giảm trong khi diện tích trồng một số loại nông sản tăng lên. Có điều, nhiều nông dân thấu hiểu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong bối cảnh nông nghiệp hiện nay, nên lưỡng lự không dám chạy theo trào lưu "nóng đâu bâu đó”. “Cứ thấy cây gì bán được, bà con đổ vào trồng, khi thu hoạch lại rơi vào điểm chết thị trường, thương lái dội chợ không mua, thì nông dân cứ thế kéo nhau đi vào cùng cực”- Anh Phạm Văn Quang chia sẻ.

Theo phản ảnh của nông dân, chất lượng cây hồ tiêu tại một số nơi ở Đắk Lắk đang "có vấn đề", khi sau hơn 10 năm gieo trồng phát triển, đã có dấu hiệu bị suy thoái giống và bị các loại dịch bệnh xâm hại. Điều này liên quan ít nhiều đến việc hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thiếu đi sự liên kết giữa người nông dân với các cơ sở khoa học, giám sát của cơ quan quản lý về canh tác đất đai. Một trong những nguyên nhân là khi dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu… bị nông dân sử dụng tăng lên quá nhiều, chất lượng đất canh tác nói chung, đất canh tác hồ tiêu bị giảm xuống.

Đây là cảnh báo rất đáng lưu tâm, và có thể là một trong những điểm bắt đầu cần xử lý, nhằm ổn định lại chất lượng hồ tiêu. Cụ thể đến nay, tại huyện Cư Kuin, vùng có sản lượng hồ tiêu lớn của Đắk Lắk, nhiều nông dân phản ảnh canh tác không còn thuận lợi, phần lớn hồ tiêu trồng lên sau 4 tháng là vàng lá và chết.

“Chắc chắn là có sâu, nấm trong đất trồng ở các rẫy, nên cây tiêu cứ lớn là bị chết. Nhưng nông dân bọn tui thì không biết cách để trị, cứ phun thuốc, bón phân tăng thêm thôi, mà càng làm thì càng tốn kém và nguy hiểm” - ông Nguyễn Văn Xuân, nông dân thôn Lô 13, xã Dray Bhăng (Cư Kuin) thổ lộ. Ông cho biết, gia đình có hơn 2 hecta hồ tiêu từ nhiều năm qua, nay gần như đất phải bỏ hoang. Nhiều hộ gia đình xung quanh nhà ông cũng lâm tình cảnh tương tự.

Rõ ràng, với hiện trạng thị trường giảm giá, canh tác gặp khó khăn, người nông dân trồng hồ tiêu ở Đắk Lắk nói riêng, và Tây Nguyên nói chung đang cần được hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan chức năng, từ chính sách nông nghiệp và đầu tư thị trường nông sản chung, và cần sự hợp tác với các đơn vị khoa học công nghệ để có những thay đổi tích cực hơn. Song, cho đến nay, vấn đề nêu trên vẫn chưa được cải thiện đáng kể, và rất nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở Tây Nguyên sau khi dốc hết nỗ lực vẫn không giải quyết được vấn đề, đành ngồi chờ tín hiệu giá cả bấp bênh từ thị trường mà... thở dài!