Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần giải pháp căn cơ, sát thực tiễn hơn cho tiêu thụ nông sản

13:08 28/07/2021 GMT+7

Những ngày qua, tình trạng hàng nông sản như: trái cây, rau củ, thuỷ hải sản, thịt gia cầm… nhiều nơi đầu ra vẫn rất dồi dào nhưng việc điều phối cung ứng gặp nhiều khó khăn, xảy ra tình trạng ùn ứ hàng cục bộ, nơi thừa nơi thiếu.

Nông sản ùn ứ do đâu?

Thời điểm này, việc thu mua nông sản đặc biệt là trái cây, rau xanh tại một số địa phương phía Nam vẫn gặp một số trở ngại, xảy ra tình trạng ùn ứ một vài nơi. Tại Long An, việc lưu thông, vận chuyển nông sản còn vướng một số vấn đề. Cụ thể, do chỉ có 1/3 số đầu xe của các hợp tác xã được hoạt động nên việc thu mua lúa, chanh, rau củ hạn chế, thương lái ngại khâu vận chuyển. Thêm vào đó là thương lái từ các tỉnh khác không được vào Long An vì yêu cầu chống dịch. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến vẫn đang chờ thẩm định phương án “3 tại chỗ” nên phải ngừng hoạt động. Tất cả khiến nông sản bị ùn ứ tại một số địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Cường, đại diện Hợp tác xã rau Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, trước đây mỗi ngày hợp tác xã thu mua trên 20 tấn rau củ, trái cây đưa đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM tiêu thụ nhưng 3 ngày nay thì đang gặp trục trặc trong đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch nên hàng hoà ùn ứ.

“Bữa giờ hàng ùn ứ phải đem cho đi làm viện trợ từ thiện. Ngay giai đoạn hiện tại như hôm nay, gặp rất nhiều khó khăn về nhận mã QR. Cấp chậm trễ, nếu được có cấp thì phần mềm của cổng thông tin Bộ Giao thông vận tải bị lỗi, mình nhận thông tin được cấp nhưng không thể in ra được. Giờ vẫn còn nhiều xe chờ đưa hàng đi nhưng hôm nay vẫn chưa được cấp mã nên đành chờ”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Qua kết nối của Tổ công tác 970 – Hợp tác xã rau Mỹ Thạnh Long An hiện đã giải quyết được nơi tiêu thụ ổn định.

Còn tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, các nhà vườn đang thu hoạch nhãn nhưng do hạn chế trong khâu vận chuyển, phân phối nên chấp nhận bán giá thấp, chưa đến 16.000 đồng/kg để vớt vát vốn đầu tư. Thế mà, nhãn sẵn, nhân công sẵn nhưng thương lái vẫn không mặn mà thu mua. Ước tính, huyện Xuyên Mộc đang có khoảng 1.000 tấn nhãn xuồng cần phải bán ra trong 3 ngày tới. Dù hệ thống tiêu thụ ở một số địa phương vẫn có đơn đặt hàng nhưng nông dân không có kinh nghiệm điều phối, vận chuyển đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, nên thời điểm này chỉ trông chờ vào sức mua của thì trường TP.HCM.

“TP.HCM cấm tất cả mọi hoạt động từ 18 giờ đến 6 giờ sáng thì xe tải cũng không được hoạt động, trừ xe cấp cứu. Nhãn thì sáng nhà vườn hái vẫn chuyển đi giao luôn. Từ 13 đến 15 giờ là đưa đi thẳng vào TP.HCM giao, không để qua ngày. Như vậy khi đến nơi là 17 giờ đến 18 giờ”, ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội nông dân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay.

Mở rộng mạng lưới tiêu thụ

Được biết, TP.HCM đến thời điểm này đã tạo thuận lợi tối đa trong điều kiện có thể để nông sản từ các tỉnh về đến các điểm phân phối, như: siêu thị, cửa hàng bách hóa… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, hiện nay, điều kiện sản xuất nông nghiệp của TP đáp ứng được khoảng 10 đến 20% tổng nhu cầu của người dân, còn lại đều nhập từ các tỉnh. Tuy nhiên, các chợ đầu mối và chợ truyền thống đóng cửa nên việc tiếp nhận cũng ở mức giới hạn. Bên cạnh đó, sức mua của người dân có xu hướng giảm, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ trái cây.

“Lượng cung của các tỉnh rất lớn, mà nhu cầu tiêu thụ của TP giảm cho nên ảnh hưởng nhiều, hiện tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cố gắng, một mặt lo đảm bảo để đáp ứng nguồn hàng cho TP. Tuy nhiên cũng nên cố gắng luân chuyển nguồn hàng trong 19 tỉnh thành đang bị giãn cách. Thứ hai nữa là chuyển hướng cung nguồn hàng ra hướng miền Trung và phía Bắc”, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết.

Đến thời điểm này, gần 400 cơ sở, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp tại 19 tỉnh phía Nam đã được Tổ công tác 970 kết nối.

Theo Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, một mặt ngành nông nghiệp vẫn duy trì xây dựng được mạng lưới nguồn cung đa dạng, mặt khác vẫn tập trung giải quyết tình trạng, hàng hóa ùn ứ. Đến thời điểm này, gần 400 cơ sở, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp tại 19 tỉnh phía Nam đã được Tổ công tác 970 kết nối. Trong đó, qua việc kết nối, điều phối, tỉnh Long An hiện đã giải quyết được nơi tiêu thụ khoảng 200 tấn rau và ký thêm hợp đồng hàng trăm triệu đồng, có được đầu ra ổn định.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, trong quá trình tiếp nhận thông tin, Tổ công tác 970 đang có mặt tại phía Nam cũng đã làm việc với một số đầu mối thu mua, phân phối để đưa hàng ra miền Trung và miền Bắc, giải quyết vấn đề ùn ứ hàng. Trong những ngày tới, ngoài trái cây, các mặt hàng rau củ quả, thủy sản, chăn nuôi đang có dấu hiệu dư thừa cục bộ ở một số địa phương sẽ được điều chỉnh thị trường. Trong ngày 29/7 tới sẽ có 2 diễn đàn xúc tiến thương mại online được tổ chức, nhằm điều phối tiêu thụ nhãn và rau củ quả cho các tỉnh phía Nam.

“Hiện đã chủ động thay đổi thị trường ra miền Trung và phía Bắc, bởi hiện Hà Nội cũng đã giãn cách, khả năng cũng sẽ có tình trạng thiếu hàng cục bộ. Đặc biệt, chúng tôi cũng mời Giám đốc Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương và các doanh nghiệp Hà Nội để làm sao chúng ta kết nối đưa sản lượng điều hòa ở các vùng cả nước, giảm vấn đề thiếu hụt cục bộ và cũng vừa giải quyết vấn đề dư thừa cục bộ ở một số nơi”, ông Trần Trần Thanh Nam cho biết thêm.

Theo Tổ công tác 970, sản lượng hàng nông sản xuất khẩu tại phía Nam hiện nay vẫn được duy trì ổn định, Tổ sẽ cùng các địa phương nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông để đưa nông sản đến thị trường các tình thành giãn cách, đồng thời mở rộng tiêu thụ ở các thị trường khác. Ngành Nông nghiệp mong muốn nông dân, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, đồng hành vượt qua những khó khăn trước mắt do ảnh hưởng dịch Covid-19./.

(Theo VOV)